Miền Trung ngập sâu trong lũ
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, mưa lớn kéo dài, từ ngày 7 đến 8-10, nhiều khu vực thuộc các tỉnh, thành khu vực Trung Trung Bộ đã rơi vào tình trạng ngập lụt cục bộ do lượng nước từ các sông dâng lên và nước ùn ứ ở các vùng trũng không thoát kịp.
Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống thiên tai, mưa lũ ở khu vực Trung Bộ từ ngày 6 đến 8-10 đã làm 37 xã bị ngập sâu, chia cắt cục bộ, 11 người chết và mất tích. Các địa phương đã tổ chức di dời, sơ tán 3.250 hộ với 10.994 người tại các khu vực bị ngập sâu, nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất.
Nhiều khu dân cư ở vùng trũng thấp ven sông Yên (xã Hòa Tiến, H. Hòa Vang, Đà Nẵng) bị nước lũ bủa vây. |
Đà Nẵng: Người dân vùng trũng lo "chạy" lũ
Rạng sáng 8-10, mực nước trên các sông Yên, Túy Loan, Cu Đê (H. Hòa Vang, TP Đà Nẵng) tiếp tục dâng cao. Hầu hết nhân dân vùng trũng thấp đều khẩn trương dọn dẹp vật dụng trong gia đình, chuẩn bị "chạy" lũ. Các hộ dân ven sông suối, vùng đồi núi có nguy cơ xảy ra lũ quét được các địa phương vận động di dời đến nơi an toàn. Theo báo cáo, đến nay có gần 20 thôn nằm trong vùng trũng thấp ven các sông bị ngập cục bộ. Nhiều tuyến đường đã bị nước lũ băng qua như tuyến ĐH409 cầu Bến Giang (xã Hòa Tiến), đường ĐH2 (đoạn qua xã Hòa Nhơn); các ngành chức năng phải bố trí lực lượng thường xuyên túc trực, cảnh báo người và các phương tiện qua lại. Trong khi đó, lưu lượng nước lũ từ thượng nguồn đổ về sông Yên, Cu Đê ngày càng nhiều, khiến một số khu dân cư vùng trũng thấp ở các thôn La Bông, Lệ Sơn 2 (xã Hòa Tiến) và nhiều thôn khác ở các xã Hòa Liên, Hòa Ninh, Hòa Bắc sớm bị nước lũ bủa vây.
Lực lượng chốt chặn tại đập tràn Dương Lâm 2 (xã Hòa Phong, H. Hòa Vang, Đà Nẵng) cứu người và phương tiện bị nước lũ cuốn trôi. |
Tại các điểm giao thông nông thôn bị ngập sâu. Nước chảy siết. Để bảo đảm an toàn cho người dân qua lại, các địa phương đã cử lực lượng Công an, Dân quân chốt chặn, hỗ trợ người và các phương tiện lưu thông. Cụ thể, lúc 9 giờ sáng, lực lượng cứu hộ xã Hòa Phong làm nhiệm vụ tại đập tràn Dương Lâm 2 đã kịp thời phát hiện, ứng cứu một trường hợp cả người và phương tiện bị nước lũ cuốn trôi xuống ruộng...
Sinh hoạt của người dân ven sông Túy Loan (xã Hòa Nhơn, H. Hòa Vang, Đà Nẵng) phải di chuyển bằng ghe thuyền. |
Quảng Nam: Nhiều địa phương ngập sâu, nhiều tuyến đường sạt lở nặng
Tại tỉnh Quảng Nam, một số địa phương, đặc biệt các huyện miền núi xảy ra mưa rất to cộng với một số nhà máy thủy điện, như: Đắc Mi 4, Sông Bung phát điện hết công suất kèm theo xả lũ đã gây lũ ở các địa phương vùng hạ du, như: Đại Lộc, Duy Xuyên, Điện Bàn...
