Một tấm lòng thơm thảo

Thứ hai, 10/12/2018 12:35

Việc ông Hồ Xuân Yên (56 tuổi, trú thôn Trúc Hà, xã Đại Hưng, H. Đại Lộc, Quảng Nam) nhận phụng dưỡng cụ Trần Thị Sang (91 tuổi), một người hàng xóm không nơi nương tựa, bị bại liệt nằm một chỗ 4 năm qua khiến người dân nơi đây hết lời ca ngợi. Được biết gia cảnh ông Yên còn nhiều khó khăn, nhà cửa tạm bợ nhưng tấm lòng của ông thật đáng khâm phục. Ông Yên tâm sự: cụ Sang có 2 người con, con gái lớn có chồng xa, hoàn cảnh khó khăn nên đôi ba tháng mới về thăm mẹ một lần. Còn người con trai làm việc rồi lập gia đình sống tại Đà Nẵng. Các con ở xa, cụ Sang ở với người em trai là ông Trần Cù (1933), không vợ con, hai chị em đi lượm ve chai, làm thuê ngoài chợ nương tựa nhau sống qua ngày. Câu chuyện tang thương của gia đình cụ Sang bắt đầu vào năm 2011 khi người con trai ở Đà Nẵng bị TNGT qua đời, sức khỏe cụ suy giảm rõ rệt, mất sức lao động. Trong trận lũ năm 2014 ông Cù bị đuối nước chết, còn cụ Sang lội qua dòng nước lũ rồi bị bại liệt cả 2 chân. Thấy hoàn cảnh cụ Sang quá đáng thương, không người thân chăm sóc nên hằng ngày vợ chồng ông Yên thay nhau đến chăm sóc. Thấy việc lui tới bất tiện, chăm sóc cụ không được chu đáo nên vợ chồng ông quyết định đưa cụ về nhà phụng dưỡng.

Ông Yên bên cụ Sang.

"Tôi làm công việc phụ hồ, còn vợ thì quanh quẩn 4 sào hoa màu nên cũng không khá giả gì. Đã có tuổi nên mấy năm nay tôi cũng ít đi làm, các con đã có gia đình nên cũng ít lo hơn. Năm 13 tuổi tôi đã mồ côi mẹ nên thấy cảnh cụ Sang đơn độc tôi không cầm lòng. Từ ngày nhận cụ Sang về chăm sóc, vợ chồng tôi đã xem cụ như mẹ ruột của mình. Các con tôi rất hiếu thảo với cụ, những lúc vợ chồng tôi đi vắng, chúng nó thay nhau chăm sóc từ ăn uống đến vệ sinh. 4 năm qua, sức khỏe cụ rất tốt, bây giờ có thể tự ngồi dậy ăn cơm. Chân yếu nhưng vẫn muốn tự mình ra ngoài ngắm cảnh, các cháu mới làm cho cụ chiếc nệm để tự di chuyển ra ngoài"-ông Yên bộc bạch.

Khi chúng tôi hỏi cụ Sang có biết người ngồi bên cạnh là ai không, cụ bảo rằng: "Con trai tôi chớ ai". Câu trả lời của cụ khiến chúng tôi vô cùng xúc động. Lúc khó khăn hoạn nạn, tình thương đã thắp sáng nên hi vọng cho một số phận bất hạnh. Ông Phạm Thành Trung - Trưởng thôn Trúc Hà tâm sự: "Có thể nói Đại Hưng là một xã miền núi nghèo nhất của H. Đại Lộc. Tuy cuộc sống nghèo khó nhưng người dân nơi đây sống rất tình nghĩa, đùm bọc giúp đỡ nhau. Hoàn cảnh gia đình ông Yên cũng khó khăn, nhưng xuất phát từ tình thương con người nên ông Yên đã quyết định nhận chăm sóc, phụng dưỡng cụ Sang. Ngoài việc chăm lo ăn uống, ông Yên còn nhờ các nhân viên trạm Y tế xã về kiểm tra sức khỏe định kỳ, mua thuốc bổ cho cụ trong khi giữa họ không có bất cứ mối quan hệ bà con gì. Điều này khiến người dân trong và ngoài địa phương rất khâm phục trước tấm lòng thương người của gia đình ông Yên. Nhiều lần ghé thăm, tôi thấy sức khỏe cụ tiến triển rất tốt, có thể ngồi dậy, cười nói vui vẻ. Sau những biến cố ập đến với gia đình cụ, việc làm của gia đình ông Yên coi như niềm an ủi phần nào ở tuổi xế chiều của cụ.

LÊ VƯƠNG