Mắc Ca, loài cây trồng triển vọng
(Cadn.com.vn) - Mắc ca có tên khoa hoc là Macadamia, gốc Úc, mới được nhập vào Việt Nam chừng 10 năm trở lại. Tại Lâm Đồng trong những năm gần đây, nhiều nông dân đã mạnh dạn đầu tư trồng loại cây này, và một số vườn cây đã cho thu hoạch, bước đầu gợi mở một hướng đi mới trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng của nông dân
Cách đây 7 năm, ông Nguyễn Đức Ba, ở thị trấn Thạch Mỹ, H. Đơn Dương (Lâm Đồng) nhận hạt giống và mắt ghép cây mắc ca của Cty TNHH hạn Mắc Đá về trồng xen với cây chuối trên diện tích 8 sào. Năm ngoái, vườn mắc ca này đã cho quả bói. Năm nay cây đậu quả chi chít, ước tính vườn mắc ca 8 sào này sẽ cho thu hoạch khoảng 2 tấn quả khô, dự tính bán được trên 200 triệu đồng.
Với kinh nghiệm nhà nông, ông Ba cho rằng trồng mắc ca đem lại nhiều lợi ích. Điểm nổi bật của loại cây mắc ca này là thời gian thu hoạch cây khá dài. Do là loại cây rừng, nên sức sống của cây mắc ca kéo dài ít nhất 80 năm. Hơn nữa, sức chịu hạn của cây cũng tốt hơn so với các loại cây trồng hiện tại ở địa phương. Điều này được thể hiện bằng kết quả cây mắc ca năm nay cho trái dù phải chịu hạn liên tiếp trong gần nửa năm qua.
Theo ông Trần Vinh, Phó giám đốc Cty TNHH Mắc Đá, mắc ca là một loại cây trồng cho quả làm thực phẩm sinh học với hàm lượng dinh dưỡng rất cao, cung cấp nguyên liệu để phục vụ ngành công nghiệp chế biến ở nhiều nước trên thế giới. Từ chỗ nghiên cứu và trồng thử nghiệm thành công tại vườn của ông Ba, đến nay Cty Mắc Đá đã và đang mở rộng phạm vi phát triển sản xuất, cụ thể hiện đã có 6 ha tại Đơn Dương đang cho quả bói và 100 ha khác đang sinh trưởng và phát triển tốt tại xã Phi Tô, H. Lâm Hà (Lâm Đồng).
Cây Mắc ca tại vườn ông Nguyễn Đức Ba, ở thị trấn Thạch Mỹ, H. Đơn Dương (Lâm Đồng). |
Theo ông Trần Vinh, người nông dân có đất, chỉ bỏ công chăm sóc, bảo vệ, Cty Mắc Đá sẽ đảm đương toàn bộ chi phí đầu tư từ cây giống, cải tạo đất, vật tư nông nghiệp cho đến kỹ thuật trồng, chăm sóc và bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Mọi thiệt hại trên cây mắc ca trong suốt quá trình sinh trưởng và phát triển đều do Cty chịu hoàn toàn trách nhiệm.
Giá trị của cây mắc ca cao bởi nhân hạt được dùng làm thực phẩm cao cấp, chế biến dầu dùng trong các loại mỹ phẩm, rất được ưa chuộng ở thị trường Âu Mỹ. Sản lượng mắc ca trên thế giới hiện cũng chỉ đáp ứng khoảng 1/4 nhu cầu thị trường. Trong dầu của mắc ca có trên 87% là axit béo không no, trong đó có nhiều loại mà cơ thể con người không tự tổng hợp được, khi ăn vào giảm được cholesteron, có tác dụng phòng trị xơ cứng động mạch. Hàm lượng protein trong nhân có tới 9,2% gồm 20 loại axit amin, trong đó có 8 loại axit amin thiết yếu cho cơ thể người.
Theo tiêu chuẩn chọn giống của nhiều nước, thì một giống mắc ca tốt trong tương lai có thể đạt năng suất cao trên 5 tấn hạt/ha/năm, đặc biệt là phải có tỷ lệ thu hồi nhân trên 40% sản lượng hạt, chất lượng tốt, bắt đầu cho thu hoạch sau 3 đến 4 năm trồng. Đến năm thứ 10 năng suất phải đạt 5 tấn hạt/ha/năm và từ năm thứ 15 trở đi có khả năng đạt tới 15 tấn hạt/ha/năm. Với giá bán của thị trường trên thế giới như hiện nay, một kilogam mắc ca nhân khoảng 25 đô la Mỹ, như vậy giá trị kinh tế mang lại là rất lớn.
Việc đưa vào trồng loại cây mới như mắc ca không chỉ đem lại thu nhập cao cho nông dân miền Trung - Tây Nguyên mà còn có ý nghĩa tránh rủi ro khi độc canh cà phê. Các chuyên gia nông nghiệp cũng cho rằng, nếu tăng được diện tích, và năng suất thì mắc ca là loại cây mũi nhọn đột phá, giúp Việt Nam quy hoạch lại bản đồ chiến lược nông nghiệp. Tuy nhiên, việc khuyến khích trồng mắc ca cũng cần theo quy hoạch, tránh sự ồ ạt, dẫn đến những hệ lụy đã xảy ra đối với các loại cây trồng khác, gần đây nhất là cây cao su.
Lê Kiên