Mưa lớn khiến nhiều khu vực bị sạt lở nghiêm trọng

Thứ năm, 19/10/2023 06:25
Mưa to trên diện rộng và kéo dài mấy ngày qua khiến nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, Quảng Trị bị sạt lở nghiêm trọng. Chính quyền địa phương đang phối hợp với các lực lượng tập trung khắc phục, đảm bảo an toàn.
Bờ kè giữ đất của người dân khối Thịnh Mỹ bị sóng biển xé toạc hư hỏng.
Lực lượng Biên phòng Quảng Trị canh gác, cảnh báo tại các vị trí ngầm, tràn bị chia cắt.

Phòng học đổ sập trong đêm

Khuya 17-10, 1 phòng học thuộc điểm trường Tăk Cui (thôn 5, xã Trà Cang, H. Nam Trà My) bị sạt lở làm đổ sập. Rất may sự việc xảy ra vào ban đêm nên không có giáo viên, học sinh trong phòng dạy học. Theo ông Ngô Tấn Lạc – Chủ tịch UBND xã Trà Cang, trước đó, địa phương phát hiện nguy cơ sạt lở tại vị trí này nên chủ động triển khai phương tiện máy móc giải quyết khối lượng sạt lở của năm trước áp tường. Tuy nhiên, do nền đất yếu, lượng lớn đất sạt xuống làm sập tường phòng học.

Hiện xã Trà Cang đã chỉ đạo trường sắp xếp học sinh học bên dãy trường gỗ, an toàn hơn để ổn định học tập, đồng thời bố trí lực lượng khắc phục, nghiêm cấm học sinh lại gần khu vực sạt lở để tránh nguy hiểm. Địa phương đang theo dõi các điểm trường Tong Pua, Lâng Loang (thôn 3) để đảm bảo an toàn cho giáo viên, học sinh. Tình hình sạt lở cũng đe dọa an toàn tại điểm trường Tăk Ngo – Kon Pin (thôn 2, xã Trà Linh, H. Nam Trà My), chính quyền địa phương đã chỉ đạo tạm thời di dời giáo viên, học sinh đến điểm trường Tăk Ngo để tiếp tục dạy học.

Trên địa bàn huyện Đông Giang, mưa lớn gây sạt lở gây hư hại 2 nhà ở xã Tà Lu, sạt lở một số điểm khu dân cư, nặng nhất là tổ dân phố Gừng (thị trấn Prao), với khối lượng khoảng 20m3 đất. Ngoài ra, trên các tuyến quốc lộ 14G qua địa bàn huyện cũng xuất hiện các vị trí sạt lở, nước tràn ngập qua đường. Riêng tuyến đường ĐT609, do quá trình đang thi công sửa chữa, nâng cấp nên xảy ra tình trạng đất đá từ ta-luy sạt xuống, đơn vị thi công đang nỗ lực triển khai khắc phục. Ngoài ra, tuyến ĐH1.ĐG (đoạn xã Ba đi xã Tư); tuyến ĐH3.ĐG (xã Jơ Ngây - xã Kă Dăng) cũng bị ngập sâu, khiến người dân và mọi phương tiện không lưu thông...

Sạt lở từ rừng xuống biển

Sáng 18-10, tại lý trình km60+700 của tuyến ĐT606 (H. Tây Giang) bị sạt lở gây tắc lưu thông đoạn qua xã A Xan. Nhiều điểm sạt lở của ĐT606 và ĐH4.TG khiến 2 xã Ga Ri và Ch'ơm bị cô lập. Hiện tại ở Tây Giang, tuyến đường ĐT sạt lở taluy 5 điểm, ĐH4 sạt lở 9 điểm. Chính quyền địa phương đang phối hợp với đơn vị quản lý tuyến đường tập trung khắc phục, đảm bảo phương tiện lưu thông an toàn. Huyện Quế Sơn xảy ra sạt lở đất đường ĐT611A (xã Quế Long), đường ĐH16 (xã Quế Hiệp), hư hỏng cống qua đường tại các xã Quế Châu, Quế Phú; sạt lở 1 vị trí tuyến đường Tam Trà – Trà Cót (H. Núi Thành); tại thị xã Điện Bàn xảy ra sạt lở cầu Tây An, cống Quý chiều dài 300m…

Khu vực miền núi tỉnh Quảng Nam xảy ra nhiều điểm sạt lở.
Phòng học thuộc điểm trường Tăk Cui bị sạt lở hư hỏng.

Ghi nhận của phóng viên vào chiều 18-10, dọc bờ biển phường Cẩm An (TP Hội An) và thôn Trung Phường (xã Duy Hải, H. Duy Xuyên) tình trạng xâm thực biển diễn ra mạnh, ăn sâu vào đất liền có nơi hơn 5m. Đoạn bờ kè chắn sóng của các hộ dân tại khối Thịnh Mỹ (P. Cẩm An) bị sóng biển xé toạc. Theo báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh, sóng biển làm sạt lở hơn 500m bờ biển phường Cẩm An và hơn 1km bờ biển thôn Trung Phường.

