Ly kỳ vụ kiện robot giết người

Thứ sáu, 05/05/2017 09:43

(Cadn.com.vn) - Ông William Holbrook ở Grand Rapids, Michigan, Mỹ vừa qua đã phát đơn kiện 5 Cty sản xuất robot vì tội “giết” vợ ông khi bà đang làm việc tại nhà máy sản xuất phụ tùng ô-tô tại Michigan hồi tháng 7-2015.

Vụ kiện chưa từng có trong lịch sử

Đây là vụ kiện hy hữu chưa từng có, trong đó kẻ giết người là một robot. Ông Holbrook kiện đích danh 5 Cty sản xuất robot, là Lincoln Electric, Flex-N-Gate, Prodomax, FANUC và Nachi.

Theo đơn kiện, tháng 7-2015 vợ ông Holbrook, bà Wanda Holbrook, 57 tuổi, trong khi đang làm việc tại nhà máy sản xuất phụ tùng ô-tô Ventra Ionia Main (VIM) ở Michigan đã bị robot sát hại. Khi đó, bà Wanda đang làm việc tại khu 140 hoặc 150 thì một con robot ở khu vực 130 bất ngờ đi vào làm bà Wanda giật mình, sau đó nó ép đầu bà vào giữa một cái máy lắp ráp khiến bà không kịp trở tay và chết ngay sau đó do vết thương nghiêm trọng. Mãi sau, thi thể bà Wanda mới được đồng nghiệp phát hiện nhưng đã muộn.

Ông Holbrook còn cho biết thêm, vợ ông là kỹ thuật viên có 12 năm làm việc tại VIM, có nhiều kinh nghiệm nên không thể mắc sai lầm. Nhưng bà lại bất ngờ bị robot đẩy vào hoàn cảnh nguy hiểm, chết tại chỗ, một tai nạn “xưa nay hiếm”. Cũng theo đơn, robot được phân làm việc ở một nơi nhất định, nhưng không hiểu sao đã “nổi loạn” đến nơi bà Wanda làm việc. Theo ông, rất có thể đó là sai lầm do lập trình, sai sót trong khâu thiết kế, chế tạo hay thử nghiệm, giám sát...

Robot ở VIM, thủ phạm khiến bà Wanda thiệt mạng.

Robot nổi loạn - cơn ác mộng của con người

Vụ tai nạn ở VIM khiến người ta lo ngại, đặc biệt là những tác động tiêu cực của quá trình tự động hóa trong dây chuyền sản xuất công nghiệp, đặc biệt là trong bối cảnh robot ngày càng phát triển và chính bản thân robot cũng đang tiến hóa mạnh,  thông minh hơn nhờ trí tuệ nhân tạo (AI).

Theo thống kê của Liên đoàn Robot Quốc tế (IRF), việc sử dụng robot thay con người trong thị trường lao động đang trở thành một xu hướng mới. Robot với trí tuệ nhân tạo (AI) có thể thay con người trong rất nhiều vị trí, cướp đi nhiều công ăn việc làm của người lao động. Dự tính có khoảng 1,3 triệu robot công nghiệp được đưa vào hoạt động tại các nhà máy trên quy mô toàn cầu vào năm 2018. Trong đó, Australia, Trung Quốc, Pháp, Đức, Ấn Độ, Italia, Nhật Bản, Anh và Mỹ là những nơi có tỷ lệ sử dụng robot cao nhất.

Theo dự báo của Tập đoàn tư vấn Boston (BCG), trong vòng một thập kỷ nữa, 25% công việc của con người sẽ do robot đảm nhiệm, nói cách khác con người phải chia sẻ 1/4 công việc cho robot. Trong “cuộc chiến” này những nhân công giá rẻ, những lao động phổ thông sẽ là đối tượng bị ảnh hưởng đầu tiên và nhiều nhất. Ví dụ tại Trung Quốc, robot có thể lắp ráp trọn gói một chiếc iPhone. Về bản thân robot cũng đang tự vận động, robot có thể tự tạo ra đồng loại, không cần con người nhờ trí thông minh nhân tạo (AI) và lúc đó con người sẽ phải gánh chịu nhiều hiểm họa.

Trở lại với vụ kiện nói trên người ta mới thấy hết mối hiểm họa khó lường của robot. Nhiều câu hỏi được đặt ra, do lỗi của con người, sự bất cẩn của con người, hay trục trặc từ robot, hoặc do robot “đột biến” nảy sinh ý thức hủy hoại con người. Giới chuyên gia vào cuộc. Người thì cho rằng đây là tai nạn lao động thuần túy chứ không phải là “thảm họa” từ robot, nhưng lại có ý kiến cho rằng đây là hiểm họa mới đang treo lơ lửng trên đầu con người, mang tên “robot thông minh”.

Ngay cả thiên tài Stephen Hawking cũng từng cảnh báo nguy cơ đối với loài người từ AI. Ông cho rằng, việc tạo ra một trí tuệ nhân tạo là con dao hai lưỡi. Trong các nhà máy hiện nay, có rất nhiều robot được thay thế con người.

Kim Hùng 

(Theo Dailymail/Telegraph)