Mất cân bằng giới tính khi sinh đang ở mức rất cao
Tổng cục Thống kê tổ chức Hội nghị công bố kết quả nghiên cứu chuyên sâu Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019. Kết quả thực hiện nghiên cứu phân tích chuyên sâu một số chủ đề dân số gồm: mức sinh, mất cân bằng giới tính khi sinh, di cư và đô thị hóa, già hóa dân số đồng thời dự báo dân số Việt Nam giai đoạn 2019-2069. Những phát hiện chính từ nghiên cứu này đã cung cấp bằng chứng về thực trạng, xu hướng, các nhân tố ảnh hưởng tới dân số và đề xuất những khuyến nghị nhằm đạt các mục tiêu bền vững tại Việt Nam.
Mức sinh trong vòng 30 năm qua Việt Nam giảm gần một nửa, tổng tỷ suất sinh giảm từ 3,80 con/phụ nữ vào năm 1989 xuống còn 2,09 con/1 phụ nữ vào năm 2019. Hiện nay mức sinh của khu vực nông thôn cao hơn của khu vực thành thị. Tỷ lệ giới tính khi sinh năm 2019 là 111,5 bé trai/100 bé gái, cho thấy mất cân bằng giới tính khi sinh đang ở mức rất cao. Di cư và đô thị hóa: cả nước có 6,4 triệu người từ 5 tuổi trở lên là người di cư, chiếm 7,3% tổng dân số, thấp hơn so với năm 2009 (6,7 triệu người di cư, chiếm 8,5% dân số). Nữ giới chiếm tỷ lệ cao hơn nam giới trong tổng dân số di cư những sự khác biệt này đang dần thay đổi theo hướng cân bằng. Phần lớn người di cư thuộc nhóm tuổi trẻ từ 20-39 tuổi (61,8% tổng số người di cư).
Kết quả nghiên cứu này cho thấy: mức sinh của Việt Nam sẽ tác động làm giảm tốc độ tăng dân số trong tương lai. Dự báo tốc độ tăng dân số trong vòng 10 năm sẽ thấp hơn 1%/năm. Cơ cấu dân số có sự thay đổi theo hướng dân số già và thiếu hụt nam giới ở một số nhóm tuổi. Điều này sẽ tác động đến nguồn lực lao động cũng như các vấn đề xã hội mới nảy sinh. Xu hướng di cư và tác động của di cư đến đô thị hóa và phát triển kinh tế-xã hội là những vấn đề nổi lên trong thời gian tới.
Bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện Quỹ dân số Liên hiệp quốc tại Việt Nam cho biết: UNFPA đã có nhiều năm hợp tác thành công với Tổng cục Thống kê trong việc triển khai các cuộc Tổng điều tra Dân số và Nhà ở kể từ năm 1979. UNFPA sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực này với chương trình quốc gia hiện tại và hơn thế nữa.
Bích Vân - Thanh Giang