Anh Trần Minh Hà có nhà sát bờ biển tâm sự, năm 2022, sóng biển nuốt chửng của gia đình 1.000m2 đất. Để giữ đất, anh vay mượn gân 500 triệu đồng để kè mềm bờ biển chống xói mòn. Ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, sóng biển đã làm hỏng nhiều đoạn kè khiến gia đình lo lắng số tiền bỏ ra sẽ trôi theo sóng biển. Cùng tâm trạng lo lắng, 4 hộ dân tại khối Thị Mỹ thấp thỏm lo sợ đất và một phần căn nhà còn lại sẽ bị sóng biển đánh sập. Chị Nguyễn Thị Hường (37 tuổi) chia sẻ, năm 2022, sóng biển đánh sập 4 căn nhà của anh chị em trong gia đình chị. Gần 1 năm qua, chị và 2 người anh phải đi thuê nhà ở, còn 1 người chị sửa lại căn phòng khách ở. Để giữ đất, gia đình đã vay mượn hơn 500 triệu đồng kè đá. Nhưng hiện tại sóng biển đã làm xói mòn bờ kè, gia đình lo lắng sau mùa mưa này bờ kè sẽ chìm xuống biển.

Giao thông nhiều tuyến tê liệt

Chiều 18-10, một số hộ gia đình trong vùng nguy hiểm sụt lún đất tại thôn Quật Xá, xã Cam Thành, H.Cam Lộ đã được chính quyền vận động, di chuyển đến nơi an toàn. Vào trưa cùng ngày, tại vườn chuối một hộ dân ở thôn Quật Xá, xã Cam Thành xuất hiện điểm sụt lún đất bất thường. Điểm sụt lún cách ngôi nhà đang ở khoảng 4m, miệng hố hình tròn, rộng khoảng 5m, sâu hơn 4m, “nuốt” gọn luôn cả bụi chuối lớn. UBND xã Cam Thành đã cắm biển và hàng rào cảnh báo nguy hiểm tại khu vực trên, đồng thời báo cáo với cấp trên và ngành chức năng có hướng xem xét giải quyết.

Trong ngày 18-10, trên tuyến QL15D dẫn lên Cửa khẩu quốc tế La Lay, cầu tràn Đakrông tại Km0+307 ngập sâu gần 1m gây ách tắc giao thông. Tiếp tục ghi nhận trên tuyến này, đất, đá sụt ta-luy dương tràn ra mặt đường tại nhiều vị trí với khối lượng hơn 700m3. Các đơn vị đã khẩn trương bố trí máy móc, nhân lực để dọn đất đá tràn mặt đường nhằm khắc phục tạm thời, đảm bảo lưu thông và an toàn giao thông. Trong khi đó, mưa lớn khiến hàng loạt cầu tràn, ngầm tràn tại địa bàn huyện miền núi Đakrông, Hướng Hóa và Gio Linh cũng ngập sâu, chia cắt nhiều khu vực. Như ngầm tràn Khe Me (xã Linh Trường, H.Gio Linh); ngầm tràn Ba Lòng; cầu tràn A Ngo – A Bung; ngầm tràn Tà Rụt - A Ngo; ngầm tràn A Rồng Trên, ngầm tràn A Đeng; ngầm tràn Ly tôn; cầu tràn La Tó; cầu tràn Húc Nghì; cầu tràn Đá đỏ; đường vào trung tâm xã A Vao (đều thuộc H.Đakrông) bị ngập lụt từ 1-1,5m. Ngầm tràn thôn Trùm; ngầm tràn thôn Loa (xã Ba Tầng, H.Hướng Hóa) bị ngập lụt từ 0,5-1,0m. Còn tại vùng thấp trũng Hải Lăng, tuyến đường tại nhiều xã bị “tê liệt” do ngập sâu, chủ yếu di chuyển bằng ghe, thuyền.

Bờ kè giữ đất của người dân khối Thịnh Mỹ bị sóng biển xé toạc hư hỏng.

