Mong lắm những lớp học kiên cố
Sau cơn bão số 9, dãy phòng học mất mái, tường chi chít vết nứt, sạt lở tiến sát vách tường khiến thầy cô điểm trường Trà Khương thuộc Trường Phổ thông dân tộc bán trú TH và THCS xã Trà Lâm, huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi phải mượn hiên nhà dân để tiếp tục những bài giảng cho học sinh.
Trường hư hỏng do bão, giáo viên mượn nhà dân dạy học. |
Điểm trường Trà Khương, xã Trà Lâm mới được đưa vào sử dụng tháng 8-2019. Công trình gồm 3 phòng học và một phòng ở công vụ cho giáo viên, được Đoàn thiện nguyện và các nhà hảo tâm Thành phố Hồ Chí Minh tài trợ xây dựng với kinh phí 750 triệu đồng. Khi dãy phòng học còn chưa hết mùi vôi ve, cô và trò nơi đây còn đang hân hoan vì có phòng học mới, cơn bão số 9 cuốn phăng tất cả.Bão đi qua, mưa kéo dài, núi lở khắp nơi. Điểm trường Trà Khương không chỉ bị cuốn bay toàn bộ phần mái, xà gồ mà đáng lo ngại là bờ đất phía sau các phòng học đã trượt xuống vực, bức tường phòng học chỉ còn cách mép vực vài bước chân. Mặt đất nứt sâu hoắm, ăn sát vào chân tường, có thể sạt lở bất kỳ lúc nào.
Điểm trường có 4 lớp, trong đó có một lớp ghép, với 60 em học sinh theo học bậc Tiểu học. Không có phòng học, nhà trường phải bố trí phòng thư viện làm phòng học chia làm hai ca sáng, chiều cho lớp 1 và lớp 3. Còn một lớp 5 và một lớp ghép 2-4 phải mượn tạm mái hiên nhà dân ngay đối diện điểm trường để học 2 buổi/ngày. Lớp học ngay dưới mái hiên chỉ rộng khoảng 15 mét vuông, trống huơ trống hoác. Ngày nắng ấm còn có thể học được nhưng vào ngày mưa, lạnh, thầy trò phải đối diện với rất nhiều khó khăn.
Thầy Đặng Thanh Khiết, giáo viên điểm trường Trà Khương cho biết, 3 phòng học của điểm trường này không thể tiếp tục cho học sinh học vì nguy cơ sạt lở rất cao. Ngay dưới chân tường đã có đường sụt lún, nứt gãy, phía sau ta luy đã sạt lở hết xuống vực. Học dưới mái hiên không chỉ ồn ào, các em khó tập trung vì cạnh đường, mà còn bị lạnh, ướt mỗi khi có mưa. Tuy nhiên, vì sự an toàn của học sinh, chúng tôi phải chấp nhận dạy trong điều kiện như vậy.
Mưa vùng cao dai dẳng, núi vẫn chực chờ ập xuống. Vậy mà từ khi bão đi qua, những giáo viên ở Trà Khương chưa hôm nào bỏ lớp. Cô Trần Thị Hà My, phụ trách khối lớp 1, mỗi ngày vẫn đều đặn vượt hơn 20 km đường đèo dốc, vách núi đầy vết sạt lở để đến trường. "Biết là đường sạt lở đi sẽ nguy hiểm, nhưng nếu mình không đến lớp, hôm sau các em cũng sẽ không đi học. Do vậy, khi đi đường chúng tôi phải rất để ý, thấy đá bắt đầu lăn là dấu hiệu lở núi, phải chạy ngay. Nhưng cũng khó tránh, bởi đường xa, toàn đèo dốc nên đôi khi phải nhờ vào sự may rủi", cô My chia sẻ. Được biết, sau bão số 9, nhiều đoàn từ thiện đã đến điểm trường Trà Khương trao sách vở, quần áo, đồ dùng học tập cho học sinh. Nhưng chỉ riêng những phòng học vẫn chênh vênh bên bờ vực.
Thầy Khiết cho hay, điểm trường cũ giờ không còn đảm bảo an toàn để sửa chữa hay xây dựng phòng học. Giờ chỉ mong sớm có điểm trường mới để thầy cô yên tâm truyền đạt con chữ cho các em. Việc dạy học trong điều kiện tạm bợ như thế này rất khó để theo kịp chương trình và đạt hiệu quả.
Bà Đinh Thị Thu Hương, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Trà Bồng cho biết, bão số 9 đã làm hư hỏng, tốc mái nhiều khu nhà tại 32 điểm trường trên toàn huyện. Phòng đã được Ủy ban nhân dân huyện bố trí ngân sách để khắc phục tại một số trường, điểm trường hư hỏng nhẹ, lợp mái các phòng học để đưa các em kịp đến lớp nhằm bảo đảm tiến độ chương trình. Tuy nhiên, một số điểm trường đã bị hư hỏng nặng chưa thể khắc phục được. Do đó, học sinh các điểm trường này phải học tạm kéo dài.
Đinh Hương