Một thời để nhớ, để thương...

Thứ ba, 15/12/2020 14:00

Có thể nói, những ký ức hào hùng về một thời “hoa lửa” vẫn vẹn nguyên trong tâm trí của những người lính ở vùng nông thôn Hòa Vang (TP Đà Nẵng) năm xưa. Với họ, được cống hiến tuổi thanh xuân cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc là niềm tự hào và cũng là những hồi ức không thể nào quên...

Niềm vui hội ngộ của các cựu binh tham gia chiến trường K và biên giới phía Bắc.

Dẫu rằng những năm tháng đó, hành trang của họ chỉ gói gọn trong chiếc ba lô con cóc, bữa cơm phải độn thêm khoai, mì, bệnh tật sốt rét cứ đeo đuổi triền miên, cái chết luôn rình rập nhưng những gian khó ấy đã gắn kết nghĩa tình những người lính đến từ mọi miền của Tổ quốc. Họ thật lòng chia sẻ với nhau từng đũa rau rừng, từng mẩu thuốc lá, cùng đắp chung chăn trải qua cái giá lạnh nơi biên ải… Tất cả đã ghi vào ký ức của họ các dấu ấn không thể nào quên về những cuộc chiến ác liệt và sự hy sinh dũng cảm, quên mình của đồng chí, đồng đội. Có rất nhiều điều để nói về một thời của lính. Song, cũng có một điều không thể phủ nhận là trong gian khổ, khó khăn, họ đã được tôi luyện và trưởng thành; phấn đấu vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thời gian tại ngũ.

Cựu binh Lê Văn Tích (trú Phước Hưng, xã Hòa Nhơn) nhớ lại, năm 1976, chúng tôi lên đường nhập ngũ khi vừa rời ghế nhà trường. Sau một thời gian huấn luyện, hơn nửa quân số trong đơn vị được điều động làm nhiệm vụ ở biên giới Tây Nam và chiến trường K với nhiều trận đánh đầy cam go, ác liệt như: Mỏ Vẹt, Cao điểm 61, vượt sông Mê Kông giải phóng Xiêm Riệp, Bát Tam Bang, Bong Lung. Sau khi giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng, một bộ phận lại tiếp tục hành quân thần tốc ra biên giới phía Bắc, tham gia các mặt trận Than Uyên (Hoàng Liên Sơn), Mai Pha (Lạng Sơn)… “Để có được những chiến công đó, nhiều người trong chúng tôi đã mãi mãi nằm xuống khi tuổi đời còn rất trẻ. Không ít người còn lại thì mang trên mình nhiều vết thương, luôn bị hành hạ bởi những cơn đau mỗi khi trái gió trở trời”, ông Tích chia sẻ thêm.

Và khi trở về với cuộc sống đời thường, nhiều cựu binh lại “gánh vác” các cương vị chủ chốt trong các tổ chức hội, đoàn thể từ huyện đến thôn và luôn nêu cao tinh thần gương mẫu đi đầu trong các phong trào thi đua... Bí thư Đảng ủy xã Hòa Khương Đinh Ngọc Thiên xác nhận: “Họ tiếp tục là những tấm gương tiêu biểu trong việc vận động gia đình, người thân chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; nêu gương cho con cháu kế thừa và phát huy truyền thống cách mạng, viết tiếp chặng đường vẻ vang của dân tộc. Trên lĩnh vực xây dựng quê hương, họ hăng say miệt mài, cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, những cách làm hay, giúp nhau phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống; góp phần hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở địa phương”.

Bây giờ, mái tóc của những người lính năm xưa đã điểm bạc, nhưng trông họ vẫn còn sôi động như thuở nào. Cứ mỗi dịp hội ngộ là họ ôn lại những kỷ niệm của một thời hào hùng, những trận đánh làm cho kẻ thù phải khiếp sợ. Họ cũng bồi hồi xúc động khi nhắc đến những đồng đội đã nằm xuống, để đất nước mãi có được cuộc sống thanh bình như hôm nay.

Năm 1982, cựu binh Nguyễn Hoanh (thôn Bắc An, xã Hòa Tiến) rời quân ngũ vì gia đình gặp nhiều khó khăn, người vợ tần tảo bỗng dưng đổ bệnh, mất sức lao động. Ông nhanh chóng quay về cuộc sống nhà nông, quanh năm với ruộng đồng để chăm lo cho các con ăn học, nhưng trong trái tim ông vẫn luôn canh cánh nỗi niềm đồng đội...“Ngày ấy và bây giờ, chúng tôi người còn người mất, mỗi người một hoàn cảnh, một số phận. Song, có một điều vô cùng thiêng liêng mà chúng tôi luôn trân trọng, giữ gìn đó là niềm kiêu hãnh về người lính Cụ Hồ, những người sẵn sàng chia nhau ngụm nước, làn đạn và thương nhớ nhau đến cả bây giờ. Chúng tôi còn ngồi được với nhau, tìm đến nhau không chỉ tình đồng chí, đồng đội mà còn vì điểm chung ấy. Có lẽ, cuộc chiến của thế hệ chúng tôi tham gia chưa ác liệt, khắc nghiệt như thế hệ cha anh đi trước, nhưng qua mỗi dịp gặp nhau, chúng tôi đều cảm nhận được điều cốt lõi là không bao giờ đánh mất cái quá khứ của một thời để nhớ, để thương của mình”, ông Hoanh trải lòng.

VY HẬU