"Mang nghệ thuật xuống phố"- hướng đi mới của Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh

Thứ ba, 19/07/2016 09:35

(Cadn.com.vn) - Bắt đầu từ đầu năm 2014, dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Thành ủy Đà Nẵng, một nghị quyết mới ra đời với chủ trương mang văn hóa nghệ thuật đến phục vụ người dân Đà Nẵng và du khách đến tham quan du lịch thành phố. Dự án "Mang nghệ thuật xuống phố" được khởi xướng để rồi sau đó Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh với thế mạnh là đội ngũ diễn viên trẻ có thể biểu diễn đa dạng nhiều loại hình nghệ thuật như: Tuồng, rối nước, múa dân gian, hòa tấu nhạc cụ dân tộc và trên cơ sở có sẵn trang thiết bị âm thanh, ánh sáng để có thể mang ra biểu diễn ở sân khấu ngoài trời. Với mức chi phí thành phố hỗ trợ là 9 triệu đồng một đêm diễn, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh được chọn là đơn vị đầu tiên mang nghệ thuật xuống phố biểu diễn cho người dân và du khách xem...

Những trích đoạn Tuồng biểu diễn tại phố bờ Đông sông hàn.

Vào khoảng 8 giờ các đêm chủ nhật của tuần lẻ hàng tháng, người dân và du khách dạo chơi bên bờ sông Hàn  sẽ được thưởng thức miễn phí những tác phẩm nổi tiếng của bộ môn nghệ thuật Tuồng truyền thống. Những trích đoạn Tuồng kinh điển, nổi tiếng được tập thể diễn viên, nghệ sĩ Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh Đà Nẵng chọn lọc và biểu diễn tại sân khấu bờ Đông sông Hàn đường Trần Hưng Đạo, Đà Nẵng. Theo anh Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, ban đầu, để thực hiện ý tưởng này cũng lắm gian nan vì có ý kiến cho rằng: "Tại sao xây dựng nhà hát tuồng hàng tỷ đồng rồi bỏ không? Sau đó mang nghệ thuật Tuồng ra biểu diễn ngoài trời?". Thế nhưng, việc đưa Tuồng xuống phố biểu diễn đã có Nhà hát nghệ thuật truyền thống  Khánh Hòa là nhà hát nghệ thuật truyền thống đầu tiên trên cả nước  thực hiện thành công khiến anh Tuấn tự tin và quyết tâm đến Khánh Hòa để tìm hiểu và học hỏi. Vả lại, theo anh nghĩ, bằng mọi cách để cứu Tuồng khỏi "chết" là biện pháp cần làm ngay lúc này. Hơn nữa biết đâu nếu cách làm này tạo được hiệu ứng xã hội, người dân, du khách vì đam mê Tuồng sẽ rủ nhau đến nhà hát tuồng xem trọn vẹn các vở diễn thay vì chỉ xem một trích đoạn ngắn bên bờ sông Hàn. Tuy nhiên trước nhận định gây tranh cãi là việc mang Tuồng xuống phố liệu có làm "bình dân hóa" và "thấp đi" giá trị của Tuồng đã khiến anh Tuấn cân nhắc và sau khi đến tìm hiểu và học hỏi đơn vị bạn, anh và các đồng nghiệp đã chọn lọc và lên danh sách những tác phẩm Tuồng kinh điển, tiêu biểu của nghệ thuật Tuồng để mang xuống phố...

Có mặt tại đêm biểu diễn Tuồng bên bờ sông Hàn vào tháng 6-2016,  tôi như bị thu hút bởi các tiết mục biểu diễn của Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh. Những tiết mục biểu diễn tại chương trình với lời thoại dí dỏm hài hước được khán giản vỗ tay thích thú như "Ông già cõng vợ đi xem hội". "Trần Quốc Toản đề cờ" là một vở diễn ngắn kể về vị anh hùng ở tuổi niên thiếu Trần Quốc Toản với lòng yêu nước nồng nàn khiến người xem cảm động... Tuy nhiên, theo suy nghĩ của tôi cũng như nhiều khán giả thích Tuồng có mặt xem đêm diễn là hàm lượng thời gian biểu diễn hơi ngắn, với chỉ hơn 1 giờ đồng hồ (từ 8 đến hơn 9 giờ), liệu có nên chọn các tiết mục với nội dung cô đọng và dễ hiểu hơn so với hiện tại các tiết mục được biểu diễn tại chương trình là những trích đoạn ngắn của một vở tuồng dài nên dễ khiến người xem khó hiểu về ý nghĩa khi xem. Các  hoạt động phụ trợ khác được kết hợp cùng đêm biểu diễn Tuồng như cho thuê trang phục tuồng của vua, hoàng hậu, công chúa để chụp ảnh đã thu hút nhiều trẻ em và người lớn và cả du khách nước ngoài. Đây cũng là một cách quảng bá Tuồng có hiệu quả.

Nguyễn Hữu Hồng Sơn