Một World Cup khó lường?
Làn gió mới ở World Cup năm nay đến từ châu Á với 2 cái tên Saudi Arabia và Nhật Bản. Cũng từ châu Á, như thường lệ vẫn xuất hiện những gương mặt gây thất vọng Australia, Iran hay Qatar.
Chiến thắng kinh thiên động địa của Saudi Arabia trước Argentina được vinh danh bởi tinh thần thi đấu ngoan cường và cho thấy bóng đá còn có tính bất ngờ. Quan trọng hơn cả, hiện tượng Saudi Arabia đã tạo ra nguồn cảm hứng, niềm tin lớn lao các đại diện châu Á khác. Quả đúng như vậy. Chỉ 1 ngày sau chiến thắng lịch sử của Saudi Arabia, tuyển Nhật Bản trở thành đội tuyển thứ 2 của châu Á làm rung chuyển World Cup 2022 màn lội ngược dòng không thể nào tuyệt vời hơn trước một “tượng đài” khác của châu Âu và World Cup là Đức.
Không chỉ có thế, nguồn cảm hứng châu Á lan sang các đội bóng Âu, Phi, Mỹ được cho là chiếu dưới ở các bảng đấu còn lại. Serbia suýt biến ngày tạo kỷ lục lịch sử của Ronaldo thành một ngày buồn, nếu như Inaki Williams không trượt chân trước pha bỏ bóng cẩu thả của thủ môn Diogo Costa. Tunisia đã buộc Đan Mạch phải chia điểm, Canada suýt nữa cầm hòa trước Bỉ và Morocco làm điều tương tự trước Croatia… Cũng nhờ thế, các đội bóng thường coi mình là “bề trên” đã dẹp đi cái thói quen coi thường đối thủ, thậm chí lấy cảnh giác làm đầu.
Trái ngược với Saudi Arabia và Nhật Bản, 3 đại diện khác của châu Á là chủ nhà Qatar, Iran và Australia lại thất bại toàn tập.. Trong số này, Qatar chắc chắn là cái tên gây thất vọng nhất.Không chỉ cổ động viên nước chủ nhà, những ai theo dõi Qatar thi đấu đều phải lắc đầu ngán ngẩm, thậm chí cho rằng “ngữ ấy” đến được VCK bằng hàng trăm tỷ USD. Hàn Quốc, đại diện châu Á cuối cùng ra sân ở lượt đầu vòng bảng World Cup, tương đối thành công khi cầm hòa Uruguay được đánh giá cao hơn.
Nhưng trật tự vẫn là trật tự, nhất là một sân chơi quá quan trọng như World Cup. Ngoại trừ Saudi Arabia (bảng C), ngôi đầu các bảng đấu vẫn thuộc về những gương mặt quen thuộc: Hà Lan (bảng A), Anh (bảng B), Pháp (bảng D), Tây Ban Nha (bảng E), Bỉ (bảng F), Brazil (bảng G) và Bồ Đào Nha (bảng H). Hành trình tiếp nối của họ rộng mở, nhưng dự báo cũng không dễ dàng ở một kỳ World Cup khó lường. Cá biệt, Argentina và Đức còn phải nỗ lực và thay đổi nhiều để tồn tại, trong đó Đức bất lợi nhất khi phải giải quyết bài toán Tây Ban Nha ngay ở loạt trận thứ hai vòng bảng khi 2 đội gặp nhau trong ngày 28-11. Chỉ có thắng Tây Ban Nha, Đức mới có cửa đi tiếp, kết quả hòa chắc chắn sẽ hết cơ hội vì trước khi lấy 3 điểm ở lượt trận cuối cùng với đội yếu Costa Rica, Nhật Bản cũng có thể đã kiếm đủ 6 điểm với chính đội bóng này ngày 27-11. Nhưng như đã nói, bóng đá luôn có lắm bất ngờ, biết đâu tinh thần Đức kịp trỗi dậy và giúp “cỗ xe tăng” kéo dài hành trình?.
T.S