Mang con chữ đến với phụ nữ vùng cao
Lớp học xóa mù của phụ nữ vùng cao được mở dưới sự phối hợp của Hội LHPN thị trấn Krông Klang (huyện Đakrông, Quảng Trị), suốt 2 tháng nay. Tất cả 28 học viên đều là các chị, các mẹ người đồng bào Vân Kiều. Vì cuộc sống khó khăn nên họ đã lỡ làng việc học khi đúng độ tuổi. Nay họ mới có điều kiện đến trường...
Lớp học xóa mù giúp phụ nữ vùng cao Đakrông hiện thực hóa ước mơ đến trường. |
2 tháng nay, cứ tầm 6 giờ 30 phút chiều từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần, lớp học xóa mù dành cho các chị em phụ nữ đồng bào Vân Kiều ở Trung tâm sinh hoạt cộng đồng thuộc xóm Khe Xong, thị trấn Krông Klang lại rộn rã tiếng nói cười. Các chị, các mẹ đều tranh thủ đến lớp thật sớm để cùng nhau trò chuyện và trao đổi bài tập trước khi thầy, cô giáo lên lớp học bài mới.
Có mặt sớm nhất ở lớp học, bà Hồ Thị Dần (58 tuổi), thành viên lớn tuổi nhất của lớp học phấn khởi kể: “Ngày xưa tui cũng thích đi học lắm nhưng nhà nghèo nên phải đi làm nương rẫy. Rồi lớn lên thì đi lấy chồng, sinh con. Tháng trước nghe Hội phụ nữ thị trấn thông báo cho đi học miễn phí, tui mừng đến mất ngủ. Tui xin đến lớp học để biết mặt chữ, đọc sách, làm phép tính và học kí tên mình để khỏi phải lăn tay như mấy chục năm qua nữa”. Dù đã cao tuổi nhưng bà Dần nắm bắt kiến thức rất nhanh, là một trong những người viết chữ cái và làm phép tính thành thạo nhất lớp. Ngoài giờ học, bà còn tranh thủ thời gian ở nhà để làm bài tập và tập đọc, trở thành học viên gương mẫu cho mọi người noi theo.
Nắn nót đưa từng nét bút chì để tập viết chữ cái, chị Hồ Thị Han (44 tuổi) chia sẻ: “Được đi học vui lắm. Bây giờ tui biết mặt chữ rồi. Trước đây muốn đọc sách thì chỉ có cách ngồi sau lưng con, nghe con đọc bài thôi. Chừ tui tự đọc được rồi”. Chị Han là mẹ đơn thân nuôi 3 con. Đời sống kinh tế của gia đình chị khá khó khăn. Ước mơ học chữ ấp ủ từ những ngày xưa khi vừa đúng độ tuổi đến trường nhưng qua mấy chục năm, bây giờ mới thành hiện thực. Từ ngày được đến trường, cứ thấp thỏm sợ quên mặt chữ nên mỗi tối tan học trở về, chị Han đều tranh thủ nhờ con hướng dẫn đọc bài và làm thêm bài tập để ghi nhớ.
Thầy giáo Hồ Văn Bằng, giáo viên trường TH-THCS Hướng Việt (huyện Hướng Hóa), người trực tiếp đứng lớp xóa mù này cho biết: “Các chị em phụ nữ vùng cao, nhất là ở độ tuổi 30 trở lên, họ rất thiệt thòi. Phần lớn trong số họ đều không có điều kiện đến trường. Khi thấy thông tin cần giáo viên tình nguyện đứng lớp từ Hội LHPN thị trấn Krông Klang là tôi liền đăng kí. Từ nhà tôi ở Hướng Việt về đây xa tới 80km nhưng thương các chị, các mẹ nên tôi quyết tâm vượt qua mọi khó khăn để về đứng lớp”. Cùng là người đồng bào Vân Kiều nên việc tiếp cận và truyền kiến thức của thầy Bằng đến các chị em lớp xóa mù không mấy khó khăn.
Chị Phan Thị Chung, Chủ tịch HLH Phụ nữ thị trấn Krông Klang cho biết, lớp học xóa mù dành cho chị em phụ nữ vùng cao ở thị trấn Krông Klang có 28 học viên tham gia. Các chị đều ở độ tuổi từ 30 trở lên, là đồng bào dân tộc thiểu số Vân Kiều. Lớp có 4 giáo viên tình nguyện cùng với sự hỗ trợ của các hội viên phụ nữ thị trấn.
Theo chị Chung, tỉ lệ mù chữ trên địa bàn còn khá cao. Việc không biết chữ ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của chị em phụ nữ, nhất là việc tiếp cận các chủ trương, chính sách, cách làm ăn mới để phát triển đời sống kinh tế. Thông qua lớp xóa mù, Hội mong muốn không chỉ giúp chị em biết mặt chữ, phép tính mà qua đó còn lồng ghép thêm các kiến thức, kỹ năng nuôi dạy con cái, phát triển kinh tế, phòng chống dịch COVID-19 cũng như nhiều dịch bệnh khác, bỏ hủ tục lạc hậu… giúp chị em tiến bộ và nâng cao đời sống về mọi mặt.
THIÊN PHÚC