Một năm sóng gió của Tổng thống Biden
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã trải qua một năm đầy sóng gió với những thách thức chưa từng có và những quyết định quan trọng được đưa ra.
Hình ảnh hỗn loạn ở Afghanistan sau khi Mỹ rút quân khiến hình ảnh Tổng thống Biden bị ảnh hưởng nặng nề. Ảnh: AFP |
Ngày 20-1 (sáng 21-1, giờ Việt Nam) đánh dấu một năm cầm quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden. Đây thực sự là một năm khá sóng gió với ông chủ mới của Nhà Trắng.
Dư luận Mỹ nhìn chung đều đánh giá đây là một năm nhiều thăng trầm, nhưng nhà lãnh đạo kỳ cựu này đã phần nào thể hiện được bản sắc riêng trên cương vị tổng thống, với những dấu ấn nhất định về đối nội và đối ngoại, mặc dù chưa thực sự tương xứng với “tham vọng lớn” như ông đặt ra ngay từ khi bắt đầu cuộc đua giành "ghế nóng" tại Nhà Trắng năm 2020. Về đối nội, có thể kể đến gói cứu trợ ứng phó đại dịch COVID-19 trị giá 1.900 tỷ USD và dự luật cơ sở hạ tầng trị giá 1.200 tỷ USD. Dư luận Mỹ chú trọng đánh giá kết quả của cuộc chiến chống COVID-19 do chính quyền Tổng thống Biden thực hiện, bởi đây là yếu tố then chốt trong chính sách đối nội, quyết định thắng lợi của ông trong cuộc đua vào Nhà Trắng hai năm trước.
Dường như trong giai đoạn đầu, Tổng thống Biden đã "chèo lái" nước Mỹ thành công vượt qua cơn sóng gió Covid-19. Mặc dù một bộ phận không nhỏ người dân trong xã hội Mỹ có tâm lý hoài nghi vaccine nhưng mùa hè năm 2021, chính quyền Tổng thống Biden đã đưa tỷ lệ tiêm chủng tại quốc gia này tăng vọt. Kinh tế tăng trưởng trở lại. Mọi thứ đều có chiều hướng tích cực. Sau đó, làn sóng biến thể Delta ập đến và theo sau nó là biến thể Omicron. Các bệnh viện lại một lần nữa bị lấp đầy ở mức báo động, chủ yếu là những người chưa tiêm vaccine và lần này, Nhà Trắng đã bị chỉ trích vì không có sự chuẩn bị trước.
Sự do dự của chính quyền Tổng thống Biden trong việc sản xuất rộng rãi kit xét nghiệm tại nhà là một thất bại lớn và những thông điệp đối phó với dịch bệnh cũng được truyền tải không nhất quán. Dù vậy, hiện nay, tình hình đã thay đổi khi 1 tỷ bộ kit xét nghiệm tại nhà miễn phí đã sẵn sàng ở Mỹ. Chính quyền Mỹ đã đạt được mục tiêu tiêm vaccine khi cho đến nay khoảng 63% dân số đã được tiêm đủ liều cơ bản. Thành tựu đó đã tạo đà cho sự phục hồi kinh tế của Mỹ.
Và tin tốt là tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ hiện ở mức thấp kỷ lục. Ở khắp mọi nơi, những biển hiệu "cần tuyển người" xuất hiện từ các doanh nghiệp tới các cửa hàng. Hiện giờ tìm việc tại Mỹ là một điều dễ dàng. Dưới thời chính quyền Tổng thống Biden, 6,4 triệu việc làm đã được tạo ra. Thị trường chứng khoán tăng trưởng và tiền lương cũng tăng lên. Tuy nhiên, tỷ lệ lạm phát đang ảnh hưởng tiêu cực tới nhiều người dân Mỹ. Tháng 12-2021, con số này đã tăng lên 7% - một tỷ lệ chưa từng thấy kể từ những năm 1980.
Các vấn đề đối nội khác cũng được chính quyền Tổng thống Biden quan tâm thúc đẩy như siết chặt kiểm soát súng đạn, vấn đề người di cư và đoàn tụ trẻ em bị chia cắt khỏi cha mẹ hay thúc đẩy việc giám sát các sáng kiến về bình đẳng chủng tộc, tối đa hóa nguồn lực cho các cộng đồng thiểu số và đảm bảo sự đa dạng trong các cấp của chính quyền. Tổng thống Biden cũng đã ký bản ghi nhớ lên án và chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, bài ngoại và không khoan dung nhằm vào người Mỹ gốc Á.
Nhưng về đối ngoại, Tổng thống Biden lại gặp nhiều thách thức. Một quyết định về chính sách đối ngoại nổi bật nhất trong năm đầu tiên của ông Biden chính là rút quân khỏi Afghanistan, thực hiện cam kết mà nhà lãnh đạo này đã đưa ra với người dân Mỹ. Cảnh tượng rời đi hỗn loạn của quân đội Mỹ và tốc độ sụp đổ của chính phủ Afghanistan đã khiến Tổng thống Biden phải trả một cái giá đắt. Mối quan hệ đang xấu đi nhanh chóng quanh vấn đề NATO và Ukraine cũng là điểm trừ lớn với ông Biden.
Có thể khái quát một số điểm nhấn đối ngoại trong 1 năm đầu cầm quyền của ông Biden trên 3 khía cạnh chính. Trước hết là giành lại vai trò dẫn dắt của Mỹ trong nhiều vấn đề quốc tế như đảm bảo cung ứng vaccine, chống biến đổi khí hậu. Tiếp đến là hàn gắn quan hệ đồng minh xuyên Đại Tây Dương với các đối tác lâu đời ở châu Âu, qua đó giải quyết những tranh chấp thương mại và thúc đẩy các giá trị chung. Thứ ba là thiết lập cơ chế hợp tác Australia - Anh - Mỹ (AUKUS) và nâng tầm “Bộ tứ” ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Nhưng bất chấp những nỗ lực đó, kết quả các cuộc thăm dò dư luận ngay trước thời điểm tròn 1 năm Tổng thống Biden nhậm chức cũng cho thấy tỷ lệ ủng hộ của người dân đối với phương thức điều hành của ông có xu hướng giảm, đặc biệt trong một số vấn đề như phục hồi kinh tế, lạm phát. Điều đó phản ánh những thách thức mà Tổng thống Biden phải đối mặt.
KHẢ ANH