"Ma trận" dược liệu dịp cận Tết
Thời gian gần đây, báo chí và các cơ quan chức năng liên tục phát hiện những sai phạm về dược liệu kém chất lượng, thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc bị làm giả... tràn lan trên thị trường. Theo đó, rất nhiều mặt hàng dược liệu khi bị kiểm tra đều không có nguồn gốc xuất xứ, giấy tờ hợp lệ.
Những ngày cuối năm, trên các tuyến đường Quảng Nam không hiếm những mặt hàng dược liệu như vậy được bày bán công khai như "đánh đố" người tiêu dùng.
Sâm Ngọc Linh giả bị Công an huyện Nam Trà My thu giữ. |
Thuốc trị bách bệnh không nhãn mác
Theo thống kê sơ bộ, 60% dược liệu trôi nổi trên thị trường hiện nay là không đảm bảo chất lượng, thuốc giả, thuốc loại 3, 4, 5, thuốc rác… Tuy nhiên, do công nghệ làm giả thuốc ngày càng tinh vi, kèm theo sự ra đời của một số máy móc hiện đại mà nhiều vị thuốc đã bị rút hết tinh chất sau đó được sấy khô từ Trung Quốc chuyển về Việt Nam để tiêu thụ nên nếu chỉ dựa vào kinh nghiệm cũng chưa đủ, cần phải có sự hỗ trợ của một số thiết bị, máy móc. Những sản phẩm này thoạt nhìn rất đẹp mắt, chất lượng vì vậy không hiếm những "thượng đế" sẵn sàng chi tiền triệu để mua về dùng trong dịp Tết.
Có mặt tại các khu chợ, P.V ghi nhận không hiếm những điểm bán dược liệu từ các loại thuốc đông y đến các dược liệu ngâm rượu trị bệnh bày bán tràn lan. Thậm chí có rất nhiều loại thuốc không nhãn mác được chia ra làm từng gói nhỏ được quảng cáo là trị bệnh tiểu đường, trị viêm xoang, đau răng gia truyền cũng rất hút khách. Ngoài những loại dược liệu thông dụng như kim ngân hoa, nhân trần, la hán, thảo quả, ý dĩ, táo tàu, huyền sâm, tam thất… đến những loại dược liệu có độc tính như mã đề, mã tiền được bày bán tràn lan.
Các loại dược liệu này được đựng trong những túi ni-lông, chất chồng lên nhau thành từng đống. Bên ngoài bao bì không ghi thông tin về tên dược liệu, hạn sử dụng. Một phụ nữ bán hàng dược liệu cho biết những mặt hàng này bán rất chạy vào ngày Tết và chẳng cần quảng cáo nhiều vì "một đồn mười mười đồn trăm". "Em hỏi thuốc này làm từ cái gì, đông dược hay tây dược thì chị cũng chịu nhưng mà mười người dùng thì mười người khỏi. Những thuốc này là thuốc gia truyền nên công thức không ai biết hết chị cũng chỉ nhập hàng về bán thôi. Mà em yên tâm thuốc không có hại chi đâu mà sợ", người phụ nữ quả quyết. Theo lời quảng cáo của người phụ nữ này những loại thuốc này được bán quanh năm nhưng chủ yếu khách biết tìm đến mua còn chỉ có ngày Tết mới được bày bán công khai trên đường.
Không khó bắt gặp các điểm bán rượu ngâm dược liệu công khai mà không hề có nhãn mác, xuất xứ. |
"Hoa mắt" với dược liệu ngâm rượu
Xâm nhập thực tế, P.V nhận thấy trên các tuyến đường đi lên miền núi qua xã Đại Đồng (H. Đại Lộc), TT Thạnh Mỹ (H. Nam Giang), Quốc lộ 14B lên H. Đông Giang có rất nhiều điểm bán ba kích, đẳng sâm, táo mèo, mật nhân, nấm lim xanh... Các loại nấm, củ, rễ được cho là "thần dược" chữa bá bệnh được bày bán tràn lan, tất cả đều được ngâm, dầm rượu bất kể công năng và tác dụng. Mặc dù bày bán sơ sài nhưng giá mỗi hũ rượu ngâm nấm lim xanh lại khá "chát" từ 1,2 triệu đồng đến 2 - 3 triệu đồng tùy kích cỡ và số lượng nấm ngâm. Ngoài ra, khách có thể mua nấm khô để sẵn về tự ngâm.
