Mối lo cho ngành công nghiệp quốc phòng Nga sau xung đột Ukraine
Doanh số bán vũ khí của Nga có thể bị ảnh hưởng nặng nề, thậm chí về đến “mức 0” khi các thiết bị vũ khí quốc phòng của họ đang bị lộ lổ hổng hiệu suất hoạt động không hiệu quả như mong đợi trong chiến dịch quân sự ở Ukraine. Theo các chuyên gia, tình hình này có thể sẽ khiến những khách hàng toàn cầu phải suy nghĩ lại.
Vũ khí quân sự - lợi thế xuất khẩu của Nga
Lợi thế xuất khẩu của Nga bao gồm nhiều mặt hàng khác nhau, nổi bật nhất là lúa mì, dầu khí và vũ khí.
Trước chiến tranh Ukraine, hoạt động mua bán vũ khí của Nga rất hiệu quả với sổ sách đặt hàng khoảng 55 tỷ USD. Nga có thể cung cấp vũ khí hiệu quả với mức chiết khấu đáng kể so với các công ty phương Tây và trong một số trường hợp, các hệ thống vượt trội hơn của đối thủ, chẳng hạn như hệ thống phòng không S-400. Nhưng giờ đây, với thực tế là hàng loạt vũ khí hiện đại như máy bay chiến đấu, máy bay trực thăng và hệ thống phòng không di động của Nga cho thấy hoạt động không hiệu quả như mong đợi trong cuộc giao tranh ở Ukraine, triển vọng bán hàng đỉnh cao một thời của các nhà sản xuất vũ khí của nước này đang đối mặt nhiều nguy cơ. Và câu hỏi đặt ra là liệu điều này sẽ có tác động gì tới quân đội Nga và xương sống ngành công nghiệp quốc phòng của họ?
Theo tờ Asia Times, lý do vũ khí Nga được ưa chuộng là do tính hiệu quả cao với mức chiết khấu đáng kể so với các công ty phương Tây. Và trong một số trường hợp, nước này cũng có các hệ thống vượt trội hơn của đối thủ, chẳng hạn như hệ thống phòng không S-400. Hồi năm 2018, Ấn Độ, một trong những khách hàng lớn của Nga đa ký thỏa thuận mua hệ thống phòng không S-400 trị giá 5,5 tỷ USD. Đây được xem là một trong những hợp đồng thương mại quân sự lớn nhất mà Nga ký với nước ngoài.
Nhưng hiện nay, thực tế là hàng loạt vũ khí hiện đại như máy bay chiến đấu, máy bay trực thăng và hệ thống phòng không di động của Nga cho thấy hoạt động không nhiều hiệu quả như mong đợi trong cuộc giao tranh với Ukraine. Thực tế này đặt ra nhiều nguy cơ cho vị thế đỉnh cao một thời của các nhà sản xuất vũ khí của nước này.
Moscow nói rằng họ đã phát triển một hệ thống phòng thủ tích cực, được gọi là Arena-M, cho các phương tiện bọc thép tương tự như hệ thống phòng thủ chủ động Trophy của Israel. Hệ thống đó hiện đang được lắp trên xe tăng Merkava của Israel và các thiết bị khác, đồng thời được một số xe tăng M1 Abrams của Mỹ và xe chiến đấu Bradley sử dụng. Hệ thống phòng thủ tích cực bao gồm một radar 360 độ nhỏ, chuyên dụng có thể phát hiện đường đạn đang bay tới. Sau đó, các hệ thống như Trophy của Israel sẽ phóng những quả đạn được tạo hình nổ để đánh chặn và tiêu diệt các quả đạn đang bay tới, bao gồm cả đạn pháo từ các xe tăng khác.
Nhưng Nga sau đó được cho là đã điều xe tăng chưa được trang bị bất kỳ hệ thống phòng thủ tích cực nào, hoặc phiên bản Trophy không hoạt động. Rất có thể, Nga không đủ khả năng để hiện đại hóa xe tăng, nhưng việc mạo hiệu cho chúng hoạt động trước các hệ thống chống tăng hiệu quả cao của phương Tây như Javelin và NLAWS có vẻ như là một sai lầm. Thật vậy, điều này khiến những khách hàng tiềm năng giờ đây sẽ băn khoăn khi muốn đặt hàng xe tăng và xe chiến đấu bộ binh Nga.
Vì sao Nga chưa thể chiếm ưu thế trên không?
Điều tương tự cũng xảy ra với Không quân Nga, lực lượng vốn được xếp mạnh thứ 2 thế giới.
Không quân Nga dường như chưa được trang bị đầy đủ để đối phó với cả các hệ thống phòng không cơ động như Stinger MANPADS của Mỹ và các hệ thống phòng không di động ở Ukraine như S-300PT/PS, một hệ thống phòng không di động cũ hơn do Moscow sản xuất.
