Mẹ & tuổi thơ trong ca khúc của Nguyễn Huy Hùng

Thứ sáu, 14/11/2014 10:31

(Cadn.com.vn) - Nhà tôi ở cạnh Trường THCS Lê Thánh Tôn, Đà Nẵng nên mỗi lần có giờ học hát của các em học sinh, tôi thường mở cửa sổ để được nghe những thanh âm non nớt, hồn nhiên. Không ít lần tôi được nghe những câu hát: “Khi ông mặt trời thức dậy, mẹ lên rẫy, em đến trường cùng đàn chim hòa vang tiếng hát. Hạt sương long lanh nhẹ thấm trên vai. Nụ hoa xinh tươi luôn hé môi cười. Đưa em vào đời đẹp những ước mơ...”. Đó là ca khúc nổi tiếng, quen thuộc “Niềm vui của em” đã đi vào lòng nhiều thế hệ thiếu nhi cả nước, được Bộ GD-ĐT tuyển chọn đưa vào chương trình giảng dạy âm nhạc và mỹ thuật lớp 6. Song, ít ai biết tác giả ca khúc này đã có một thời là trinh sát hình sự bản lĩnh và dạn dày kinh nghiệm của CATP Đà Nẵng (cũ), đó là nhạc sĩ (NS) Nguyễn Huy Hùng, Hội viên Hội Nhạc sĩ và Hội Nhà báo Việt Nam, nguyên Trưởng phòng  Biên tập văn nghệ Đài PT-TH Quảng Nam, Chi hội trưởng âm nhạc Quảng Nam.

Tôi còn nhớ lúc đó, Đại tá Lê Đình Mậu, nguyên Phó giám đốc CA tỉnh QN-ĐN, kiêm Trưởng CATP Đà Nẵng nhận xét về các tổ đánh án của lực lượng CSHS CATP: “Nguyễn Huy Hùng, Lê Hữu Nhì, Hồ Hưng  là 3 mũi nhọn tấn công tội phạm có hiệu quả nhất của địa bàn 3 quận mới vừa sáp nhập cấp thành phố. Phải mạnh tay như  thế mới bảo vệ được sự yên bình của nhân dân”. Vốn là sinh viên  Trường Quốc gia âm nhạc và kịch nghệ Huế từ năm 1970 nên ngọn lửa say mê sáng tác cứ níu kéo, thôi thúc, khiến anh đành phải “rẽ ngang” chuyển sang ngành PT-TH, phụ trách văn nghệ...

Nhạc sĩ Nguyễn Huy Hùng (trái) và tác giả.

Trở lại sự ra đời của ca khúc “Niềm vui của em” cũng thật bất ngờ, lý thú. Năm 1982, NS Nguyễn Huy Hùng có chuyến đi thực tế lên Trại giáo dục thiếu niên hư ở huyện Giằng (nay H. Nam Giang, Quảng Nam). Sáng hôm ấy, khi ánh bình minh vừa trải dài trên đồi núi trập trùng,  sương sớm còn treo dày trên cành cây, ngọn cỏ, tiếng rì rào của gió, tiếng róc rách, thầm thì của dòng suối trong vắt với bao âm thanh của các loài chim tạo nên bản hòa tấu rộn ràng..., từng tốp học sinh nhỏ đồng bào dân tộc thiểu số mặc những bộ quần áo truyền thống, tung tăng cắp sách đến trường.

Nhìn ánh mắt em nào cũng long lanh, vô tư, trong sáng lạ lùng. Khi mặt trời lên cao thêm một chút, các phụ nữ trong bản mang gùi, cầm rựa lục tục lên nương rẫy trồng tỉa... Bức tranh miền núi thanh bình quá khiến lòng anh dâng trào bao cảm xúc.  Ngay tối đó, bên ngọn đèn dầu, những xúc cảm của anh về cảnh vật, con người miền núi được chứng kiến lúc sáng đã bật thành lời bài hát. “Khi ông mặt trời thức dậy, mẹ lên rẫy, em đến trường”... Tiếp đó, “Khi ông mặt trời đi ngủ, mẹ đến lớp bên ánh đèn, bản làng em rộn vang tiếng hát. Niềm tin bao la mẹ viết trang đầu...”.

