KỶ NIỆM 60 NĂM CHIẾN THẮNG LỊCH SỬ ĐIỆN BIÊN PHỦ (7-5-1954 – 7-5-2014):

Máy bay Mỹ bị bắn rơi trong Chiến dịch Điện Biên Phủ

Thứ sáu, 02/05/2014 10:18

(Cadn.com.vn) - Tôi hy vọng gửi đến độc giả những bí mật mới: “Mỹ đã vào nước ta từ năm 1954”. Có đúng không? Hoàn toàn đúng.

Tiến sĩ Learay và đạo diễn phim tài liệu Douglas sang Việt Nam vài lần nhưng không kết quả. Đành phải gặp Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao Việt Nam xin được giúp đỡ và tiếp cận Đại đội phó Đại đội 816 cao xạ pháo ở Điện Biên Nguyễn Cần, người còn lưu giữ tập hồi ký. Trên trang giấy trắng kẻ hình vuông gọi là kẻ ô ly cũ, chữ bị mờ sau 50 năm nhưng còn đọc được: “Ngày 6-5-1954, Đại đội 816 bắn rơi một C119 cách Điện Biên 120km”. Đạo diễn người Mỹ trân trọng đỡ cuốn “Điện Biên Phủ điểm hẹn lịch sử” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp do Nguyễn Cần đưa. Ở trang 380, dòng thứ 8 từ trên xuống có ghi chuyện xảy ra ngày 6-5-1954: “Pháo cao xạ bắn rơi một máy bay vận tải”. Khẩu đội trưởng khẩu đội 2 Nguyễn Thế Vinh kể lại chuyện cách đây nửa thế kỷ và 10 năm rất sinh động: “Nghe Đại đội trưởng Lại Văn Đan chỉ thị mục tiêu, cả 4 nòng pháo đồng loạt nổ súng, nhả đạn chùm quanh máy bay. Quan sát viên trông thấy đạn trúng cánh trái chiếc thứ nhất. Cả hai chiếc C119 muốn làm cho nhẹ máy bay nên đã thả bom và tất cả dù lương thực, thực phẩm... rồi bỏ chạy (có một số dù rơi vào trận địa C816). Chính trị viên Vũ Tuấn Chuyển biểu dương các khẩu đội đã bắn loạt đạn thứ hai trúng cả hai mục tiêu, đặc biệt nhìn rõ đuôi chiếc thứ nhất bị tóe lửa”.

Tôi và Nguyễn Cần là bạn rất thân, cùng nhập ngũ một ngày, cùng là học viên Trường Sĩ quan Lục quân Trần Quốc Tuấn khóa V (1949), cùng tham dự chiến dịch Điện Biên Phủ (1954). Cần thổ lộ: “Tớ là khách mời đặc biệt của Bộ Quốc phòng. Đạo diễn người Mỹ không rời tớ nửa bước. Họ muốn giữ bí mật sự kiện này nhưng sau khi đọc nhật ký của tớ, họ xem tớ là nhân chứng sống. Lính cao xạ bọn tớ có trí nhớ tuyệt vời, đặc biệt là trận bắn rơi máy bay thu được rất nhiều thịt hộp, cá hộp, bia rượu do giặc lái Mỹ thả”. Tôi hỏi bạn: “Từ năm 1954, đơn vị cậu có biết là bắn rơi máy bay do phi công Mỹ lái không? “Cậu biết rõ là trước chiến dịch Điện Biên, lực lượng cao xạ bọn mình chưa về nước. Trên đường hành quân ra trận, các cậu chỉ biết mục tiêu của chiến dịch có bí danh là Trần Đình. Không cần giữ bí mật với cao xạ pháo, bọn tớ được phổ biến là ta sẽ mở chiến dịch Điện Biên. Bọn tớ hành quân gấp, đi cả ngày, cả đêm nên mới kịp chiếm lĩnh trận địa. Tuy cán bộ, chiến sĩ chưa nổ súng lần nào, chưa ai có kinh nghiệm quần nhau với máy bay tấn công B26 và máy bay vận tải của Pháp nhưng tất cả đều hào hứng, hăng hái lập công”, Cần nói. “Các cậu biết bắn rơi máy bay Pháp!”. Nguyễn Cần cười: “Biết! Trước tháng 2-2004, ai cũng cho là máy bay Pháp. Cậu là nhà báo cùng tham gia chiến dịch Điện Biên, cậu có nghe giao ban việc này chưa?”. Tôi lắc đầu bình phẩm: “Cho đến năm 2004, nghe người trong cuộc là cậu kể lại với đầy đủ bằng chứng thuyết phục, mình mới tin đây là sự thật”.

Máy bay C-119 của Mỹ.