Ông Hồ Ngọc Mẫn - Phó chủ tịch UBND H. Đại Lộc (Quảng Nam), cho biết: Do lũ lớn nên tuyến ĐT 609 từ Ái Nghĩa đi Đại Lãnh bị tê liệt hoàn toàn. Ngoài ra, lũ còn ngập cục bộ tại nhiều nơi làm gián đoạn giao thông từ Đại Hiệp đến cầu Giao Thủy (Đại Hòa). Theo thống kê sơ bộ tại các địa phương, nước lũ còn làm ngập gần 2.000 ngôi nhà tại các xã: Đại Hưng, Đại Lãnh, Đại Quang và một số xã thuộc vùng B Đại Lộc gây thiệt hại lớn về tài sản, hoa màu của người dân dọc 2 bờ sông Vu Gia và Thu Bồn. Riêng tại H. Duy Xuyên, nước lũ đã làm tê liệt tuyến đường ĐT 610 từ Nam Phước đi Mỹ Sơn và nhấn chìm gần 1.000 ngôi nhà tại các xã Duy Châu, Duy Trinh. Riêng tuyến Quốc lộ 14B, do bị ngập tại khu vực nhà máy xi-măng Xuân Thành (đoạn qua TT Thạnh Mỹ, Nam Giang) nên các loại phương tiện chuyển hướng lưu thông sang tuyến 14E.
Nhiều khu vực ở Hội An (Quảng Nam) bị ngập nặng. |
* Tại H. Nam Trà My, tình trạng một số nơi bị sạt lở nặng nề khiến UBND huyện đã tiến hành di dời những hộ dân trong diện nguy hiểm. Tuyến đường một số xã Trà Mai, Trà Cang, Trà Tập, QL40B... bị sạt lở nghiêm trọng. Trường Mẫu giáo Họa Mi, xã Trà Vân; trường tiểu học làng ông Sinh, thôn 1, xã Trà Vân và khu bếp ăn tập thể trường THCS Trà Vân có nguy cơ bị sạt lở. Địa phương đã tổ chức di dời giáo viên, học sinh đến nơi an toàn... Đặc biệt, do mưa to kéo dài, lúc 20 giờ 50 ngày 7-10, tại địa phương này đã xuất hiện một trận động đất mạnh, gây rung chuyển cả vùng, một số nhà dân, công trình trường học bị nứt.
Tại H. Tây Giang, địa phương này đã tổ chức lực lượng sơ tán khẩn cấp hàng chục hộ có nguy cơ sạt lở tại xã Lăng, xã A Vương, A Xan... đến nơi ở an toàn. Nhiều tuyến đường trên địa bàn huyện tiếp tục bị sạt lở. Hiện tại, giao thông từ trung tâm huyện đi các xã vùng cao bị chia cắt tại nhiều điểm. Mưa lũ làm trôi cây cầu tạm tại thôn Abanh II (xã Tr'Hy). Trước đó, lực lượng chức năng địa phương đã di chuyển khẩn cấp 1 ngôi nhà tại thôn Ating (xã Ga Ry) do sạt lở đất; 10 nhà tại xã Bha Lêê bị ngập lụt; tổ chức sơ tán 100 hộ/385 khẩu đến nơi ở an toàn...
Tại Hội An, mưa lớn, nước từ thượng nguồn đổ về khiến một số tuyến phố cổ bị ngập nước sâu. Các hoạt động phố đi bộ và bán vé tham quan phố cổ đã tạm nghỉ. Hội An cũng sẵn sàng phương án di dời người dân đối với những nhà thấp lụt không an toàn,
Nước lũ làm ngập một số tuyến đường tại TT Ái Nghĩa (H. Đại Lộc, Quảng Nam). |
TT-Huế: Thủy điện "no" nước, mưa không ngớt
Chiều 8-10, Ban Chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh TT-Huế cho biết, đến chiều cùng ngày, tỉnh đã có người mất tích do mưa lũ. Nạn nhân là Dương Phước Hải (31 tuổi, trú TT Phong Điền, H.Phong Điền). Người này bị mất tích tại hồ Bàu Sen khi đi săn bắt chim. Hiện nay cơ quan chức năng đang huy động lực lượng để tìm kiếm nạn nhân. Ngoài ra, anh Nguyễn Khoa Nam (20 tuổi, trú xã Phong Thu, H.Phong Điền bị thương đang cấp cứu tại bệnh viện.
