Một thế kỷ Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng

Thứ hai, 27/07/2015 11:03

(Cadn.com.vn) - Ngày 25-7, Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng tổ chức tọa đàm "Khảo cổ học về Chămpa sau 1975-hoạt động bảo tồn, bảo tàng", nhân kỷ niệm 100 năm thành lập Bảo tàng. Dự hội thảo có các vị lãnh đạo Cục Di sản Văn hóa Việt Nam,  ngành chức năng TP Đà Nẵng cùng các nhà khoa học, nghiên cứu quan tâm về vấn đề văn hóa nghệ thuật Chămpa...

Tọa đàm "Khảo cổ học về Chămpa sau 1975 và hoạt động bảo tồn-bảo tàng" ngày 25-7-2015
tại Đà Nẵng.

100 năm của Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng gắn liền với những biến cố của đất nước và sự ra đời, phát triển của bảo tàng luôn là kết quả của những nỗ lực và tâm huyết. Từ thuở ban đầu, ý tưởng và dự án xây dựng bảo tàng đã được thai nghén và trải qua lộ trình xét duyệt lâu dài.  Bảo tàng được xây dựng và duy trì, phát triển trong 100 năm qua không chỉ nhờ tâm huyết của những người hoạt động văn hóa mà còn có sự quan tâm, ủng hộ của các cơ quan quản lý Nhà nước, kể cả các vị ở tầm nguyên thủ quốc gia.  Năm 1936, Bảo tàng xây dựng thêm 3 gian trưng bày, trong lễ khánh thành này có sự hiện diện của Vua Bảo Đại và Toàn quyền Pháp ở Đông Dương... Theo tài liệu của Sở Thông tin Hoa Kỳ phát hành tháng 9-1972, trước cảnh báo của học giả Philippe Stern về nguy cơ bom đạn đối với bảo tàng, Tổng thống Hoa kỳ  Richard Nixon đã gửi công lệnh đến chỉ huy quân sự Hoa Kỳ  tại Nam Việt Nam, nêu rõ: "Nhà Trắng mong muốn rằng, bằng tất cả các giải pháp có thể, cần đảm bảo cho di tích không bị tàn phá bởi hoạt động quân sự...".  Khi chiến dịch giải phóng Đà Nẵng chuẩn bị diễn ra, đồng chí Hồ Nghinh-Bí thư  Đặc khu ủy Quảng Đà đã nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ: "Khi tiếp quản Đà Nẵng phải có kế hoạch bảo vệ bảo tàng Chăm...".

Sau ngày thống nhất đất nước, Bảo tàng Điêu khắc Chăm được ngành văn hóa-thông tin Quảng Nam-Đà Nẵng quản lý, năm 2005, với sự ủng hộ của Chủ tịch nước Trần Đức Lương và Tổng thống Cộng hòa Pháp Jacques Chirac, 40 hiện vật của Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng đã được gửi đi tham gia cuộc trưng bày lớn tại Paris với chủ đề "Kho báu nghệ thuật Việt Nam: điêu khắc Chămpa thế kỷ V đến XV". Tiếp đó các hiện vật này lại được gửi đi triển lãm tại các bảo tàng lớn ở Hoa Kỳ trong các năm 2009, 2010 và 2014.  Năm 2011, Bộ VH-TT&DL quyết định xếp Bảo tàng Điêu khắc Chăm là bảo tàng hạng 1, tại Việt Nam hiện nay có 11 bảo tàng xếp hạng này. Đối với công chúng và những người quan tâm đến nghệ thuật văn hóa Chăm, Bảo tàng Điêu khắc Chăm luôn được yêu mến và đặt nhiều kỳ vọng. Bà Annethe Stiekele-một nhà báo Đức nhận xét: "Bảo tàng Điêu khắc Chăm là kỳ quan đặc biệt của nhân loại về mặt tinh thần". Ông Nathan Lauer, một người Mỹ gắn bó với Châu Á, đã phát biểu tại một hội thảo: "Bảo tàng Chăm thực sự là một kho báu của Việt Nam nói riêng và của nhân loại nói chung. Bảo tàng là thành tựu to lớn của nhân dân Việt Nam, của người đi đầu, đã trực tiếp tham gia trong việc bảo tồn và giữ gìn các giá trị văn hóa qua nhiều thập kỷ... Bảo tàng Chăm hoàn toàn có thể trở thành một bảo tàng độc đáo, nổi bật nhất trong số các bảo tàng tương tự ở khu vực Đông Nam Á, trở thành điểm du lịch văn hóa thu hút khách du lịch ngày càng tăng...".

Hiện vật bằng kim loại vàng chạm khắc hình voi được tìm thấy  tại di tích tháp Chăm- Phong Lệ, Cấm Mít, Đà Nẵng.

Trước đây trong bộ sưu tập của Bảo tàng Điêu khắc Chăm đã có một số hiện vật thu thập được từ các địa phương Phong Lệ, Xuân Dương, Quá Giáng (thuộc địa bàn TP Đà Nẵng), được trưng bày chung ở "phòng Quảng Nam". Với kết quả sưu tầm và khai quật khảo cổ do bảo tàng tiến hành trong thời gian gần đây, số hiện vật thuộc các di tích Chăm tại Đà Nẵng tăng lên nhiều cả về số lượng và tính chất đa dạng về nội dung. Ngoài các tác phẩm điêu khắc có giá trị nghệ thuật cao như bức phù điêu "Siva-Phong Lệ", lần đầu tiên các hiện vật như gốm, thạch anh, kim loại vàng... thu thập được tại các lòng tháp Chăm ở Phong Lệ, Cấm Mít (Đà Nẵng), điều này đã hé lộ một phần sự thật  các truyền thuyết về "vàng hời" tại các tháp Chăm lưu truyền trong dân gian lâu nay... Bộ sưu tập đầu tượng, chóp tháp thuộc di tích Quá Giáng được bổ sung với những hiện vật phong phú được phát hiện qua khai quật năm 2014.  Các hiện vật thuộc di tích Chăm ở Khuê Trung (bia chữ Chăm thế kỷ IX), ở chùa An Sơn,  (bệ tượng có chạm hình cánh sen) ở chùa Ngũ Hành Sơn... đã cho thấy cái nhìn tổng quát về sự phân bố các di tích Chăm tại khu vực Đà Nẵng, vốn là một cửa ngõ giao thương quan trọng từ thời vương quốc Chămpa.

Tượng Bồ tát Ta ra bằng đồng được phát hiện
tại di tích Đồng Dương, Thăng Bình, Quảng Nam-một hiện vật quý
tại bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng.

Đặc biệt, hiện nay Bảo tàng Điêu khắc Chăm đang giới thiệu một số văn bia tiêu biểu cùng với các văn bản chữ viết Chăm trên chất liệu giấy, lá buông. Đây là kết quả nghiên cứu, sưu tầm của Trung tâm nghiên cứu văn hóa Chăm Ninh Thuận trong nhiều năm qua. Hình thức liên kết, phối hợp với các đơn vị bảo tồn, bảo tàng ngoài thành phố Đà Nẵng, kể cả các nhà sưu tập tư nhân, là hướng hoạt động tích cực của Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng nhằm nâng cao vai trò của bảo tàng trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa.

Hồng Thanh