McNamara- một trong những kiến trúc sư hàng đầu trong cuộc chiến tranh Việt Nam của Mỹ qua đời

Thứ tư, 08/07/2009 00:00

(Cadn.com.vn) - Sinh ngày 9-6-1916 tại Oakland bang California, Robert McNamara lao vào thương trường và trở thành một doanh nhân nhiều thành công. Năm 1961, lúc 44 tuổi, ông mới vừa được bổ nhiệm làm Chủ tịch tập đoàn xe hơi Ford, tân Tổng thống J.F.Kennedy mời ông tham gia nội các đứng đầu Bộ Quốc phòng. Trong chính phủ Kennedy và Johnson, Bộ trưởng McNamara là người thuộc phe diều hâu chủ chiến. Ông là một trong những người chủ trương dùng sức mạnh quân sự trong chiến tranh Việt Nam.

Ở vị thế này, McNamara là người “xây dựng” chiến lược trực tiếp can thiệp quân sự vào Đông Nam Á, đặc biệt là cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam. Với nhiều kế hoạch chiến tranh quy mô như chuyển “chiến tranh đặc biệt” sang “chiến tranh cục bộ”..., đồng thời McNamara còn cho thiết lập hàng rào điện tử mang tên ông ta ở chiến trường Quảng Trị nhằm ngăn chặn miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam, là loại hàng rào hiện đại nhất lúc bấy giờ, đã biến vùng đất này thành bãi chiến trường khốc liệt nhất. Cho đến năm 1968, McNamara đã góp phần đắc lực để đưa  lực lượng Mỹ tham chiến tại Việt Nam lên đến đỉnh điểm 535 ngàn quân. McNamara đã giữ chức vụ này trong 7 năm dưới 2 đời Tổng thống là J.F.Kennedy và Johnson, lâu hơn tất cả các Bộ trưởng Quốc phòng khác của nước Mỹ từ năm 1947 đến nay. McNamara rời chính quyền Johnson và sau đó trở thành vị Chủ tịch thứ 5 của Ngân hàng Thế giới (WB) suốt 13 năm cho đến khi về hưu năm 1981.

Lúc về già, McNamara tỏ ra hối tiếc những lỗi lầm của mình với tư cách là một trong những kiến trúc sư hàng đầu trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của Mỹ. McNamara cũng đã từ chối viết hồi ký, đưa ra quan điểm của chính ông ta về cuộc chiến. Nhưng vào đầu năm 1990, ông bắt đầu tiết lộ. McNamara nói với Tạp chí Time vào năm 1991 rằng ông ta không nghĩ cuộc thả bom ở miền Bắc Việt Nam thời chiến tranh, chiến dịch thả bom lớn nhất trong lịch sử đến thời kỳ đó, có hiệu quả nhưng ông vẫn tiến hành bởi vì “chúng tôi phải nỗ lực chứng minh rằng, việc thả bom không có hiệu quả và bởi vì những người khác nghĩ rằng nó sẽ có hiệu quả”.

Robert McNamara trong cuộc họp báo ở Lầu Năm Góc năm 1965. Ảnh: AP 

Cuối cùng, vào năm 1993, ông viết hồi ký “In Retrospect: The Tragedy and Lessons of Vietnam” (tạm dịch: Hồi tưởng những bi kịch và bài học về Việt Nam), ra đời vào năm 1995, vì ông tin là một số bài học của chiến tranh Việt Nam có thể áp dụng cho giai đoạn hậu Chiến tranh Lạnh. Trong cuốn hồi ký này, McNamara cũng nói rằng, ông ta từ năm 1967 đã không tin Mỹ sẽ có khả năng thắng cuộc chiến du kích mà Pháp đã từng thất bại tại Việt Nam. Vào ngày phát hành sách, năm đó McNamara 78 tuổi trả lời với Hãng tin AP, ông đã nói: “Chúng tôi vào thời Tổng thống Kennedy và Johnson đã hành xử đúng với nguyên tắc và truyền thống của đất nước, nhưng chúng ta đã lầm, chúng ta lầm lẫn một cách tai hại”.

Trong một chuyến thăm hiếm hoi đến Việt Nam sau này, McNamara đã được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người đã lãnh đạo quân đội NDVN đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ, trong đó có giai đoạn khốc liệt nhất do chính McNamara điều binh khiển tướng trên chiến trường Việt Nam.

Robert McNamara qua đời vào sáng sớm 6-7 (giờ địa phương) tại tư gia ở Washington, thọ 93 tuổi.

Lê Diệu Nguyên