Mưa lũ đã khiến 1.000 nhà dân ở tỉnh bị ngập. Trong đó, H.Phong Điền 900 nhà, thuộc các xã Phong Hòa, Phong Bình, Phong Thu; TP Huế 100 nhà tại P. A Tây. Những nhà dân này bị ngập từ 0,3-0,8m. Đến trưa 8-10, H.Phong Điền đã tổ chức di dời 253 hộ dân với 780 khẩu ở các điểm thấp trũng tại các xã tại Phong Mỹ, Phong Hòa, Phong Bình, Phong Thu và TT Phong Điền. H. A Lưới đã tổ chức di dời 18 hộ dân. Mưa lũ đang khiến hệ thống nước sinh hoạt bị gián đoạn trên toàn huyện. Mưa lũ khiến tuyến Quốc lộ 49A ở tỉnh sạt taluy dương, tắc đường tại Km76+380. Đường Hồ Chí Minh sạt lở ở vài vị trí. Quốc lộ 49A sạt lở ta-luy dương, tắc đường tại Km 76+380.
Toàn tỉnh có hơn 400 ha nuôi tôm xen ghép và rau màu bị ngập úng. Hiện, tỉnh đã ban hành lệnh yêu cầu vận hành điều tiết hồ chứa Tả Trạch. Cụ thể, hồ Tả Trạch phải điều tiết qua cống tháo sâu và tua-bin với lưu lượng tăng dần, tránh đột biến khoảng từ 140-900m3/s. Thời gian bắt đầu mở cửa cống tháo sâu là 11 giờ 30 ngày 8-10. Hồ chứa Tả Trạch có dung tích hơn 500 triệu m3. Đây là công trình hồ chứa quy mô lớn nhất tỉnh TT-Huế và là công trình hồ chứa lớn thứ hai ở miền Trung, sau hồ Cửa Đại ở Thanh Hóa. Hồ Tả Trạch có nhiệm vụ chống lũ tiểu mãn, lũ sớm và giảm lũ chính vụ cho hệ thống sông Hương. Trước đó, 2 hồ thủy điện Hương Điền và A Lưới ở TT-Huế đã mở cửa xả điều tiết nước. Đến sáng 8-10, hồ Hương Điền được lệnh điều tiết qua tràn và qua tuabin với lưu lượng tăng dần từ 500-600m3/s.
Đất đá đổ tràn xuống đường gây ách tắc giao thông QL 49A (TT Huế). |
Quảng Trị: Tái hiện đợt lũ lịch sử 1999
Mưa lớn liên tục từ ngày 6 đến sáng 8-10 cũng đã khiến địa bàn Quảng Trị chịu đợt lũ nặng có thể nói lớn nhất hơn 10 năm qua, nhiều nơi ngang đỉnh lũ năm 1999. Hầu khắp địa bàn từ miền núi đến vùng đồng bằng đều mênh mông nước, hàng ngàn khu vực dân cư bị lũ chia cắt, cô lập, nhà dân có nơi ngập mái, có nơi chìm sâu. Bước đầu đã ghi nhận thiệt hại về người. Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Quảng Trị, cháu bé Lê Thị Mỹ H. (2017, trú thôn Câu Xá, xã Hải Phong, H.Hải Lăng) đã được tìm thấy thi thể. Trước đó, cháu chơi ở sân nhà sát bờ sông Ô Lâu, trượt chân bị nước lũ cuốn trôi.
Trong khi đó, tại địa bàn miền núi xã Hướng Tân (H.Hướng Hóa), các lực lượng chức năng và nhân dân đang nỗ lực tìm kiếm 2 người bị nước cuốn mất tích vào trưa 7-10, cụ thể là anh Phạm Văn N. (1985) và anh Lê Quang H. (1992) chèo đò qua suối gần hồ thủy điện Rào Quán đi làm rẫy, gặp đúng cơn mưa lớn khiến lật đò, nước cuốn mất tích. Cũng vào tối 7-10, tại xã Hướng Lộc, H.Hướng Hóa, ông Lê Bá Ch. (1957) trên đường về nhà cũng bị nước cuốn trôi, mất tích. Địa bàn xã Húc có 1 nạn nhân bị nước cuốn mất tích, đó là ông Hồ Văn Kh., trú bản Ca Dong. Vào sáng 8-10, tàu nạo vét luồng lạch đang đậu ở phao số 0 Cửa Việt đã bị sóng đánh chìm và 2 thuyền viên trên tàu đã bị mất tích sau sự cố này, rất may 3 thuyền viên khác được cứu. Đến chiều 8 - 10, nhiều đoạn trên tuyến QL1A đã bị chia cắt, giao thông gián đoạn. Các tuyến đường như QL9 và đường Hồ Chí Minh bị sạt lở, hàng ngàn khối đất đá xâm lấn mặt đường.
Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị đã về địa bàn kiểm tra và chỉ đạo công tác phòng chống cũng như khắc phục hậu quả. Cụ thể, đã có hơn 10 ngàn người đã được di dời đến nơi an toàn, khỏi vùng trũng thấp, xung yếu. Trong đó, lực lượng CA, Biên phòng, Quân đội đã có mặt kịp thời, giải cứu hàng ngàn người dân ra khỏi vùng ngập nặng.
Lực lượng vũ trang Quảng Trị "giải cứu" người dân, di chuyển tài sản ra khỏi nơi ngập lũ. |
Quảng Bình: Nhiều thôn, bản bị chia cắt
Tại Quảng Bình, toàn tỉnh có 25 thôn, bản thuộc 7 xã bị chia cắt cục bộ do nước dâng cao. Trong đó, H. Minh Hóa có các bản Ka Ai, Ka Vàng (xã Dân Hóa,), các bản Pa Chong, Ra Mai, Si, Dộ-Tà Vơng, Lòm, ChaOóc, Cây Dừa (Xã Trọng Hóa) các bản Ón, Yên Hợp, Mò O Ồ (Xã Thượng Hóa) bị ngập nặng. H. Bố Trạch gồm các bản Cồn Roàng, Cóc, Cu Tồn, Nôồng Cũ, Nôồng Mới, Chăm Pu (Xã Thượng Trạch) cũng bị chia cắt. Ngoài ra, các thôn Tân Sơn, các bản Khe Cát, Dốc Mây, Trung Sơn, P Loang, Rìn Rìn (xã Trường Sơn), thôn Trần Xá, Trường Niên (xã Hàm Ninh,H. Quảng Ninh)... và bản Bạch Đàn (xã Lâm Thủy, H. Lệ Thủy) cũng bị ngập nặng.
Riêng rốn lũ xã Tân Hóa (H.Minh Hóa) có 50 nhà ngập sâu trên 0,5m. Còn tại H. Tuyên Hóa đã lên phương án vận động, tổ chức di dời 430 với 1.600 khẩu thuộc các xã Đức Hóa, Thạch Hóa... ra khỏi vùng nguy hiểm. Nhiều điểm trên các tuyến Quốc lộ 15, 12, 9B, và hai Tỉnh lộ 562, 9c... bị ngập không thể qua lại.
Khoảng 7 giờ 30 ngày 8-10, bà Hồ Thị Núc (1979, trú bản Ba Looc thuộc xã Dân Hóa, H. Minh Hóa) đi xúc cá ở khe suối bản Ka Vi, bị điện giật được BĐBP đưa đi cấp cứu.
Toàn tỉnh có 268 trường với trên 87.000 học sinh đã được nghỉ học.
Người dân H. Lệ Thủy (Quảng Bình) sơ tán tài sản đến nơi an toàn. |
Hà Tĩnh, Thủy điện Hố Hô xả lũ gây ngập cục bộ
Mưa lớn tập trung trong thời gian ngắn cùng với việc thủy điện Hố Hô xả lũ nên đã gây ngập cục bộ tại một số địa phương tại Hà Tĩnh. Trong đó, một số xã như: Lộc Yên, Hương Trạch, Hương Giang, Điền Mỹ, Hương Xuân, Hương Liên... đã bị ngập cục bộ, nước chảy xiết, giao thông hiện đang bị chia cắt.
Thủy điện Hố Hô, do lượng nước đổ về hồ lớn nên từ 20 giờ đêm 7-10, đơn vị này đã vận hành xả tràn với lưu lượng 250 m3/s, đến trưa 8/10 lưu lượng tăng lên gần 700 m3/s.
