Mới đầu năm, trường học Đà Nẵng vất vả vì bệnh đau mắt đỏ
Từ ngày đầu tuần học thứ hai, trường TH Huỳnh Ngọc Huệ (Q. Thanh Khê) đã xuất hiện một số học sinh (HS) đau mắt đỏ nhưng vẫn đi học bình thường. Những ngày tiếp theo, số em mắc tăng lên nhanh chóng khiến sĩ số các lớp liên tục biến động. Để tránh lây lan cho các HS khác, nhà trường thống nhất với phụ huynh (PH) cho các cháu nghỉ học nếu phát hiện các biểu hiện ở nhà. Khi đã lên lớp, em nào có các dấu hiệu ngứa mắt, đỏ mắt nhanh chóng được giáo viên chủ nhiệm (GVCN) thông báo PH lên đón về. Cô Nguyễn Thị Thanh Hương – Hiệu trưởng nhà trường cho biết, đến sáng 14-9, toàn trường đã có khoảng 200 em bị đau mắt đỏ. Không chỉ HS, nhiều giáo viên (GV) cũng bị đau, người bị nhẹ thì có thể đeo kính lên lớp, người nặng thì phải nghỉ và bố trí dạy thay. Ngoài việc thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh, trường cũng đã yêu cầu GVCN, GV bộ môn lên kế hoạch dạy bù cho các em nghỉ học để PH yên tâm. “Do các em còn nhỏ, học bán trú, ăn ngủ cùng nhau nên việc lây từ em này qua em khác là khó tránh khỏi. Có những lớp khoảng 1/3 HS bị đau mắt đỏ nên GVCN phải vừa dạy các em đang đi học bình thường vừa có phương án dạy bù hiệu quả cho các em đang nghỉ học”- cô Hương cho biết.
Trường TH Hoa Lư (Q. Thanh Khê) hiện tại cũng đã có gần 100 em phải nghỉ học vì đau mắt đỏ, chiếm khoảng 8% HS toàn trường. Cô Nguyễn Thị Tố Oanh - nhân viên y tế của trường cho biết, khi đến lớp hoặc trước giờ ăn, các em sẽ được hướng dẫn rửa mắt bằng các dung dịch sát khuẩn. PH đến đón HS sẽ được hướng dẫn đưa con em đến khám tại các cơ sở y tế, không nên tự ý điều trị tại nhà. Ngoài tổ chức tuyên truyền cho HS về dịch đau mắt đỏ, Trường TH Hoa Lư còn gửi thông báo đến PHHS về tình hình dịch trên địa bàn thành phố cùng những biện pháp phòng, chống. Đối với các em nghỉ học vì bệnh đau mắt đỏ, các thầy cô giáo hỗ trợ gửi bài học, hướng dẫn học bài qua các nhóm Zalo cho PH đồng thời cam kết sẽ bỗ trợ kiến thức cho các em khi đi học trở lại.
Lãnh đạo Trường MN Việt Nhật cho biết, các cơ sở của trường tại Q. Thanh Khê, Q. Cẩm Lệ cũng ghi nhận sự lây lan nhanh của dịch đau mắt đỏ khiến nhiều cháu phải nghỉ học. Trong những ngày qua, nhà trường đã thực hiện quy trình phòng chống dịch trong cả HS và GV. Hàng ngày, GV sẽ hướng dẫn các em khối lớn và trực tiếp vệ sinh tay chân, mặt hoặc việc ăn uống cho các em khối nhỏ. Cùng với đó là thực hiện nhỏ dung dịch nước muối sinh lý vệ sinh, bảo vệ mắt, cán bộ y tế thường xuyên kiểm tra và phát hiện sớm các em có triệu chứng ban đầu để thông báo PH cho các em nghỉ học. “Toàn bộ GV được yêu cầu thực hiện các quy định chăm sóc tốt nhất cho các cháu. Thầy cô nào bị đau mắt đỏ dạng nhẹ thì phải thường xuyên đeo kính, nếu bị nặng thì ở nhà khi nào khỏi hẳn mới đến lớp. Tỷ lệ các cháu bị đau mắt đỏ thì chưa nhiều nhưng với diễn biến phức tạp, nhà trường triển khai các biện pháp để đảm bảo việc học của các cháu không bị gián đoạn nhiều” - vị đại diện Trường MN Việt Nhật cho hay.
Trong khi đó, Trường MN Ngọc Lan (Q. Hải Châu, TP Đà Nẵng) duy trì rửa tay sát khuẩn, nhỏ mắt bằng nước muối sinh lý cho trẻ trước khi vào cổng trường. Ngay từ khi có thông tin dịch đau mắt đỏ bùng phát, nhân viên y tế đã đến từng lớp tập huấn cho GV nắm được triệu chứng bệnh, các nguyên nhân lây nhiễm để có biện pháp phòng tránh phù hợp.
Trước diễn biến phức tạp của bệnh đau mắt đỏ, Sở GD-ĐT vừa có văn bản gửi các đơn vị, trường học khẩn trương triển khai thực hiện các biện pháp cần thiết để tăng cường kiểm soát, phòng, chống, thu dung điều trị. Trong giai đoạn bệnh đang lây lan nhanh, Sở yêu các trường học tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn cách phòng, chống lây nhiễm bệnh đau mắt đỏ cho cán bộ, GV, nhân viên, HS, học viên và PH theo khuyến cáo của Sở Y tế. Các trường học phối hợp với đơn vị y tế dự phòng trên địa bàn thực hiện tốt việc tư vấn, điều trị và các biện pháp phòng tránh bệnh dịch lây lan; thông báo ngay khi phát hiện HS mắc bệnh để triển khai xử lý ổ dịch sớm, triệt để. Cùng với đó, phân công bộ phận y tế học đường thường xuyên cập nhật thông tin, khuyến cáo của ngành Y tế về tình hình của dịch đau mắt đỏ, đồng thời có phương án phối hợp triển khai các biện pháp phòng tránh hiệu quả, kịp thời. Trong quá trình dạy học, GV quan tâm hướng dẫn thực hiện tốt các hành vi về vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, đặc biệt là tại các trường TH, MN, các nhóm trẻ gia đình nhằm phòng tránh bệnh đau mắt đỏ và các dịch bệnh khác. Ban Giám hiệu các trường học lưu ý GVCN nhắc nhở, giáo dục HS trong lớp không có thái độ, hành vi kỳ thị đối với các bạn bị đau mắt đỏ.
Cùng với việc triển khai các biện pháp phòng chống bệnh đau mắt đỏ hiệu quả, Sở GD-ĐT cũng yêu cầu các trường học lên phương án cụ thể, phù hợp để có kế hoạch dạy bù, bổ sung kiến thức cho các em phải nghỉ học, đảm bảo không để việc học bị gián đoạn.
Bảo Nam