Một thời “mưa bom, lửa đạn”

Thứ hai, 26/04/2021 21:21

Làng La Châu (xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng) giờ đây các tuyến giao thông nông thôn, nội đồng đã được bê - tông hóa, cuộc sống người dân ngày càng ấm no trù phú lộ rõ trên những cánh đồng lúa vàng trĩu hạt, trên các vườn rau xanh mơn mởn... nhưng đâu đó dưới những gốc tre già ven dòng sông Yên hiền hòa từng có một thời loang lổ hố bom vẫn lặng lẽ nhắc nhở về mảng ký ức đầy máu và nước mắt của một thời chiến tranh.

Người dân La Châu (xã Hòa Khương) làm đẹp cảnh quan đường làng dọc các lũy tre ven sông Yên.

Ông Trà Văn Sinh (87 tuổi) trải lòng, sông Yên không dài, không rộng nhưng lại thấm đẫm dấu ấn của thời gian, ghi nhận những chiến công oai hùng của một thời cha ông đánh giặc. Thế hệ ông lớn lên vào đúng giai đoạn lịch sử ấy. Kẻ cuốc, người cày, chài lưới ven sông đều thoát ly tham gia cách mạng. Tạm biệt quê hương, ngoài hành trang người lính, ông còn mang theo hình ảnh của dòng sông tuổi thơ cùng những lũy tre đan dày vào từng trận đánh. Bây giờ, được sống trên mảnh đất từng thấm đẫm máu xương của các anh hùng liệt sĩ, hơn ai hết, mỗi người dân La Châu đều cảm nhận một điều thiêng liêng luôn hiện hữu trong từng tấc đất ở quê mình.

Được biết, trong chiến tranh chống Mỹ, La Châu là một vùng trắng, người dân không chịu tập trung vào khu dồn, kiên quyết sống rải rác ven sông làm cơ sở cho cách mạng về nắm tình hình, bám địch. Ngày ấy, đêm đêm đôi bờ sông Yên luôn vang tiếng cuốc, xẻng của người dân đào hầm bí mật và giao thông hào dọc các lũy tre để khi có “động tĩnh”, các cơ sở rút lui an toàn qua bờ sông bên kia. Chính vì vậy mà bao lần bọn giặc đánh úp vào các căn cứ cách mạng đều thất bại. Hình ảnh người phụ nữ La Châu bồng con nhỏ hiên ngang chặn đường xe tăng Mỹ đã trở thành biểu tượng lan truyền cả nước. Trong đó, tiêu biểu là trận đánh đêm 30-10-1965, dân quân địa phương phối hợp với bộ đội chủ lực tiêu diệt gần 1 đại đội lính Mỹ cùng xe bọc thép chốt giữ cứ điểm Gò Hà, mở đầu cho chiến dịch “Tìm Mỹ mà diệt” của quân dân Quảng Nam - Đà Nẵng.

Bà Phùng Thị Trung (79 tuổi) nhớ lại, những năm kháng chiến chống Mỹ, thanh niên trong làng đều rủ nhau thoát ly làm cách mạng. Thời đó còn khổ, phải ăn rau rừng thay cơm, nhưng ai cũng hừng hực quyết tâm “Chưa xong nhiệm vụ chưa về quê hương”. Cùng với hình ảnh các mẹ thức trắng đêm chờ đợi, thắp sáng ngọn đèn dầu để làm tín hiệu cho bộ đội vượt qua sông an toàn, tiếp cận các đồn địch ở thị trấn Túy Loan, quận lỵ Hiếu Đức… giờ đã trở thành huyền thoại. Mẹ VNAH Trần Thị Cửu (93 tuổi) vẫn còn đó, mỗi khi nghe nhắc lại những đốm lửa lập lòe trong đêm tối, mắt mẹ như rực sáng. 

Quả thật, mỗi câu chuyện, mỗi con người trong suốt dặm dài lịch sử đã kết tinh những nghĩa tình sắt son, góp phần tạo nên cội nguồn sức mạnh trong công cuộc giải phóng quê hương, thống nhất đất nước. Hòa bình lập lại, những chiến công và cả những hy sinh, mất mát của người dân La Châu được Đảng và Nhà nước tôn vinh với 28 Mẹ VNAH, 167 liệt sĩ, gần 200 gia đình có công cách mạng cùng hơn 300 huân, huy chương các loại… Chiến công, thành tích cho dù nhỏ bé nhưng hòa cùng dòng chảy lịch sử đã góp phần tô thắm truyền thống anh hùng, bất khuất của đất và người ở ngôi làng ven sông này. Bao đau thương trong cuộc chiến đã không làm chùn bước những người sống sót. Họ tiếp tục vượt qua “mưa bom, lửa đạn”, rồi sau đó nỗ lực cùng với các cấp chính quyền kiến thiết lại xóm làng từ trong hoang tàn, đổ nát của chiến tranh.

Về với thôn La Châu trong những ngày tháng Tư lịch sử này, chúng tôi liên tưởng đến bao thế hệ của dân làng. Họ không chỉ có một thời để nhớ về truyền thống yêu nước mà còn có cả những niềm tự hào nối tiếp truyền thống ấy là tiếp tục giáo dục con cháu phấn đấu vươn lên và đóng góp công sức vào việc xây dựng, phát triển quê hương, địa phương.

VY HẬU