Một số vấn đề cần chú ý về nhãn hiệu khi tham gia nhượng quyền thương mại

Thứ hai, 25/01/2021 13:36

Trong giai đoạn toàn cầu hóa hiện nay, nhượng quyền thương mại (NQTM) không còn là một khái niệm quá xa lạ với các doanh nghiệp (DN). Nó là một phương thức kinh doanh đem lại hiệu quả cao cho cả chủ sở hữu để mở rộng mô hình kinh doanh nhằm tối đa hóa lợi nhuận và đối tác nhận quyền khi họ muốn tiến hành kinh doanh trên một thương hiệu đã được biết đến trước đó. Các DN đang sử dụng hiệu quả nhãn hiệu (NH) có thể tiến hành việc NQTM để khai thác tối đa lợi ích đến từ nó.

Căn cứ Điều 284 Luật Thương mại 2005, NQTM là hoạt động thương mại, theo đó bên nhượng quyền cho phép và yêu cầu bên nhận quyền tự mình tiến hành việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ theo các điều kiện sau đây: việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ được tiến hành theo cách thức tổ chức kinh doanh do bên nhượng quyền quy định và được gắn với NH hàng hóa, tên thương mại, bí quyết kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, quảng cáo của bên nhượng quyền; bên nhượng quyền có quyền kiểm soát và trợ giúp cho bên nhận quyền trong việc điều hành công việc kinh doanh. So với trước đây, điều kiện để tiến hành NQTM đơn giản hơn rất nhiều. Theo quy định tại Điều 8 Nghị định 08/2018/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi Điều 5 Nghị định 35/2006/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động NQTM, thương nhân được phép cấp quyền thương mại khi hệ thống kinh doanh dự định dùng để NQTM đã được hoạt động ít nhất 1 năm.

Chính vì lẽ đó, trong hoạt động NQTM, việc sử dụng NH hàng hóa/dịch vụ khi chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký NH (GCNĐKNH) như là một đối tượng được thỏa thuận trong NQTM có thể xảy ra những rủi ro như sau: Bị mất NH, thực tế đã chứng minh rằng nhiều DN chỉ vì sơ suất không thực hiện thủ tục đăng ký bảo hộ NH dẫn đến NH của họ đã bị người khác chiếm đoạt, đăng ký bảo hộ trước; NH đang sử dụng có dấu hiệu trùng hoặc tương tự với NH đã được cấp GCNĐKNH: bên nhượng quyền và/hoặc bên nhận quyền có thể bị khiếu nại, khởi kiện về hành vi sử dụng trái phép NH đã được bảo hộ và rất có thể bị buộc phải chấm dứt việc sử dụng NH này. Cả hai trường hợp trên đều để lại những hậu quả vô cùng to lớn cho các bên tham gia hoạt động NQTM: tốn chi phí và thời gian cho các vụ tranh chấp, kiện tụng không đáng có; ảnh hưởng đến uy tín của mình đối với người tiêu dùng; lãng phí nguồn chi phí lớn cho việc tạo dựng, quảng bá thương hiệu, xây dựng chuỗi cửa hàng... khi không được tiếp tục sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ gắn với NH đó; tốn thời gian để xây dựng lại NH mới, bộ nhận diện thương hiệu mới.

Do vậy, các DN cần tra cứu kỹ khi đặt tên DN/tên thương mại, chú trọng việc đăng ký bảo hộ NH của mình trước khi sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ, thực hiện các hoạt động thương mại trong đó có hoạt động NQTM gắn với sử dụng NH, tên thương mại đó. Đây là căn cứ pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích cho DN, giúp DN tránh được các hậu quả to lớn như đã đề cập ở trên, đồng thời qua đó tạo sự tin tưởng trong quan hệ với khách hàng, với đối tác của mình, góp phần thúc đẩy hoạt động kinh doanh theo chiến lược phát triển của DN.

  Luật sư PHẠM VĂN THANH

Chuyên mục này có sự cộng tác về chuyên môn của Chi nhánh Công ty Luật TNHH Phạm và Liên danh tại TP Đà Nẵng. Đường dây nóng hỗ trợ tư vấn: 0236.3572456, 0903573138