TƯ VẤN PHÁP LUẬT:

Mua bán, sáp nhập doanh nghiệp - một số vấn đề quan trọng cần lưu ý?

Thứ bảy, 25/05/2024 12:13
*Bạn đọc hỏi: anh Quang - Giám đốc Công ty TNHH OT, hỏi: Công ty chúng tôi chuyên phân phối máy móc sản xuất nông nghiệp. Để nâng cao hiệu quả hoạt động, chúng tôi dự định nhận sáp nhập Công ty TNHH BG - một công ty chuyên sản xuất, chế biến nông sản. Tuy nhiên, chúng tôi mong muốn sau khi sáp nhập, Công ty TNHH BG vẫn hoạt động độc lập nhưng chịu sự quản lý tài chính và nhân sự của Công ty TNHH OT. Để làm được như vậy chúng tôi có thể sáp nhập 2 Công ty được không? Thủ tục và trình tự thực hiện ra sao?
Luật sư Đặng Văn Vương.
Luật sư Đặng Văn Vương.

*Luật sư Đặng Văn Vương – Phó trưởng Văn phòng Luật sư Phong & Partners, trả lời:

Việc sáp nhập công ty có thể mang lại nhiều lợi ích như tối ưu hóa nguồn lực, mở rộng thị trường và nâng cao sức cạnh tranh. Tuy nhiên, sáp nhập công ty là việc hệ trọng và liên quan đến nhiều vấn đề pháp lý phức tạp.

1. Sau khi sáp nhập, công ty bị sáp nhập có thể hoạt động độc lập được không?

Khoản 1 Điều 201 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về việc sáp nhập công ty như sau: “Một hoặc một số công ty (sau đây gọi là công ty bị sáp nhập) có thể sáp nhập vào một công ty khác (sau đây gọi là công ty nhận sáp nhập) bằng cách chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp sang công ty nhận sáp nhập, đồng thời chấm dứt sự tồn tại của công ty bị sáp nhập”. Theo đó, sau khi sáp nhập thì công ty bị sáp nhập sẽ phải chấm dứt tồn tại. Do đó, nếu anh mong muốn sau khi sáp nhập, Công ty BG vẫn hoạt động độc lập nhưng chịu sự quản lý tài chính và nhân sự của Công ty OT thì hình thức sáp nhập là không phù hợp.

2. Mua bán doanh nghiệp

Thay vào đó, để đáp ứng nhu cầu, Công ty TNHH OT có thể xem xét mua lại Công ty TNHH BG bằng hình thức nhận chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp của Công ty TNHH BG để Công ty TNHH BG trở thành công ty con của Công ty TNHH OT (do Công ty TNHH OT nắm 100% vốn điều lệ). Trong trường hợp Công ty TNHH BG là công ty TNHH một thành viên, Công ty TNHH OT mua lại toàn bộ phần vốn góp khi được chủ sở hữu Công ty TNHH BG quyết định chuyển nhượng toàn bộ vốn điều lệ theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 76 và khoản 5 Điều 77 Luật Doanh nghiệp 2020. Trong trường hợp Công ty TNHH BG là công ty TNHH hai thành viên trở lên, Công ty TNHH BG mua lại toàn bộ phần vốn góp khi được tất cả thành viên Công ty TNHH BG chuyển nhượng toàn bộ vốn, quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định tại Điều 52 Luật Doanh nghiệp 2020. Sự lựa chọn này có thể giúp Công ty TNHH BG hoạt động kinh doanh độc lập với Công ty TNHH OT (Công ty mẹ) nhưng chịu sự quản lý, điều hành của Công ty TNHH OT - với tư cách chủ sở hữu của Công ty TNHH BG.

3. Một số lưu ý quan trọng khi thực hiện mua bán doanh nghiệp

Mua bán doanh nghiệp là một giao dịch quan trọng, ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh của doanh nghiệp về tài chính, pháp lý, nhân sự... Do đó, khi tham gia giao dịch mua bán doanh nghiệp thì cần lưu ý một số vấn đề quan trọng sau:

(i) Về mặt pháp lý: Trước khi quyết định mua lại một doanh nghiệp, bên mua cần xem xét liệu doanh nghiệp có đang gặp khó khăn trong hoạt động, có bị tạm ngừng hoặc buộc phá sản do vi phạm các quy định về thuế hoặc nợ đọng các khoản tiền, không tuân thủ quy định pháp luật khi kinh doanh hay không.

(ii) Về mặt tài chính: Khi xem xét vấn đề tài chính, cần chú ý đến những rủi ro tiềm ẩn. Những rủi ro về tài chính có thể gồm rủi ro về nguồn vốn (ví dụ như bên mua chưa góp đủ vốn, nguồn vốn kinh doanh không minh bạch…), rủi ro về tài sản (việc định giá tài sản không đúng với giá trị thực tế) và rủi ro về các khoản nợ đối với cơ quan nhà nước, đối tác.

(iii) Về mặt nhân sự: Sau khi mua lại doanh nghiệp, nhiều vấn đề liên quan đến người lao động phát sinh như giải quyết thủ tục chấm dứt quan hệ lao động với công ty bị bán; giải quyết các chế độ như nghỉ phép, phúc lợi... (nếu có); thiết lập quan hệ lao động với công ty nhận mua... Các bên cần có một phương án sử dụng lao động một cách hợp lý và tuân thủ quy định pháp luật về lao động. Ngoài việc xác định trình độ chuyên môn cũng như khả năng làm việc, định hướng tương lai của người lao động, bên mua còn phải chú ý về Hợp đồng lao động cũ liệu có phù hợp với những quy định, chính sách của công ty mình hay không.

Để bảo vệ quyền lợi của mình, kiểm soát các rủi ro pháp lý khi quyết định mua lại doanh nghiệp, bên mua có thể thuê các tổ chức hành nghề luật sư, kiểm toán, thẩm định giá... có kinh nghiệm, chuyên môn cao trong hoạt động mua bán, sáp nhập doanh nghiệp để tiến hành thực hiện thẩm định pháp lý, tài chính, tài sản của công ty bị bán nhằm xác định chính xác tình trạng pháp lý doanh nghiệp, các khoản nợ, gánh nặng và nghĩa vụ trước và tại thời điểm chuyển nhượng. Quá trình này không chỉ giúp bên mua đưa ra quyết định chính xác về việc có nên mua lại công ty hay không mà còn quyết định vấn đề về giá chuyển nhượng, về ràng buộc trách nhiệm của bên bán đối với các nghĩa vụ chưa hoàn thành của doanh nghiệp.

Chuyên mục này có sự hợp tác về chuyên môn của Văn phòng Luật sư Phong & Partners. Đường dây nóng hỗ trợ tư vấn: 0236.3822678 - 0905.102425