155 năm cuộc chiến tranh vệ quốc tại mặt trận Đà Nẵng (9-1858 - 9-2013):

Mặt trận Đà Nẵng (1858 - 1860) nơi hội tụ của quyết tâm đánh giặc

Thứ bảy, 31/08/2013 12:12

(Cadn.com.vn) - Ngày 1-9-1858 liên quân Pháp - Tây Ban Nha với hơn 2.350 quân trên 16 chiến hạm trang bị vũ khí tối tân nổ súng đánh Đà Nẵng. Với lợi thế áp đảo, chỉ trong ngày 1-9 quân địch đã chiếm hầu hết các đồn lũy của quân đội Triều đình ở phía đông bờ sông Hàn. Sáng ngày 2-9 địch tấn công thành Điện Hải. Tuy chiếm được thành này nhưng lo sợ bị phản công nên địch lui quân về chiếm giữ bán đảo Sơn Trà đến thành An Hải. Cho đến ngày 6-10-1858, khi đã nhận thêm được 550 viện binh, liên quân Pháp - Tây Ban Nha mới mở cuộc tiến công thứ hai. Chúng nổ súng đánh đồn Mỹ Thị, đổ bộ lên bờ rồi quay sang đánh đồn Cẩm Lệ. Tại đây Thống chế Lê Đình Lý cầm quân đánh trả cho đến lúc bị trọng thương, quân lính phải đưa ông lui về phía tỉnh đường Quảng Nam. Tháng 11 rồi tiếp đến tháng 12-1858 giặc nhiều lần mở đợt tấn công dọc theo sông Hàn, nhưng bị quân của Nguyễn Duy đánh trả, khiến cho thuyền của chúng (cái bị gãy rách buồm, cái thì bị thủng vỡ, dỉ nước vào" (Đại Nam thực lục).

Nhiều lần tấn công vẫn không chọc thủng được các phòng tuyến mới của quân Việt, chờ thêm quân tiếp viện vẫn không thấy, lại thêm dịch bệnh cướp đi nhiều sinh mạng, viên tổng chỉ huy Rigault de Genouilly rơi vào tình thế  tuyệt vọng đành phải đi đến quyết định chỉ để lại một đại đội và vài chiến hạm tại Đà Nẵng, còn đại quân 2.176 tên với 10 tàu chiến và 4 thương thuyền trực chỉ vào Nam Kỳ.

Sau khi chiếm thành Gia Định và đã xếp đặt được mọi việc ở trong Nam, ngày 1-4-1859 Genouilly đem quân quay lại Đà Nẵng. Lúc này viện binh từ Pháp đã tới, gồm 992 thủy quân lục chiến, 100 pháo binh, 50 công binh. Ngày 8-5-1859 Genouilly huy động toàn bộ lực lượng hành quân trên 9 tàu chiến, 20 thuyền tam bản, chia làm 3 mũi đồng loạt tấn công từ thành Điện Hải đến đồn Nại Hiên. Chúng chiếm được 20 căn cứ phòng ngự và nhiều đồn của quân ta. Sau trận này, Thống chế Nguyễn Tri Phương cho lập phòng tuyến mới sát ngay phòng tuyến cũ khiến cho quân giặc không thể tiến xa hơn những nơi chúng vừa mới chiếm được.

Nghĩa trủng Khuê Trung - nơi an nghỉ của những chiến sĩ hy sinh trong cuộc chiến tranh vệ quốc ở Đà Nẵng (1858-1860). Ảnh: N.V.M

Bị giam chân ở chiến trường, viên tổng chỉ huy Genouilly gửi báo cáo về Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Pháp: "Thưa ngài Bộ trưởng, chúng ta đang nhanh chóng tuột dốc xuống đến tình trạng bất lực hoàn toàn và đến thời điểm phải bất động tại Đà Nẵng... Đó là cái vòng luẩn quẩn khiến chúng ta phải bể đầu". Y cáo bệnh xin về nước. Page được cử sang thay cũng tiếp tục than thở: "Thần chết bay lượn quanh khắp các đồn trại; hơn 1000 người đã được cắm thánh giá rải rác trên đất nước này..., các đội quân kiệt sức còn lại cũng nao lòng với những ý nghĩ bi thảm; càng ngày hàng ngũ chúng ta càng thưa thớt thêm".

