Mở nút thắt của sự e ngại

Thứ hai, 17/08/2015 06:42

(Cadn.com.vn) - Mấy ngày nay, báo chí nhắc nhiều đến những lời phát biểu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khi ông đến dự Hội nghị tổng kết năm học 2014- 2015 và triển khai nhiệm vụ năm học mới của ngành Giáo dục - Đào tạo.

Về thực trạng ngày hội học sinh đến trường, Phó Thủ tướng cho biết: nhiều năm nay ngày giờ khai giảng phải phụ thuộc vào lãnh đạo, dù thời tiết nắng hay mưa thì học sinh vẫn xếp hàng đợi. Năm nay, Phó Thủ tướng bàn với Bộ Giáo dục, kiên định chọn một ngày khai giảng đồng loạt cả nước. Khai giảng làm đúng nghi lễ chào cờ, nếu được thì cả nước cùng một thời khắc, cùng hát Quốc ca, đọc thư của Chủ tịch nước, hiệu trưởng phát biểu ngắn gọn. Đến phần sau là ngày hội cho học sinh với các thầy cô giáo.

Ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lập tức nhận được sự đồng tình rộng rãi của mọi người, khơi dậy nhiều nỗi niềm của những người công tác trong ngành Giáo dục và phụ huynh, học sinh. Trên một số diễn đàn nêu cả những ý kiến thẳng thắn cho rằng, mấy năm rồi “lễ khai giảng là của... người lớn”, để tranh thủ báo cáo thành tích, hoặc mời lãnh đạo tới dự như là cách để xác nhận chất lượng giáo dục của nhà trường, tạo niềm tin đối với phụ huynh... Thực trạng này đã phổ biến ở nhiều địa phương trong cả nước và có “nguy cơ” lan rộng hơn nếu không có ý kiến chỉ đạo rất thẳng thắn và rõ ràng của Phó Thủ tướng: “Ngành GD-ĐT nên chú ý đến những việc làm cụ thể, giản dị nhưng thiết thực và thực sự có ý nghĩa, thực sự vì học sinh”.

Thử đặt vấn đề: chuyện rườm rà, hình thức tại lễ khai giảng trong những năm qua, học sinh, phụ huynh, các thầy cô, lãnh đạo ngành Giáo dục từ xã phường, quận huyện... có biết không? Có thấy bất hợp lý không? Sao lâu nay không nói, mà bây giờ mới lên tiếng? Thậm chí, các ý kiến mà báo chí dẫn lời, dù rất thực tế và xác đáng song người phát biểu cũng không nêu rõ danh tánh. Điều đó cho thấy ít nhiều có sự e ngại. Khi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói rõ quan điểm của ông và chỉ rõ những việc cụ thể mà ngành GD-ĐT cần làm, điều quan trọng mà chúng ta cảm nhận là Phó Thủ tướng đã mở nút thắt của sự e ngại. Không chỉ là chuyện khai giảng, không chỉ là chuyện của ngành GD-ĐT, mà hầu hết các lĩnh vực khác, người dân luôn luôn mong chờ các vị lãnh đạo lên tiếng mở những nút thắt để từ đó tìm biện pháp khắc phục nhằm mục đích hạn chế, loại dần những bất hợp lý tồn tại trong đời sống xã hội, kích thích sự phát triển trên các lĩnh vực.

Dư luận đồng tình, hoan nghênh ý kiến chỉ đạo rất chí lý chí tình của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đối với ngành GD-ĐT và cũng vô cùng thấm thía khi nghe Phó Thủ tướng  nhắc nhở thế này: “Tôi đề nghị Bộ GD-ĐT hết sức lắng nghe phản ánh của xã hội, của các cháu để có những giải pháp điều chỉnh thật nhanh, kịp thời. Cần điều chỉnh cái gì thì điều chỉnh, kể cả vượt thẩm quyền của Bộ, hay cần sự phối hợp của các Bộ khác, nếu cần thiết thì Chính phủ sẵn sàng cùng các đồng chí thực hiện, sao cho học sinh được thuận lợi nhất”.  Phải chăng, mấy năm rồi nếu lãnh đạo ngành GD-ĐT chịu khó lắng nghe phản ánh của xã hội để có giải pháp điều chỉnh thật nhanh, kịp thời thì những bức xúc của ngành GD-ĐT mà điển hình như bất cập xung quanh lễ khai giảng đã không đến nỗi nhức nhối như vậy. Trong câu chuyện này, rõ ràng vai trò “tư lệnh ngành” hẳn còn nhiều vấn đề đáng bàn.

Lời nhắc của Phó Thủ tướng, vì vậy thiết tưởng không chỉ riêng đối với ngành GD-ĐT mà các cấp, các ngành, các địa phương đều có thể vận dụng.

Nguyễn Đức Nam