Gia Lai: Tìm được thi thể người cha bị nước cuốn trôi
Đến khoảng 11 giờ ngày 8-10, sau hơn 35 giờ tìm kiếm, lực lượng CS PCCC&CNCH CA tỉnh Gia Lai cùng các lực lượng chức năng trên địa bàn H. Chư Prông (Gia Lai) đã trục vớt được thi thể anh Nguyễn Văn Trường (1983, trú tại Đội 7, Cty Bình Dương, xã Ia Puch, H. Chư Prông, Gia Lai). Thi thể nạn nhân được tìm thấy trên khu vực suối Puch (đoạn qua rừng Khoanh, xã Ia Puch), cách khu vực nạn nhân bị nạn khoảng 5km. Trước đó, vào chiều tối ngày 6-10, trên địa bàn xã Ia Puch xảy ra mưa lớn, kéo dài gây lũ trên suối Puch (đoạn qua ngầm Đội 7, Cty Bình Dương). Lúc này, anh Trường cõng con trai là cháu Nguyễn Hoàng Bảo Long (2013) đi qua ngầm thì bất ngờ bị nước lũ cuốn trôi cả 2 cha con. Sau nhiều nỗ lực tìm kiếm của hàng trăm con người, đã tìm thấy thi thể của anh Trường. Chính quyền địa phương, Cty Bình Dương (Binh đoàn 15) đã đến động viên, thăm hỏi gia đình, hỗ trợ mai táng nạn nhân. Đồng thời, tiếp tục triển khai lực lượng tìm kiếm cháu Nguyễn Hoàng Bảo Long.
Nhóm P.V
Học sinh Đà Nẵng nghỉ học từ trưa ngày 8 đến hết ngày 9-10 Trước tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, trong ngày 8-10, Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng liên tiếp ra hai công văn gửi Phòng GD-ĐT các quận, huyện, các trường, trung tâm trực thuộc và các trường ĐH tư thục yêu cầu thủ trưởng các đơn vị, trường học khẩn trương thông báo cho toàn thể HS-SV TP nghỉ học từ trưa ngày 8 đến hết ngày 9-10-2020 để phòng tránh mưa lũ. Sở GD-ĐT cũng cho biết thêm, trong trường hợp tình hình thời tiết còn diễn biến phức tạp, kéo dài, Sở sẽ có thông báo khẩn tiếp theo cho HS, SV, học viên nghỉ học để đảm bảo an toàn cho các em. Ngành Giáo dục tỉnh Quảng Nam đã giao quyền chủ động cho các phòng Giáo dục trong việc tự điều tiết việc dạy và học của học sinh. Ông Nguyễn Công Thành-Phó Giám đốc sở Giáo dục Quảng Nam, trao đổi: Hiện tại, H. Đại Lộc đã chủ động cho học sinh nghỉ học từ ngày 7-10-2020. Riêng các địa phương khác, như: Duy Xuyên, Điện Bàn cũng có thông báo cho học sinh nghỉ học từ chiều ngày 8-10-2020. Tỉnh TT-Huế cũng đã yêu cầu Sở GD&ĐT, UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn cho toàn bộ học sinh nghỉ học ngày 8-10. Theo Sở GD - ĐT tỉnh Quảng Trị, sau ngày 8-10, tùy tình hình diễn biến mưa lũ tại các vùng địa phương, hiệu trưởng chủ động cho học sinh tiếp tục nghỉ học nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho học sinh và giáo viên. CATP Đà Nẵng chủ động ứng phó mưa lũ Ngày 7-10, CATP Đà Nẵng có Công văn số 2592/CATP-PTM về việc ứng phó với vùng áp thấp trên Biển Đông, không khí lạnh, mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất. Theo đó, Giám đốc CATP đề nghị CA các đơn vị, địa phương tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa, lũ trên các phương tiện thông tin đại chúng, thường xuyên tiếp nhận chỉ đạo của lãnh đạo CATP để chủ động các biện pháp ứng phó phù hợp, kịp thời. Chủ động rà soát, kiểm tra, bảo dưỡng, phát huy hiệu quả các phương tiện, trang thiết bị hiện có; kịp thời đề xuất trang cấp, bổ sung phương tiện, vật tư, trang thiết bị để sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Tập trung rà soát lực lượng, phương tiện, vật tư, lực lượng phòng, chống thiên tai, bão lụt theo phương châm "4 tại chỗ"; kiểm tra, gia cố, chằng chống, đảm bảo an toàn trụ sở làm việc, đảm bảo hệ thống thông tin liên lạc thông suốt. Tổ chức trực ban, trực chỉ huy, ứng trực nghiêm túc; sẵn sàng lực lượng thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ ứng phó với đợt mưa, lũ cần lưu ý đảm bảo thực hiện nghiêm các nội dung, biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định... |