Đây là một thực tiễn ở huyện Giằng lúc bấy giờ. Những người mẹ, phụ nữ Cơ Tu ban ngày mải mê làm lụng, khi màn đêm buông xuống mới đến lớp học để biết đọc, biết viết. Mẹ tới lớp mà lòng vui phơi phới với bao tin tưởng về tương lai tươi sáng của con ở ngày mai... NS Nguyễn Huy Hùng sáng tác “Niềm vui của em” về một vùng cao nhưng hầu như tất cả các em nhỏ tuổi  ở bất cứ đâu cũng yêu thích bởi nó không chỉ chứa đựng chiều sâu về lượng thông tin mà còn quá đỗi ấm áp, gần gũi với tuổi thơ. “Ca sĩ nhí” Nguyễn Hoàng Mây Linh đã thể hiện bài hát giành giải nhất tại Hội thi “Tiếng hát học sinh-sinh viên năm 2007”. Riêng NS Nguyễn Huy Hùng được tặng thưởng nhiều Huy chương “Vì sự nghiệp Văn học-nghệ thuật, báo chí, âm nhạc, PT-TH"...

Quê anh ở H. Đại Lộc, Quảng Nam, nơi có dòng sông Thu Bồn, Vu Gia mát rượi xanh trong dạt dào. Sau này, dù đi đâu, ở đâu, những kỷ niệm tuổi ấu thơ của anh về quê hương vẫn không hề phôi phai, để cho ra những bài ca nặng ân tình: “Con sông Thu Bồn có từ bao giờ, mà nghe điệu lý câu hò âm vang... Ngày xưa nghe tiếng mẹ ru, nghe tiếng đạn bom trên cánh đồng lửa cháy...” (Tiếng hát bên dòng sông), rồi “Ai về Vu Gia, chưa đi đã nhớ, ai đến Vu Gia, chưa ở đã quen. Dòng sông mênh mang cho tôi tràn nỗi nhớ, bao tháng năm dài thương câu hát mẹ ru...(Nhớ Vu Gia). Cách đây không lâu, anh sáng tác ca khúc “Điệu tango trên đỉnh núi”.

Thấy cái tít lạ, tôi hỏi: điệu tango sao lại ở trên đỉnh núi? Anh  bảo: “ Một lần lên Bà Nà, dưới ánh lửa trại bập bùng, nhiều nam thanh nữ tú quây quần múa hát điệu tango rất dễ thương nên mình lấy luôn cái tên bài hát như thế”... Ngoài những tác phẩm dành riêng cho tuổi thơ, hầu hết các nhạc phẩm khác của anh đều thấp thoáng trong đó bóng dáng về người mẹ, mang đậm chất dân ca mượt mà, đằm thắm, có tính giáo dục cao và nhân văn sâu sắc. Đến nay, NS Nguyễn Huy Hùng đã sáng tác hơn 100 ca khúc, trong đó có hơn 50 bài dành cho thiếu nhi. Anh bảo luôn muốn trải lòng mình để hòa cùng nhịp đập với thế giới trong trắng của tuổi thơ, việc mà hiện nay không có nhiều NS muốn làm.

Cách đây vài tháng NS Nguyễn Huy Hùng thôi vai trò cán bộ quản lý để nghỉ hưu. Anh có ý định sắp tới sẽ tham gia giảng dạy âm nhạc và tiếp tục khơi nguồn các ca khúc mới,  nhất là những bài hát cho trẻ thơ, một lối đi anh ấp ủ từ lâu.

Thái Mỹ