Chủ một điểm bán dược liệu tại Nam Giang cho biết công dụng của rễ mật nhân chữa được nhiều bệnh như đái tháo đường, đau mỏi xương khớp, viêm gan, gút còn các loại dược liệu khác giúp bồi bổ sức khỏe rất tốt. Tuy nhiên khi được hỏi những dược liệu này nhập ở đâu thì các chủ bán hàng lại ấm ớ không trả lời.
Theo Sở NN&PTNT, hiện nay cùng với việc xây dựng thương hiệu Quốc gia cho sâm Ngọc Linh thì Quảng Nam cũng quy hoạch vùng bảo tồn và phát triển được một số cây dược liệu tập trung mang giá trị kinh tế cao như: quế Trà My, đẳng sâm, ba kích tím... Tuy nhiên, theo ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT phần lớn giống dược liệu sử dụng trên địa bàn tỉnh còn hạn chế về số lượng, chất lượng, nguồn gốc giống không rõ ràng. Vẫn còn xuất hiện tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng mang nhãn mác dược liệu Quảng Nam để đánh lừa người tiêu dùng.
Mới đây, một vụ rao bán sản phẩm sâm giả Ngọc Linh với trọng lượng 13,2kg củ và 6,1kg thân lá cũng vừa được CAH Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) triệt phá. Từ đó hé lộ hiện tượng "tuồn" sâm giả Ngọc Linh lên ngay "thủ phủ" vùng sâm Ngọc Linh ở Quảng Nam để rao bán. Theo đó, đối tượng tên là Nguyễn Thị Lan Anh (1981, trú thôn 2, xã Trà Linh, H. Nam Trà My) đã mua 134 củ sâm có trọng lượng 13,2kg, 6,1kg thân lá của một người ở tỉnh Kon Tum về địa phương rao bán qua mạng xã hội (Zalo, Facebook) và quảng cáo đó là sâm Ngọc Linh. Chị Nguyễn Thị H. (thôn 2, xã Trà Mai) khi thấy thông tin rao bán sâm Ngọc Linh của Lan Anh đăng trên mạng xã hội đã đồng ý mua 5kg loại 10 củ/kg với giá 113 triệu đồng cùng 3kg sâm loại 20 củ/kg với giá 73 triệu đồng. Hai bên thống nhất nếu kiểm tra đúng là sâm Ngọc Linh thì mới mua và giao tiền. Tuy nhiên, khi gặp mặt để xem hàng trực tiếp thì chị H. phát hiện số sâm trên không phải sâm Ngọc Linh nên đã trình báo cơ quan chức năng. Qua giám định của Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an), loại sâm mà Lan Anh "tuồn" lên vùng sâm Ngọc Linh ở Quảng Nam rao bán thực chất một loại sâm của Lai Châu có giá trị thấp.
Theo Chi cục Quản lý thị trường Quảng Nam, việc phân biệt nấm, sâm kể cả các sản phẩm dược liệu quý bằng mắt thường rất khó, nhất là khi nấm ở dạng khô. Việc các loại nấm lim xanh, linh chi cũng như dược liệu sâm Ngọc Linh, đẳng sâm, ba kích xuất hiện trên thị trường với giá từ thượng vàng đến hạ cám là do đây là các mặt hàng không nằm trong danh mục bình ổn giá. Dịp Tết Nguyên đán là thời điểm những mặt hàng dược liệu hút khách do nhu cầu sử dụng, làm quà của người dân tăng cao vì vậy để bảo vệ mình người dân cần chọn địa chỉ uy tín khi mua dược liệu tránh tiền mất tật mang.
ĐỒNG DAO