Vinh quang người lính

Một chuyện tình đẹp như mơ!

Thứ năm, 05/01/2023 20:13
Trở về từ chiến trường Campuchia với thương tật 81%, anh thương binh đặc biệt nặng Võ Văn Đến tưởng như cuộc đời này “không còn gì để mất”. Tuy nhiên, được sự giúp đỡ của gia đình, đồng đội, nhất là sự đồng cảm và yêu thương của nữ hộ lý Võ  Thị Tín giúp anh dệt nên câu chuyện tình đẹp như mơ.
Các thành viên trong gia đình anh Võ Văn Đến.
Anh thương binh đặc biệt nặng Võ Văn Đến.

Anh Võ Văn Đến còn có tên gọi khác là Sáu Đến, sinh năm 1958 trong một gia đình nông dân có 6 người con ở xã Quế Mỹ (H.Quế Sơn, Quảng Nam) anh hùng.

18 tuổi, nghe theo tiếng gọi của quê hương anh lên đường thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng của người thanh niên. Sau hơn 3 tháng “vượt nắng, thắng mưa” anh hoàn thành xuất sắc khóa huấn luyện tại Gò Đồng Mặt (Quế Sơn) thuộc E38, F2, QKV. Sau đó tiếp tục cử đi học tại trường Hạ sĩ quan QKV (Phù Cát, Bình Định). Ra trường, anh được tổ chức điều về công tác tại Trung đoàn 31, Sư đoàn 2, QKV đóng quân tại Quán Gò (H.Thăng Bình).

Đầu năm 1978 toàn đơn vị của anh hành quân cơ động lên HKrông Búk (Đăk Lăk) để tham gia khóa huấn luyện bổ sung. Tháng 6-1978 thì chuyển quân lên đóng tại khu vực trục đường 19 kéo dài, biên giới Việt Nam - Campuchia. Sau 3 tháng sống mái với địch, tháng 10-1978 rút quân về Đức Cơ để củng cố lực lượng xây dựng Sư đoàn 309, lấy Trung đoàn 31 làm nòng cốt. Đúng vào dịp kỷ niệm 34 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22-12 (1944 -1978) lực lượng quân đội Việt Nam mở chiến dịch toàn tuyến giải phóng Campuchia. Tháng 3-1979 lại hành quân cơ động vào tăng cường cho QK7, mặt trận 479 ở biên giới Campuchia – Thái Lan.

Tháng 9-1984, Thượng úy Võ Văn Đến, với tư cách Trưởng ban công binh Trung đoàn 31 được cấp trên phân công dẫn quân đi kiểm tra trận đánh, không may vướng phải mìn của địch đặt trên trục đường 58, thuộc địa bàn Khum Tà Heng, (H.Tà Veng, tỉnh Battambang). Anh Đến bị đứt mất chân phải, bị thương ở đầu, mắt và nhiều bộ phận khác trên cơ thể. Vết thương quá nặng, mất máu nhiều tưởng chừng sự sống không còn nhưng nhờ đồng đội sơ cấp cứu và đưa về tuyến sau điều trị kịp thời. Sau hơn 1 năm được các Y, bác sĩ viện quân y 175 (TP Hồ Chí Minh) tận tình chăm sóc, sức khỏe hồi phục, đơn vị chuyển về đoàn 979, QK5 (Quy Nhơn) để tiếp tục điều trị.

Một ngày đầu năm 1985 anh được Ban giám đốc Khu điều dưỡng thương binh nặng Quảng Nam-Đà Nẵng (cũ) nay là Trung tâm nuôi dưỡng – điều dưỡng người có công tỉnh Quảng Nam nhận về chăm sóc.

Các thành viên trong gia đình anh Võ Văn Đến.