Với tình trạng ngập lụt, giao thông chia cắt, ngay trong sáng 18-10, đã có gần 4.000 học sinh được cho nghỉ học tại các huyện Hải Lăng, Gio Linh và cả một số khu vực miền núi. Cả ngày 18-10, mưa lớn không ngớt khiến mực nước các sông cũng đang lên nhanh như sông Bến Hải tại Gia Vòng lên nhanh và ở mức trên BĐ1; sông Hiếu, sông Thạch Hãn tại Đakrông lên nhanh và ở mức trên BĐ1; sông Ô Lâu ở mức trên BĐ2. Dự báo đợt lũ xuất hiện với biên độ lên ở thượng lưu từ 3.0-5.0 m, hạ lưu đạt từ 1.0-3.0 m. Đỉnh lũ trên các sông ở mức BĐ1 đến trên BĐ1, riêng sông Ô Lâu ở mức trên BĐ2 đến BĐ3. Nguy cơ ngập úng cục bộ diễn ra ở vùng thấp trũng và ven sông suối; ngập lụt diện rộng tại các xã vùng trũng hạ lưu sông Ô Lâu như Hải Phong, Hải Định, Hải Thọ, Hải Hưng, Hải Sơn, Hải Chánh của huyện Hải Lăng; ngập úng cục bộ đô thị tại TP Đông Hà.

LÊ VƯƠNG - BẢO HÀ

ĐÀ NẴNG: Chưa cho phép lưu thông bình thường lên bán đảo Sơn Trà

Theo Sở GTVT TP Đà Nẵng, đến chiều 18-10, công tác thu dọn đất, đá sạt lở và gia cố các vị trí sạt lở do các đợt mưa lớn trong mấy ngày vừa qua gây ra trên tuyến đường dẫn lên bán đảo Sơn Trà (Q.Sơn Trà) đã cơ bản hoàn thành. Tuy nhiên, việc lưu thông bình thường trên tuyến đường này vẫn bị cấm mà nguyên nhân là do tình hình mưa bão còn diễn biến phức tạp, dẫn đến nguy cơ đá lăn và cây cối, đất đá sạt lở xuống đường vẫn còn sẽ gây nguy hiểm cho người đi đường. Trước đó, thực hiện chỉ đạo của UBND TP, UBND Q.Sơn Trà đã có Công văn số 3464/UBND-VP về việc tiếp tục cấm phương tiện lưu thông trên đường dẫn lên bán đảo Sơn Trà; giao Công an Q.Sơn Trà chủ trì phối hợp với các lực lượng chức năng khác thực hiện chốt chặn tại các khu vực ngập lụt, ngập sâu, nước chảy xiết và các khu vực có nguy cơ sạt lở đất đá..., đồng thời, không cho người dân đi vào các khu vực nguy hiểm; thời gian tạm dừng lưu thông: từ 7 giờ ngày 15-10 cho đến khi có thông báo mới; vị trí chốt chặn đường Hoàng Sa ngay tại khu vực phía sau lối lên chùa Linh Ứng. Đối với các cơ sở lưu trú như: Intercontinental, Sơn Trà Resort, v.v..., nếu có nhu cầu cho khách lên xuống thì đăng ký số xe cụ thể, số lượng khách kèm theo nhưng phải cam kết đảm bảo an toàn cho người và phương tiện khi lưu thông gửi Công an Q.Sơn Trà xem xét cấp phép; đồng thời chỉ được phép lưu thông trong khoảng thời gian từ 7 giờ đến 17 giờ hàng ngày trong điều kiện thời tiết an toàn.

PHÚ NAM

Tiếp tục mưa lớn do ảnh hưởng của bão số 5

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hồi 13 giờ ngày 18-10, vị trí tâm bão số 5 ở vào khoảng 17,4 độ Vĩ Bắc; 109,1 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Nam đảo Hải Nam (Trung Quốc), cách đất liền khu vực Quảng Trị đến Thừa Thiên - Huế khoảng 200km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62-74km/giờ), giật cấp 10. Di chuyển theo hướng Bắc Tây Bắc với tốc độ khoảng 10km/giờ.

Đến 13 giờ ngày 19-10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,5 độ Vĩ Bắc, 108 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông khu vực vịnh Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 - 9, giật cấp 11. Bão di chuyển theo hướng Bắc Tây Bắc với tốc độ khoảng 10km/giờ, có khả năng mạnh thêm. Vùng nguy hiểm do ảnh hưởng của bão: phía Bắc vĩ tuyến 16 độ Vĩ Bắc, phía Tây kinh tuyến 111 độ Kinh Đông. Phía Tây Nam của khu vực Bắc Biển Đông; vùng biển Vịnh Bắc Bộ, vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Nam có mức độ rủi ro thiên tai cấp 3.

Do ảnh hưởng của bão, vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Nam có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9, giật cấp 11, biển động rất mạnh. Từ chiều 18-10 đến sáng 19-10, khu vực từ Quảng Trị đến Thừa Thiên - Huế có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Từ đêm 19-10, vùng ven biển Bắc Bộ, khu vực Nam Đồng bằng Bắc Bộ, khu vực Bắc Trung Bộ có khả năng có mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to; mưa lớn trên khu vực Trung Trung Bộ giảm dần.

HOÀNG NAM