Mua bán tài khoản ngân hàng là tiếp tay cho tội phạm lừa đảo

Thứ sáu, 22/10/2021 14:44

Hiện tượng mua, bán các thông tin cá nhân và tài khoản ngân hàng đang diễn ra tràn lan, đặc biệt trên các trang mạng xã hội. Việc mua, bán này được thực hiện rất nhanh chóng, dễ dàng, tuy nhiên hệ lụy do nó gây ra lại vô cùng lớn. Rất nhiều học sinh, sinh viên, người thu nhập thấp đã vô tình tiếp tay cho các đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt hàng tỷ đồng mà không hề hay biết.

Hai đối tượng Hoàng - Hải và đồng phạm Huy bị bắt giữ trong Chuyên án CNC 818.

Mua tài khoản ngân hàng để lừa tiền

Với thủ tục đơn giản, việc một cá nhân có thể mở và sử dụng nhiều tài khoản của nhiều ngân hàng khác nhau là điều rất phổ biến hiện nay. Thậm chí có người chỉ mở tài khoản ngân hàng “để cho vui” hoặc để giúp bạn bè, người thân là nhân viên ngân hàng đạt chỉ tiêu chứ không hề có ý định sử dụng.

Lợi dụng điều đó, các đối tượng tội phạm đã chủ động thu mua lại tài khoản ngân hàng của những khách hàng không có nhu cầu sử dụng hoặc dụ dỗ họ mở tài khoản mới để bán cho chúng mà hoàn toàn không biết nó được sử dụng vào mục đích gì. Có đối tượng còn mua nhiều ảnh chụp chứng minh nhân dân trên mạng, sau đó chỉnh sửa lại thông tin rồi móc nối với ngân hàng để đăng ký mở nhiều tài khoản.

Trước đây, Chuyên đề Công an TP Đà Nẵng từng thông tin 2 vụ án liên quan đến loại tội phạm này được cơ quan Công an điều tra bóc gỡ, trong đó có 1 vụ án xảy ra trên địa bàn TP Đà Nẵng. Cụ thể, đầu năm 2018, Lê Ngọc Minh Hoàng (1998) và Phạm Thanh Hải (1998, cùng trú H. Duy Xuyên, Quảng Nam) lập ra một số tài khoản mạng xã hội Zalo, Facebook, Viber… đăng thông tin bán xe máy do công ty thanh lý, như: SH, Liberty, Lead, Air Blade… với giá rẻ nhằm câu nhử mọi người.

Theo đó, các loại xe máy trên giá thị trường từ 40 đến khoảng 100 triệu đồng, nhưng Hoàng và Hải chỉ rao bán từ 20-40 triệu đồng. Để thực hiện hành vi lừa đảo, Hoàng và Hải “ký hợp đồng” với Lương Thành Quốc Huy (1998, cùng trú H. Duy Xuyên) về việc Huy đi tìm người (chủ yếu là sinh viên) để mở thẻ ATM với mức thù lao 2 triệu đồng/thẻ. Huy tìm một số sinh viên làm thẻ ATM và trả cho mỗi chủ thẻ khoảng 1 triệu đồng/người.

Có thẻ ATM (để nhận chuyển khoản), Hoàng và Hải mua những sim rác của các mạng di động để liên lạc và lên các mạng xã hội đăng tin bán xe giá rẻ. Như đã nói ở trên, do thông tin xe đều là loại đắt tiền, giá rẻ hơn thị trường 50-60%, kèm theo “chiêu” làm giả cà vẹt nên rất nhiều người bị sập bẫy. Cứ sau một lần lừa, bị hại chuyển tiền vào thẻ ATM thành công, Hoàng và Hải đều thay số điện thoại khác hòng cắt đứt liên lạc với nạn nhân.