Dù nuôi tham vọng đánh nhanh thắng nhanh tại Đà Nẵng chỉ trong vòng 3 tuần lễ, nhưng thực tế chiến trường ở đây buộc liên quân Pháp - Tây Ban Nha phải kéo dài chiến trận suốt 22 tháng 18 ngày, cuối cùng đành phải rút đi, để lại nơi sa trường "một tháp hài cốt chứa ngàn thánh giá".

Như vậy, Đà Nẵng là đột phá khẩu trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của thực dân phương Tây, và đây cũng là nơi quân dân Việt Nam thu được chiến thắng lớn nhất, oanh liệt nhất, không có một chiến thắng nào khác sánh bằng trong suốt 87 năm chống Pháp (1858-1945).

Có được thắng lợi như vậy, bởi về mặt chủ quan cuộc chiến này đã hội tụ được quyết tâm đánh giặc của cả vua, quan, sĩ, thứ. Đầu tiên, là việc vua Tự Đức quyết đoán trong việc điều binh khiển tướng. Khi nghe tin cấp báo, nhà vua lập tức triển khai ngay bộ máy chiến tranh, kịp thời điều biền binh mãn hạn của tỉnh Quảng Nam ra nghênh chiến,  cùng với đưa quân cấm binh vào tiếp viện, lại liên tiếp cử các tướng giỏi vào chỉ huy, đến cả vị võ tướng tài ba Nguyễn Tri Phương đang làm Kinh lược sứ Nam Kỳ cũng được triệu ra điều khiển chiến trường. Nhà vua dụ cho các quan "nên đem hết tài năng, bày ra mưu lạ, quyết đánh cho được, thực lòng hỏi han, nghe theo lời nói phải... Đến như người nào ra trận nhút nhát rút lui thì chém trước tâu sau, để trọng quyền người làm đại tướng mà nghiêm chỉnh quân luật". Quân lệnh không chừa một ai. Các loại vũ khí tinh xảo như Chấn uy đại tướng quân, địa lôi chấn, súng nòng dài, ống phun lửa... đều được Tự Đức ưu tiên cho chiến trường Đà Nẵng. Nhà vua còn gửi sâm quế thưởng công và quần áo mặc vào mùa đông cho binh sĩ, sai lập đàn tế an ủy vong linh những người tử trận, cho chẩn cấp các làng xã ở Quảng Nam đang bị đói để nhân dân an tâm phục vụ chiến trường...

Còn tại chiến trường, các tướng, sĩ anh dũng giáp chiến với quân thù. Với tinh thần mưu trí và quả cảm, họ đã kiên cường chiến đấu, giữ vững được mặt trận này khiến cho quân địch phải thừa nhận những người lính Việt là "các chiến binh anh dũng", họ ẩn mình trong những cái hố chữ phẩm có phên che giữa bãi đất bằng rồi bất thình lình vọt lên sáp chiến, hoặc ngồi trên mình voi bắn thần công vào thẳng đội hình đối phương.

Đặc biệt, lúc ấy cả nước dấy lên tinh thần kháng Pháp. Nhân dân Quảng Nam lúc đó đã đóng một vai trò rất lớn cho mặt trận Đà Nẵng. Tại vùng giao chiến họ thực hiện vườn không nhà trống, trai tráng vào các đội "thân biền binh dõng" trực tiếp tham chiến. Dân các huyện lân cận thì tích cực xay lúa tải lương, đắp thành lấp sông chặn đường tiến quân của địch. Ngay cả các đội Thiên Thiện là tù nhân sai phái cũng dốc lòng đoái công chuộc tội, được Tự Đức tưởng thưởng. Các quan lại quê Quảng Nam đang công cán tại các miền đất nước cũng lập tức dâng sớ xin được về quê đánh giặc. Các quan lớn nhỏ trong triều ngoài nội, kẻ hiến kế "lưới đánh giặc, thuyền đánh giặc, bè đánh giặc và thuật đánh giặc", người đề xuất lấp sông Vĩnh Điện khiến cho nước mạn hạ lưu bị cạn, thuyền tam bản của giặc không thể tiến đánh được thành tỉnh Quảng Nam...

Những nguyên nhân trên cho thấy một nguyên lý: Sức mạnh chiến thắng bắt nguồn từ tinh thần đoàn kết, trên dưới một lòng; dám chiến đấu và biết chiến đấu.

PGS, TS. Ngô Văn Minh