Ma nhai kỷ công bi văn - Văn bia “độc nhất vô nhị” gần 700 năm
Được khắc trên núi đá vôi Thành Nam, thuộc xã Chi Khê, huyện Con Cuông (Nghệ An), “Ma nhai kỷ công bi văn” (bia Ma nhai) đã trở thành văn bia “độc nhất vô nhị” ghi lại chiến công của quân dân nhà Trần khi bảo vệ bờ cõi phía Tây Nam Tổ quốc. Trải qua gần 700 năm nhưng bia Ma nhai vẫn còn tươi nét bút, xứng đáng trở thành bảo vật quốc gia.
Tấm văn bia cổ gần 7 thế kỷ
Theo sử sách ghi chép, văn bia Ma nhai gắn liền với chiến công của quân, dân nhà Trần chống giặc Ai Lao. Văn bia ghi lại sự kiện Thái thượng hoàng Trần Minh Tông thân chinh, “tự làm tướng đích thân chỉ huy quân đội, hiệu lệnh nghiêm minh, uy thanh vang dội”, do đó “Ai Lao nghe tiếng chạy mất hút”, vào năm Ất Hợi niên hiệu Khai Hựu thứ 7 (1335) đời vua Trần Hiến Tông. Sau chiến thắng này, Thượng hoàng liền lệnh Phát vận sứ Nguyễn Trung Ngạn soạn văn khắc vào vách núi kỷ niệm chiến thắng.
Đây là một chứng tích lịch sử duy nhất còn lại trên mảnh đất Nghệ An được khắc vào núi đá nhằm ghi lại chiến công của nhà Trần trong việc giữ gìn bờ cõi, chinh phạt ngoại xâm, thu lại đất đai bị mất, thể hiện thanh thế của Nhà nước Đại Việt trong sự nghiệp củng cố nền độc lập của dân tộc.
Toàn bộ văn bia ngắn gọn chỉ 14 dòng với 155 chữ, khắc sâu trên vách núi đá vôi, hướng ra sông Lam. Bia có diện tích lớn (213cm x 155cm), nét chữ to đạt mức kỷ lục, xếp vào hàng bia đá có nét chữ lớn nhất Việt Nam, trung bình mỗi chữ có đường kính khoảng 10,5cm. Bia Ma nhai là minh chứng cho hào khí Đông A của vương triều Trần cũng như tinh thần bảo vệ bờ cõi và nhân dân Đại Việt, đồng thời cũng là lời nhắc nhở, răn đe cho những tù trưởng hay thủ lĩnh có mưu đồ chống phá lại sự ổn định và thống nhất lúc bấy giờ. Các nhà nghiên cứu đánh giá đây là một trong những văn bia cổ có giá trị đặc biệt, tiêu biểu cho lịch sử quốc gia và văn hóa bản địa.
Nội dung bia Ma nhai được dịch như sau: Đời vua thứ sáu triều Trần nước Đại Việt, Thái thượng hoàng đế Chương Nghiêu Văn Triết nhận được mệnh trời, làm chủ hết cả bốn cõi, khắp trong đất ngoài bể không ai không thần phục, thế mà nước Ai Lao nhỏ bé kia còn ngang ngạnh với giáo hóa của triều đình. Cuối thu năm Ất Hợi, nhà vua thống lĩnh sáu quân đi tuần ở cõi Tây.
Thế tử nước Chiêm Thành, nước Chân Lạp, nước Tiêm và tù trưởng đạo thần là Quỳ, Cầm, Xa, Lặc rồi các bộ mán mới phụ thuộc là tù trưởng rợ Bôi Bồn và rợ Thanh Xa đều dâng sản vật của địa phương mình và tranh nhau đón rước.
Chỉ một mình tên giặc Bổng (chúa Ai Lao) cứ giữ thói u mê, sợ tội mà chưa tới chầu ngay. Đến cuối đông, vua đóng quân ở cánh đồng Cự Đồn thuộc Mật Châu rồi lệnh cho các tướng cùng với quân lính mọi rợ vào tận nơi ở của chúng. Tên giặc Bổng nghe uy thế liền trốn chạy, vua bèn xuống chiếu đem quân về. Ngày tháng 12, đông nhuần, năm Ất Hợi, niên hiệu Khai Hựu thứ 7, khắc vào đá.
