Mấy suy nghĩ qua hàng loạt vụ xe phát cháy
(Cadn.com.vn) - Thời gian gần đây, hàng loạt vụ xe gắn máy, ô-tô bỗng nhiên bốc cháy, phát nổ khi đang vận hành khiến dư luận xôn xao và đặt nhiều nghi vấn. Rõ ràng, với một tần suất sự cố cao như vậy, đã gây ra nhiều bất an cho người tiêu dùng khi mà đại đa số người dân trong các đô thị của nước ta “chọn” xe gắn máy làm phương tiện đi lại hằng ngày.
Phải chăng?
Nếu quan sát chúng ta thấy tất cả những vụ cháy, nổ xe máy đã xảy ra trong thời gian qua có những đặc trưng chung: đa số là xe tay ga, phát cháy khi đang vận hành, chủ yếu là cháy vào ban ngày, xảy ra trong khu vực đô thị (đông dân), chủ xe (người điều khiển) đều không rõ nguyên nhân và đặc biệt là đều bất lực đứng... nhìn xe cháy đến còn bộ khung.
Từ những bức xúc đó, dư luận lại lên tiếng muốn truy cứu nguyên nhân vụ việc. Có luồng ý kiến cho rằng do chất lượng xe kém (lỗi của nhà sản xuất), lại có ý kiến cho rằng do người sử dụng (vận hành) không đúng quy định của nhà sản xuất (lỗi do người tiêu dùng), có người lại quy kết cho chất lượng nhiên liệu hiện hữu trên thị trường cũng như công tác kiểm tra giám sát quá trình sản xuất, phân phối, sử dụng, bảo trì của loại hàng hóa này (lỗi do nhà quản lý)... Những chất vấn này của dư luận mong muốn nhận được câu trả lời từ các cơ quan hữu quan. Thế nhưng, trong lúc chờ đợi sự giải thích từ các cơ quan chức năng, chúng ta muốn nói đến sự tự bảo vệ tài sản của mỗi người. Một lẽ thông thường mà nói, khi tài sản có nguy cơ hủy hoại bằng một lý do nào đó thì chủ sở hữu bằng mọi giá ngăn chặn quá trình hủy hoại đó, khi chiếc xe máy trị giá mấy chục triệu đến hàng trăm triệu đồng đang bốc cháy thì thiết nghĩ chẳng ai không có những hành động kịp thời để ngăn chặn: hô hoán, gọi cảnh sát PCCC... thế nhưng trên thực tế trong hầu hết các vụ cháy xe máy xảy ra trong thời gian gần đây đều cháy đến bộ khung sắt. Đây là một chỉ báo đáng để suy ngẫm. Chí ít là nếu chúng ta dập tắt ngọn lửa kịp thời thì không những bảo vệ được tài sản của cá nhân mà còn là căn cứ để giám định nguyên nhân vụ cháy một cách nhanh chóng và hiệu quả. Phải chăng kiến thức PCCC của chúng ta còn quá kém? Phải chăng người đi đường lại "lãnh cảm" với người đồng hành? Phải chăng lực lượng PCCC của chúng ta không có chức năng chữa cháy cho những vụ việc “nhỏ” như vậy? Khi tất cả những cái “phải chăng” đó chỉ còn là dấu hỏi, người viết bài này lại muốn đưa ra ba vấn đề “nên chăng”, thiết nghĩ khi làm tốt cái “nên chăng” này thì những “phải chăng” nêu trên sẽ không còn là dấu hỏi.
Chiếc xe SH đã bị cháy rụi chỉ còn lại bộ khung sắt.
Nên chăng?
Đứng về phía nhà sản xuất, nên chăng có những động thái tích cực về trách nhiệm của mình về sản phẩm đã đang và sẽ cung cấp cho thị trường. Cụ thể, nghiên cứu lại hệ thống kỹ thuật hiện hữu từ những nguyên nhân phát sinh cháy để có những điều chỉnh về mặt kỹ thuật, tránh những sự cố tương tự đáng tiếc xảy ra; nên chăng trên mỗi xe (nhất là dòng xe tay ga có thùng chứa đồ rộng) có thể trang bị thêm dụng cụ chữa cháy (dạng bình chữa cháy mini, có thể là bình khí CO2, hoặc dạng chất bột tổng hợp phù hợp và có hướng dẫn cụ thể cách sử dụng khi xảy ra sự cố). Hơn nữa trong sổ tay hướng dẫn sử dụng cần phải có thêm những hạng mục khuyến cáo người tiêu dùng không nên tự ý móc nối dây trong hệ thống điện, thay đổi công năng của xe...
Đứng về phía người tiêu dùng, nên chăng tuân thủ các khuyến cáo của nhà sản xuất, không nên tự ý thay đổi công năng của các hệ thống trong xe; trang bị kiến thức, ý thức về PCCC khi phát hiện xe bị cháy (chẳng những của bản thân mà còn của người khác). Thực tế từ các vụ cháy xe thời gian qua cho thấy, nhiều khổ chủ cứ loay hoay nhìn tài sản bị thiêu rụi mà không có những hành động thích ứng và kịp thời để cứu tài sản.
Đứng về phía các cơ quan hữu quan, nên chăng phải có những thẩm định chính xác và nhanh chóng về nguyên nhân các vụ việc kể trên để đưa ra những kết luận chính xác, khoa học, kịp thời, khách quan nhằm trấn an dư luận, định hướng dư luận và tránh những tin đồn thất thiệt gây mất ANTT và an toàn xã hội đồng thời là trả lại sự công bằng (và quyền lợi chính đáng) cho người tiêu dùng nói chung và người thiệt hại nói riêng; nên chăng có động thái hết sức tích cực và kịp thời trong công tác thẩm định chất lượng sản phẩm trong quá trình sản xuất, phân phối, tiêu dùng và bảo trì bảo dưỡng của tất cả các hãng sản xuất xe gắn máy, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và cũng đem lại những sản phẩm có chất lượng, an toàn cho xã hội.
Phạm Đi