Cuộc đời đầy hoa thơm

Hơn 10 năm sống trong ngôi nhà chung, được sự thương yêu giúp đỡ của cán bộ, y, bác sĩ Trung tâm nuôi dưỡng – điều dưỡng người có công tỉnh cùng đồng đội, người thân nhưng anh Đến luôn mặc cảm, bi quan, chán nản, không muốn gần gũi, tiếp xúc với ai. Hàng ngày anh được chị Võ Thị Tín - nhân viên hộ lý nuôi dưỡng thương binh giúp đỡ từ việc cho uống thuốc đến rửa thay băng, lo từ miếng ăn đến giấc ngủ... nhất là mỗi khi trái gió trở trời vết thương tái phát, càng cần sự giúp đỡ của chị Tín nhiều hơn. Ngày qua, tháng lại được gần nhau, kể cho nhau nghe chuyện đời, chuyện nhà, dần dà họ trở thành đôi bạn thân, không thể thiếu nhau được.

Hình ảnh người con gái sinh năm 1975, quê ở xã Quế Cường (H.Quế Sơn) đã ngự trị trong trái tim nhưng anh Đến không dám chủ động ngỏ lời. Nhờ gia đình cùng đồng đội động viên, tác hợp và được chị Tín gật đầu đồng ý, năm 1997 anh chị tiến hành làm lễ cưới, kết thúc cuộc sống cô đơn trong niềm vui sướng đến nghẹn lời. Hạnh phúc lại tiếp tục mỉm cười với người thương binh đặc biệt nặng khi sau 1 năm kể từ ngày cưới, anh chị dang tay đón nhận đứa con gái đầu lòng ra đời. Bé mau ăn chóng lớn và bụ bẫm là động lực rất lớn để hai năm sau đó chị Tín sinh hạ tiếp đứa thứ hai- con trai.

“Mẹ tròn con vuông, đủ nếp, đủ tẻ” niềm vui vỡ òa, anh không còn mặc cảm nữa, thấy cuộc sống càng ngày tươi đẹp hơn, đáng sống hơn. Anh cố gắng làm việc trong điều kiện sức khỏe có thể để kiếm thêm thu nhập nuôi hai con khôn lớn. Qua gần 25 năm chung sống, vợ chồng anh ra sức làm lụng, tích cóp xây dựng được ngôi nhà riêng tọa lạc tại đường Nguyễn Phong Sắc (P.Thanh Hà, TP Hội An). Ngôi nhà không lớn, chỉ đủ để che mưa che nắng nhưng đối với anh chị đó là tài sản vô cùng lớn. Tuy nhiên, điều mà anh chị thấy lớn hơn tất cả là người con gái đã tốt nghiệp Đại học Nội vụ (Hà Nội) năm 2020, hiện đang làm việc tại phòng Hành chính – Kinh doanh Viện Gia đình (Đà Nẵng) và người con thứ hai tốt nghiệp Đại học Luật (Huế) năm 2022. Đây là sự kết tinh của mối tình thủy chung, trong sáng, là sự kính trọng và tấm lòng ngưỡng mộ về một con người đã hy sinh cả tuổi thanh xuân của mình cho quê hương, đất nước, là “trái ngọt” của cuộc đời mà anh xứng đáng được hưởng.

Đầu tuần sau, vợ chồng anh chị sẽ tổ chức cưới vợ cho người con trai ngay tại Trung tâm nuôi dưỡng – điều dưỡng người có công tỉnh. Chương trình tiệc cưới gần như là buổi gặp mặt truyền thống bởi khách mời phần đông là đồng đội, những người đã từng chia lửa cho nhau trong những năm tháng gian khổ và hy sinh ở chiến trường Campuchia. Cùng với đó là những lời chúc phúc và những bài hát đi cùng năm tháng, phần mở đầu chắc chắn sẽ là bài “Vết chân tròn trên cát” của nhạc sĩ Trần Tiến do nguyên trưởng ban văn nghệ Trung đoàn 31 trình bày. Người viết bài này xin chân thành cảm ơn anh chị đã có lời mời, chúc chị lạc quan, yêu đời vượt qua căn bệnh nan y hiện hữu. Với ý chí, nghị lực của người lính, tin chắc anh Đến sẽ can đảm kìm nén nỗi đau của những vết thương tái phát, căn bệnh tiểu đường và viêm gan B để mạnh mẽ đứng lên cùng chị Tín và hai con đi đến cuối con đường.

Nguyễn Điện Ngọc