Năm 2011, bia Ma nhai được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Sau đó, chính quyền địa phương đã làm biển chỉ dẫn, bảng giới thiệu, xây lối lên xuống bằng bê-tông. Trải qua thăng trầm của thời gian, hiện nay văn bia còn nguyên vẹn, chữ trên vách núi không bị mờ.
Bên dưới núi có một hang đá nhỏ rộng khoảng 10m2, được người dân địa phương lập bàn thờ, đặt lư hương, cử người tuần tra bảo vệ. Vào ngày rằm và mồng 1 âm lịch, du khách thập phương thường đến cung tiến lễ vật hương, hoa, quả…, tưởng nhớ các tướng lĩnh đã hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ biên cương.
Đề nghị công nhận bảo vật quốc gia
Theo ông Trần Mạnh Cường, cán bộ Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn tỉnh Nghệ An, Văn bia ghi lại chiến công của nhà Trần chống giặc Ai Lao. Tuy nhiên lại không hề nhắc đến cảnh chém giết hay giao tranh đẫm máu, mà chỉ nhắc đến việc quân ta thể hiện sĩ khí và thanh thế để khiến giặc tự rút lui, vua ta liền đem quân trở về ngay. Nước ta bảo vệ được biên cương nhưng giữa 2 bên không có tổn thất nhân mạng. Qua đó cho thấy rõ sự truyền tải tư duy chiến lược sâu sắc, nhấn mạnh tránh chiến tranh bằng trí tuệ và chiến lược, thay vì chỉ dựa vào vũ lực để giành chiến thắng. Thể hiện tính nhân đạo, trí tuệ và chiến lược chính trị khôn ngoan, giảm thiểu thiệt hại cho cả hai bên; thể hiện phẩm chất cao đẹp của người Việt dưới thời nhà Trần thấm đẫm từ bi Phật giáo.
Cũng theo ông Cường, Văn bia Ma nhai kỷ công bi văn mang đặc tính lý hóa của đá, nên đến nay văn bia vẫn được bảo tồn gần như nguyên vẹn. Đây thực sự là nguồn tư liệu gốc quý hiếm, có giá trị về lịch sử, văn hóa, là những di sản cần được bảo tồn, nghiên cứu, truyền bá rộng rãi trong quần chúng nhân dân, nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa lịch sử của dân tộc, ghi nhận những công lao to lớn của các bậc tiền nhân; đồng thời đề xuất giải pháp phát triển bền vững việc bảo tồn và phát huy giá trị. Văn bia này hội tụ đủ các điều kiện đề nghị Nhà nước công nhận là Bảo vật Quốc gia.
Được biết, đoàn công tác của Cục Di sản văn hóa, Bộ VH-TT&DL trực tiếp khảo sát di tích lịch sử cấp quốc gia bia Ma nhai, có buổi làm việc với lãnh đạo huyện Con Cuông để tư vấn quy trình lập hồ sơ trình trung ương. Huyện Con Cuông đã khẩn trương phối hợp với các nhà nghiên cứu đến từ Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và Viện Trần Nhân Tông tiến hành công tác rập thác bản văn bia. Đây là một khâu quan trọng nhằm ghi lại đầy đủ, chính xác những nét chạm khắc, hoa văn, chữ viết trên bia đá - cơ sở phục vụ cho nghiên cứu, bảo tồn và quảng bá giá trị di tích.
Theo lãnh đạo Sở VH-TT& DL tỉnh Nghệ An, hiện đơn vị đang tiến hành các thủ tục đề nghị công nhận bia Ma nhai là bảo vật quốc gia. Nếu được công nhận, bia Ma nhai sẽ có thêm cơ hội được bảo vệ, tu bổ đúng mức. Đồng thời danh hiệu này sẽ mở ra triển vọng mới cho phát triển du lịch văn hóa ở Con Cuông, thu hút du khách, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội địa phương.
Dương Hóa