Chả rõ Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ có báo cáo với Tổng thống Mỹ về một máy bay và hai phi công mất tích không? Sự việc lớn như vậy, Mỹ đã lờ đi. Thất thủ Điện Biên Phủ, Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Pháp quá nhục nhã nên Mỹ không dính vào, cố chứng minh cho các nước là Mỹ đứng ngoài cuộc. Suốt 50 năm, có nhiều người Mỹ biết việc này nhưng đều giữ im lặng. Hai người Mỹ có trách nhiệm nhảy vào cuộc đã bí mật tìm kiếm, đã đi gặp nhiều người, nhiều địa danh nhưng không có tia hy vọng nào moi được chuyện cũ. Họ đành chọn cách

công khai yêu cầu Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao Việt Nam giúp đỡ. Mọi việc tưởng rơi vào quên lãng bỗng bị khui ra.

Tiến sĩ William Learay tìm thấy trong văn khố lưu trữ Hoa Kỳ một tài liệu có đóng dấu “mật”. Ông đọc và sửng sốt khi phát hiện sự kiện có hai phi công Mỹ tên là James B.Mc Govem và Wallace A Bufort đã tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Máy bay C119 do hai người Mỹ này lái đã bị cao xạ pháo Việt Nam bắn rơi ngày 6-5-1954. Điều trớ trêu, đáng buồn là họ tên người này không được ghi trên bia tưởng niệm những người Mỹ đã chết ở Việt Nam. Lầu Năm Góc muốn bưng bít sự thật về sự tham chiến của Mỹ ở Đông Dương. Năm 1998, cơ quan “tìm kiếm tù binh” và những người lính Mỹ mất tích ở Việt Nam phát hiện xác chiếc C119, loại máy bay vận tải hai thân lớn, chuyên thả dù tiếp tế cho lính Pháp ở Điện Biên bị rơi trên đất Lào, nhưng thi hài tìm thấy không phải những người mà Mỹ đang cần. Lục trong hồ sơ cũ, ngoài bức điện của De Castries báo cáo với Nava, còn có một sĩ quan Pháp tại Lào cho biết, dân làng Sót thuộc Mường Hét, đã chôn hai người Mỹ trong hai ngôi mộ xây theo kiểu Phật giáo. Nhưng đáng ngạc nhiên là tất cả mọi nguồn tin xoay quanh hai viên phi công này đều bị chính quyền Mỹ ỉm đi, cố tình phớt lờ, không chịu công bố sự thật.

Chuyện bí mật được phanh phui vào đầu tháng 2-2004, khi một người Mỹ tên là Douglas Paynter, đạo diễn phim tư liệu của Mỹ đã gặp Bộ Ngoại giao nước ta xin phép được quay phim những nhân chứng lịch sử xoay quanh sự kiện này. Đạo diễn Douglas làm phim tư liệu nên ông cần sưu tập những chứng cứ đầy sức thuyết phục và đặc biệt là những nhân chứng sống. Trước khi đặt chân lên mảnh đất Điện Biên, trực tiếp thăm tại chỗ trận địa cao xạ pháo của C816, đạo diễn đã tìm được viên phi công lái chiếc phi cơ thứ hai tên là S.Ki-sác. S. Ki-sác kể: “Chúng tôi thống nhất với James và Vallaxơ là bay ngược hướng với những  chuyến trước để đánh lừa lực lượng phòng không Việt Minh. Chưa vào đến điểm thả dù thì một viên đạn đã trúng động cơ bên trái máy bay. James tắt động cơ bên trái, thả tất cả dù cho máy bay bay ra. Bất ngờ bị dính viên đạn thứ hai vào đuôi máy bay mất kiểm soát, lao nhanh, rồi đâm vào ngọn núi, bốc cháy”.

Một sự kiện đã được phơi bày ra trước dư luận toàn thế giới. Rất có thể một ngày nào đó, ngôi mộ của hai viên phi công Mỹ chết tại Lào sẽ được khai quật và tên của James, Vallaxơ sẽ được ghi tại đài tưởng niệm những người Mỹ chết tại Việt Nam. Từ năm 2004, ta có đủ căn cứ để khẳng định rằng Mỹ đã trực tiếp tham chiến cùng với quân Pháp tại Việt Nam, hai phi công Mỹ đã chết bỏ xác lại. Chính người Mỹ đã thú nhận, đã đề nghị chúng ta giúp họ tìm, xác minh lại những chuyện xảy ra cách đây 50 năm (đến 2014 là 60 năm).

Năm 2014 nhân dân Việt Nam chúng ta vô cùng tự hào kỷ niệm 60 năm đã thắng 2 đế quốc lớn là Pháp và Mỹ. Ngày 7-5-1954 nhiều nước trên thế giới ngỡ ngàng không rõ Việt Nam ở đâu, đã làm nên đại thắng chấn động địa cầu. Với tác giả có 61 năm làm báo chuyên nghiệp, tôi vô cùng hãnh diện được gửi đến độc giả những bằng chứng đủ sức thuyết phục về máy bay Mỹ đã rơi ở chiến dịch Điện Biên Phủ vào ngày 6-5-1954.

Đại tá Nguyễn Trần Thiết