Cho đến nay, Ukraine vẫn chống cự trước Nga. Theo báo cáo, Kiev thậm chí đã hạ gục một số máy bay ném bom chiến đấu “Hậu vệ” SU-34 hiện đại của Moscow. Trong khi các thông tin chi tiết vẫn còn khan hiếm, có vẻ như các biện pháp đối phó trên máy bay và hệ thống cảnh báo radar của Nga không hoạt động đủ hiệu quả để bảo vệ các thiết bị của Lực lượng Không quân.
Có thể việc thiếu các hệ thống cảnh báo và các biện pháp đối phó là nguyên nhân khiến một số máy bay chiến đấu tiền tuyến tốt nhất của Nga, chẳng hạn như Su-35, không được triển khai trong cuộc xung đột này (mặc dù Ukraine tuyên bố một số đã bị bắn hạ). Và hệ quả là những khách hàng tiềm năng nước ngoài mua thiết bị của Nga giờ đây có thể sẽ cân nhắc kỹ lưỡng về việc mua hàng của các nhà cung cấp máy bay Nga.
Trong chiến tranh hiện đại, ưu thế trên không là lợi thế kinh doanh số 1. Thực tế, Nga đã nhắm mục tiêu vào các sân bay của Ukraine và cố gắng loại bỏ chúng. Tuy nhiên, Moscow đã không triển khai bất kỳ số lượng lớn máy bay chiến đấu tối tân tham chiến, có lẽ vì lo ngại 250 hệ thống phòng không S-300 mà Ukraine có thể sử dụng.
Điều này cho thấy rằng, các máy bay chiến đấu và máy bay ném bom chiến lược của Nga không được trang bị các biện pháp đối phó có thể đánh bại các hệ thống phòng không hiện đại, chẳng hạn như các hệ thống do Nga cung cấp ban đầu cho Ukraine. Điều này cho thấy nếu NATO nâng cấp các hệ thống phòng không trên mặt đất thì có thể đem lại lợi ích đáng kể trong việc bù đắp sức mạnh không quân của Nga.
Trung Quốc cũng lo
Việc Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine cũng có khả năng tác động tới nguồn cung công nghệ quan trọng từ Kiev cho Trung Quốc.
Các nhà phân tích quân sự và ngoại giao cho rằng mặc dù mối quan hệ Ukraine-Trung Quốc đang chịu áp lực ngày càng tăng từ Mỹ, nhưng cuộc xung đột hiện tại có thể ảnh hưởng phần lớn đến giao dịch thương mại đã giúp quân đội Trung Quốc hiện đại hóa trong 2 thập kỷ qua. Theo họ, việc Ukraine thất vọng với mối sự hợp tác ngày càng khăng khít giữa Bắc Kinh với Moscow và những bất ổn của tình hình nền kinh tế và chính phủ thời hậu chiến ở Ukraine có thể đe dọa mối quan hệ này. Nhà phân tích về quân sự Trung Quốc Vasily Kasshin, công tác tại Đại học HSE ở Moscow cho biết: “Đó luôn là nơi tốt để các kỹ thuật viên quân sự của Trung Quốc săn tìm. Có rất nhiều thứ ở đó, và nhiều khi mua ở đó còn dễ hơn từ Nga”.
Ngoài việc mua lại một phần của một trong những tàu sân bay cuối cùng của Liên Xô và khung máy bay của máy bay chiến đấu Su-33 có khả năng trang bị trên tàu sân bay, Trung Quốc còn mua động cơ dùng cho máy bay huấn luyện, tàu khu trục và xe tăng cũng như máy bay vận tải quân sự của Ukraine, theo nguồn tin của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI).
Kiev từ lâu được cho là nguồn cung cấp một số hệ thống chỉ huy và điều khiển cùng các công nghệ khác được sử dụng trong tên lửa cho Bắc Kinh. Dữ liệu của SIPRI không nêu cụ thể giá trị cho mọi thương vụ nhưng dựa trên các số liệu mà tổ chức này thu thập trong thập kỷ qua, Trung Quốc đã chi ít nhất từ 70 triệu đến 80 triệu USD để mua thiết bị quân sự từ Ukraine mỗi năm. Các chương trình dài hạn bao gồm thỏa thuận trị giá 317-319 triệu USD để cung cấp phương tiện tấn công đổ bộ và 380 triệu USD đối với động cơ phản lực cánh quạt dành cho các máy bay huấn luyện chiến đấu JL-10 của Trung Quốc, theo dữ liệu của SIPRI. Một thương vụ quan trọng nữa là bán 30 tuabin khí gas dành cho 15 tàu khu trục Type-052D, loại động cơ mà Trung Quốc đang sản xuất theo giấy phép và có thể đã cải tiến để trang bị cho các tàu hiện đại hơn, các tùy viên quân sự cho biết.