"Ma men" dở khóc dở cười...
Ngày thứ 7 kể từ khi Nghị định 100/NĐ- CP của Chính Phủ có hiệu lực (1-1-2020), lực lượng CSGT CA Quảng Trị đã kiểm tra, xử lý hàng chục trường hợp điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn với tổng số tiền xử phạt lên gần nửa tỷ đồng. Ghi nhận tại các chốt kiểm tra, nhiều câu chuyện éo le, dở mếu dở cười.
CSGT Quảng Trị thực hiện đo nồng độ cồn một người điều khiển ô-tô. |
Anh K.L (43 tuổi, trú H. Cam Lộ, Quảng Trị) điều khiển ô-tô bán tải vào TP Đông Hà rồi cùng nhiều người sử dụng rượu bia. Ham vui, anh L. cụng nhiệt tình trên bàn nhậu nhưng tửu lượng khá, thấy vẫn tỉnh táo nên điều khiển xe ra về. Phương tiện này là của ông chủ doanh nghiệp nơi anh L. làm việc. Khi đang lưu thông trên QL1A, cũng gần tới nhà thì anh L. gặp chốt CSGT (Phòng CSGT CA tỉnh), kiểm tra nồng độ cồn. Thổi xong, anh L. choáng váng khi chỉ số hơn 0,5 miligam/lít khí thở, chạm mức phạt 35 triệu đồng. Chưa dừng lại đó, kiểm tra giấy phép lái xe, lại hết hạn nhiều tháng trước, bị phạt 5 triệu đồng. Chỉ trong chốc lát, anh L. "ôm" 2 khoản phạt, tổng cộng 40 triệu đồng. Nhưng éo le là ông chủ anh L. đang vui vẻ bữa cơm tối ở nhà biết tin L. bị phạt thì bản thân ông cũng "cõng" 10 triệu đồng do đã giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện lái xe tham gia giao thông theo quy định.
Trong khi đó, anh thợ xây N.T (43 tuổi) điều khiển xe máy trở về nhà trong niềm lâng lâng vừa được thanh toán tiền công tháng 12 hơn 7 triệu đồng. Vài chục phút trước, anh đã rút 100 ngàn đồng để cùng chung với nhóm thợ uống vài ly giải mỏi. Trên bàn nhậu, ai nấy cũng rôm rả bàn chuyện những "ma men" bị xử phạt mấy ngày qua, tưởng như không liên quan đến mình hoặc đã sẵn kế đối phó. Ai ngờ lúc lên xe cứ chạy bon bon, khi nhận ra tín hiệu dừng kiểm tra của CSGT thì đã muộn. Đo nồng độ cồn trên 0,4 miligam/lít khí thở, anh T. đón nhận giấy phạt 7 triệu đồng. Giấy phép lái xe bị tước, phương tiện bị tạm giữ, anh L. rầu rĩ ngồi đợi vợ vào đón về nhà. "Phạt là một chuyện, nhưng vấn đề là nâng cao nhận thức, hãy nói không với bia rượu khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, vừa bảo vệ bản thân và cho người khác", anh L. đầy thấm thía khi nghe xong câu nói đó.
Phương tiện bị tạm giữ do người điều khiển vi phạm nồng độ cồn ngày càng nhiều lên. |
Ngày 7-1, Phòng CSGT CA tỉnh Quảng Trị cho hay riêng các đội của đơn vị đã xử phạt 7 trường hợp điều khiển mô-tô với mức phạt 7 triệu đồng/người; 3 trường hợp còn lại từ 2,5 triệu đồng đến 4,5 triệu đồng. Đối với người lái ô-tô, có 2 trường hợp bị xử phạt 35 triệu đồng, 7 trường hợp khác bị xử phạt từ 7 đến 17 triệu đồng. Ngoài ra, CA các địa bàn còn xử lý gần 20 trường hợp điều khiển mô-tô vi phạm nồng độ cồn. Nhìn chung, nhiều trường hợp vi phạm không nghĩ mình "dính" phạt vì chỉ uống vài ly rượu, hoặc đã sử dụng bia rượu từ vài giờ đồng hồ trước nên chủ quan. "Lực lượng CSGT làm nghiêm lắm, xin mấy chú nớ xem xét, tha cho lần đầu mà có được mô, cũng quên đi chuyện gọi người quen "trợ giúp". Ham cụng ly là đi tiền triệu, một lần ri là thấm thía hung rồi", anh L.V.G (32 tuổi, trú TP Đông Hà) chia sẻ.
Theo Ban ATGT tỉnh Quảng Trị, năm 2019, tiếp tục giảm cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ năm 2018, tuy nhiên, so với kế hoạch đầu năm thì chưa đáng kể. Tại Hội nghị triển khai công tác ATGT năm 2020, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Chính nhấn mạnh việc kiềm chế TNGT có ý nghĩa chính trị xã hội và nhân văn sâu sắc. Đây cũng là giải pháp để thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội. Để giảm thiểu TNGT trong năm 2020, điều quan trọng nhất là phải có giải pháp để xử lý triệt để các điểm đen, nâng cao nhận thức của người dân, xử phạt vi phạm giao thông, nghiên cứu để xây dựng các mô hình đưa người uống rượu bia về nhà an toàn, hiệu quả. Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu các lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát nhiều hơn để răn đe, nhất là trước, trong và sau Tết. Tuyên truyền rộng rãi bằng trực quan, xe lưu động ở vùng sâu, vùng xa để người dân hiểu và chấp hành Luật An toàn giao thông, Luật Phòng chống tác hại của bia rượu...
Bảo Hà