Mái ấm của trẻ kém may
Đến thăm các mái ấm thuộc Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em TP Đà Nẵng, người viết tình cờ gặp em Huỳnh Viết Triều, một học sinh từng tham gia học tại lớp học cộng đồng kể từ lúc đang học lớp 10. Bắt đầu từ năm học 2019-2020 này, Triều đã đạt được ước mơ trở thành sinh viên năm nhất Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, ngành Công nghệ thông tin, lớp chất lượng cao.
Giờ vui chơi của các em ở mái ấm. |
Sinh ra và lớn lên ở thôn Nam Mỹ, xã Hòa Bắc, H.Hòa Vang, Triều đã trải qua cuộc sống hết sức khó khăn. Người bố sau khi mổ tim không còn sức lao động, cả nhà chỉ trông chờ vào đồng lương giáo viên mầm non của mẹ. Bởi vậy, khi Triều thi đỗ vào lớp 10 Trường THPT Thái Phiên cũng là lúc em được nhận vào lớp học cộng đồng tại Trung tâm Từ thiện. Sức học của em từ đó ngày càng tốt hơn nhờ sự giúp đỡ của các thầy, cô giáo ở đây. "Cháu luôn xem Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em TP Đà Nẵng và Tổ chức "Trả lại tuổi thơ" là gia đình thứ hai của mình. Nơi đây cũng có những anh, chị, em có hoàn cảnh khó khăn như cháu nhưng đã biết vượt lên số phận"-Huỳnh Viết Triều tâm sự.
Cô bé Lê Thùy Mộng Trinh, hiện đang sinh sống tại Mái ấm gia đình cơ sở 1 cũng có hoàn cảnh rất đáng thương tâm. Ba mất sớm, mẹ bỏ đi, em chỉ biết trông chờ từ phía nhà nội. Thế nhưng khi học hết lớp 5 thì sức khỏe bà nội đã yếu. Cuộc sống khó khăn và nguy cơ bỏ học nửa chừng là điều hiện hữu. Thế nhưng may mắn đã đến với em khi em được nhận vào Trung tâm Từ thiện, mái ấm gia đình cơ sở 1. "Cuộc sống như được lật sang trang mới. Cháu được cắp sách đến trường, được ăn no, mặc ấm, được học âm nhạc, vẽ tranh, được sống trong môi trường an toàn, đầy đủ tiện nghi, tiếp tục nuôi dưỡng ước mơ của mình"- Mộng Trinh bày tỏ cảm xúc một cách thật lòng. Cũng lớn lên từ "Mái ấm nữ sinh", bây giờ Nguyễn Thị Thanh Hương đã tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ và cách đây 2 tháng, Hương đã chọn con đường quay về lại nơi mình đã từng sống những năm tháng "đầy ắp tình người" để tiếp tục giúp đỡ những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khác.
Anh Đặng Quốc Bảo - Giám đốc Trung tâm Từ thiện cho biết, hiện tại, Trung tâm có "Mái ấm gia đình cơ sở 1" tại 27 đường Dương Thị Xuân Quý, Q.Ngũ Hành Sơn; "Mái ấm gia đình cơ sở 2" ở số 12 đường Thanh Huy 2, Q.Thanh Khê và 2 mái ấm nữ sinh, nam sinh. Hàng ngày, các em được đi học tại các trường và được trang bị áo quần đồng phục, sách vở, đồ dùng học tập và đồ dùng cá nhân thiết yếu. Đối với các em nhỏ đang học lớp mẫu giáo đến lớp 5, bảo mẫu có trách nhiệm đưa các em đến lớp và đón về sau giờ học, nhất thiết không cho trẻ tự ý đến lớp và tự về nhà nhằm đảm bảo an toàn giao thông cho trẻ. Công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, các hoạt động hỗ trợ giáo dục, vui chơi giải trí cũng rất được Trung tâm chú trọng. "Công tác bồi dưỡng, nâng cao kiến thức như: Anh văn, Vi tính, Toán, Lý, Hóa cho các em được BQL dự án "Nuôi dạy trẻ em mồ côi và trẻ em nghèo có hoàn cảnh khó khăn tại Đà Nẵng" đặt lên hàng đầu. Năm học 2018-2029, dự án tiếp tục hợp đồng giáo viên các bộ môn Toán, Lý, Hóa, Anh đến dạy các em tại nhà nhằm giúp cho các em nâng cao kiến thức các môn học, rút dần khoảng cách về học lực đối với HS có học lực yếu, trung bình. Nhờ vậy, năng lực học tập của các em có chiều hướng tiến bộ, nắm vững kiến thức ở trường và đến cuối năm học đã có nhiều em tiến bộ trong học tập"- anh Bảo kể.
Trong khi đó, các em ở mái ấm nam, nữ sinh viên cũng thực hiện rất tốt công việc của mình. Mặc dù bận đi học chính khóa nhưng các em vẫn dành thời gian nói chuyện, chia sẻ với các em nhỏ tại các mái ấm giúp các em thay đổi hành vi, chăm ngoan trong học tập, rèn luyện đạo đức lối sống.
Khi đề cập đến Dự án "Nuôi dạy trẻ em mồ côi và trẻ em nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại Đà Nẵng", bà Lê Thị Tám - Chủ tịch Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em TP Đà Nẵng, Trưởng BQL dự án cho hay, năm học 2018-2019, kinh phí thực hiện dự án đã vượt qua con số 3 tỷ đồng. "Sự phối hợp chỉ đạo của BQL dự án, giữa Hội và Tổ chức "Trả lại tuổi thơ" đã tạo được mối quan hệ gắn bó, thân thiết cùng cộng đồng quản lý, giám sát việc thực hiện dự án theo đúng mục đích đề ra"-bà Tám nói.
PHƯƠNG KIẾM