Tiếp nhận tố giác tội phạm liên quan đến hình thức lừa đảo này, Phòng Cảnh sát Kinh tế đã xác lập Chuyên án CNC 818 đấu tranh, triệt phá băng nhóm tội phạm này. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, Ban chuyên án đã bắt giữ 3 đối tượng và làm rõ Hoàng và Hải sở hữu tổng cộng 10 số tài khoản ngân hàng cùng hàng chục số điện thoại liên kết với tài khoản ngân hàng để lừa đảo. Với những thủ đoạn trên, 2 đối tượng đã lừa đảo hơn 300 bị hại, tổng số tiền thiệt hại hơn 2 tỷ đồng.

Lợi dụng để “săn” khuyến mãi bất hợp pháp

Một khi đã nắm trong tay số lượng lớn tài khoản và thông tin ca nhân của nhiều người, các đối tượng có thể bán ngay cho những người có nhu cầu khác để kiếm lời gấp vài lần hoặc dùng sim rác đăng ký dịch vụ Internet banking của ngân hàng liên kết mở ví tài khoản của các ứng dụng (app) thanh toán điện tử nhằm chiếm đoạt các voucher khuyến mãi, sau đó mới tiếp tục rao bán lại.

Đơn cử như vụ án Võ Anh Tuấn (1996, trú Quảng Bình) thu thập, mua bán trái phép thông tin tài khoản ngân hàng của người khác để chiếm đoạt tiền từ các ví điện tử bị Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế điều tra, làm rõ vào năm 2020. Theo kết quả điều tra, từ tháng 4-2018, đối tượng Võ Anh Tuấn tìm mua số lượng lớn sim điện thoại rồi thuê người khác dùng chứng minh nhân dân của họ và số điện thoại do Tuấn cung cấp để mở tài khoản ngân hàng cho Tuấn với giá 90.000 đồng/ tài khoản.

Cùng thời điểm này, Tuấn thuê một người làm việc tại một trường THPT ở Quảng Bình lập danh sách, hướng dẫn các học sinh trong trường điền vào biểu mẫu ngân hàng và ủy quyền cho Tuấn mở tài khoản tại một số chi nhánh ngân hàng Quảng Bình như: Vietcombank, BIDV, ABbank...

Để thuận lợi cho việc tạo tài khoản ngân hàng cho những khách hàng ở xa hoặc ngoại tỉnh; Tuấn đã yêu cầu cung cấp thông tin chứng minh nhân dân và các thông tin cá nhân, ảnh, chữ ký. Sau đó, Tuấn câu kết với cán bộ ngân hàng để tạo các tài khoản ngân hàng mà không cần khách hàng đến ngân hàng để kê khai, đăng ký. Để tạo 1 ví điện tử, Tuấn chi khoảng 195 đồng/ví và được hưởng lợi từ 350- 700 ngàn đồng/ví tùy thuộc vào chương trình khuyến mãi.

Với thủ đoạn trên, từ tháng 4- 2018 đến đầu năm 2020, đối tượng Tuấn đã mua 2.011 sim đăng ký không chính chủ để tạo gmail và thu thập 1.792 thông tin tài khoản ngân hàng tương ứng với 1.791 sim điện thoại. Mỗi tài khoản ngân hàng, Tuấn có thể kích hoạt được 3 ví điện tử: Momo, Airpay, Zalopay và thu lợi bất chính trên 2,6 tỷ đồng từ tiền khuyến mãi. Nhiều người bán tài khoản và thẻ ngân hàng lầm tưởng rằng sau khi nhận tiền, bản thân không còn liên quan gì đến tài khoản ngân hàng đó nữa.

Tuy nhiên, nếu các tài khoản đó được sử dụng vào mục đích phi pháp thì người đứng tên tài khoản cũng không tránh khỏi liên quan. Cho dù có thể chứng minh là bản thân không hề biết, không tham gia thực hiện hành vi vi phạm pháp luật thì vẫn phải mất thời gian, công sức để phục vụ công tác điều tra, làm rõ sự việc của các cơ quan chức năng. Chính vì vậy, mọi người cần hết sức cảnh giác, tuyệt đối không mua, bán, mở tài khoản thuê để rồi vô tình tiếp tay cho các đối tượng lợi dụng thực hiện hành vi phạm tội. Việc cho người khác mượn tên, giấy tờ để làm thẻ, mở tài khoản cũng cần phải cân nhắc.

B.T