Lý do Thủ tướng Nhật lưỡng lự về tình trạng khẩn cấp

Thứ ba, 07/04/2020 13:48

Trong bối cảnh số ca nhiễm tăng vọt trong những ngày qua ở Nhật Bản, Thủ tướng Shinzo Abe đối mặt lời kêu gọi từ các quan chức phải ban bố tình trạng khẩn cấp để chống dịch. Tuy nhiên, cho đến nay, nhà lãnh đạo này vẫn lưỡng lự trong việc này. Vì sao như vậy?

Theo một nguồn tin từ một quan chức Nhật Bản ngày 6-4, Thủ tướng Abe dự định ban bố tình trạng khẩn cấp vì đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 trong bối cảnh số ca lây nhiễm tăng nhanh tại Tokyo và nhiều thành phố lớn khác. Tình trạng khẩn cấp dự kiến sẽ bắt đầu vào hôm nay (7-4) và sẽ có hiệu lực vào ngày 8-4. Việc ban bố nói trên, căn cứ vào một đạo luật mới sửa đổi gần đây, sẽ trao quyền cho chính quyền địa phương chỉ thị cho người dân ở nhà và yêu cầu đóng cửa trường học cũng như những cơ sở khác. Động thái này sẽ nhằm vào các thành phố lớn như Tokyo và Osaka. Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chưa có quyết định cuối cùng của nhà lãnh đạo Nhật Bản.

Một tuyên bố tình trạng khẩn cấp, lần đầu tiên được áp dụng ở Nhật Bản, sẽ hạn chế quyền cá nhân, cho phép các thống đốc tỉnh kêu gọi hành động cụ thể để ngăn chặn sự lây lan của virus, vốn đang ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế nước này. Tuy nhiên, ngay cả khi tình trạng khẩn cấp được ban bố, việc phong tỏa trên toàn thành phố, như đã thấy ở các quốc gia khác như Trung Quốc và Pháp, không thể được thi hành theo luật pháp Nhật Bản. Mọi người sẽ không bị trừng phạt nếu họ không xếp hàng, hoạt động kinh doanh cũng không thể bị cấm. Và tất nhiên, ông Abe không thể tuyên bố tình trạng khẩn cấp theo ý mình. Ông cần được sự chấp thuận từ một ban cố vấn gồm các chuyên gia về y học và sức khỏe cộng đồng, những người sẽ xác định liệu một động thái như vậy có cần thiết hay không. Trước khi chính thức tuyên bố tình trạng khẩn cấp, chính phủ về nguyên tắc bắt buộc phải thông báo cho Quốc hội.

Trước sự hoành hành của đại dịch, để ngăn hệ thống chăm sóc sức khỏe trở nên quá tải và các tác động lan rộng khác, các thống đốc của các khu vực phải tuyên bố sẽ có thể cảnh báo mọi người chỉ đi ra ngoài để làm những việc cần thiết, hoặc nếu họ phải đi làm trong các lĩnh vực như sức khỏe chăm sóc và giao thông công cộng. Các thống đốc có thể hạn chế sử dụng - và yêu cầu đóng cửa tạm thời - những nơi tập trung các nhóm lớn như trường học, cơ sở phúc lợi xã hội, nhà hát, địa điểm âm nhạc và sân vận động thể thao. Trong trường hợp các bệnh viện quá tải và cần nhanh chóng thiết lập những bệnh viện dã chiến như ở Trung Quốc và Mỹ, các thống đốc sẽ có thể thu hồi đất tư nhân và các tòa nhà nếu bị chủ sở hữu và người sử dụng từ chối không có lý do chính đáng.  Họ cũng có thể trưng dụng vật tư y tế và thực phẩm từ các Cty từ chối bán chúng và trừng phạt những người tích trữ hoặc không tuân thủ. Họ có thể buộc các Cty giúp vận chuyển hàng hóa khẩn cấp. Tất cả điều này là chưa từng có ở Nhật Bản.

Áp lực vì vậy đang đè nặng ông Abe, nhất là trong bối cảnh thống đốc Tokyo Yuriko Koike và Osaka Hirofumi Yoshimura liên tục kêu gọi Thủ tướng Abe ban bố tình trạng khẩn cấp trong khi Hiệp hội Y khoa Nhật Bản cũng tìm kiếm các biện pháp trong bối cảnh lo ngại về sự sụp đổ của hệ thống chăm sóc sức khỏe.

THANH VĂN