Mưa lớn, nhiều địa phương ở Hà Tĩnh ngập lụt
Mưa lớn kèm theo nước từ thượng nguồn đổ về nhanh đã khiến tình trạng ngập lụt tại các vùng hạ du, vùng trũng thêm nghiêm trọng. Nước lên nhanh khiến nhà và tài sản của người dân tại nhiều xã trên địa bàn Hà Tĩnh bị ngập sâu trong nước, nhiều tuyến đường bị chia cắt cục bộ.
Nhiều địa phương ngập lụt
Tại huyện Cẩm Xuyên, mưa lớn kéo dài khiến hơn 500 hộ dân bị ngập, nhiều tuyến đường liên thôn, liên xã bị chia cắt do nước lũ dâng cao. Theo đó, rạng sáng 25- 5, mưa lớn kết hợp nước lũ từ thượng nguồn đổ về đã khiến 7 thôn ở xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên bị cô lập, đường giao thông nước dâng khoảng 30 cm. Trong đó, hai thôn Tân Duệ và Quang Trung có khoảng 150 hộ dân bị nước tràn vào nhà, mực nước ngập 30 - 50 cm. Mưa lũ làm hư hỏng nhiều tài sản như lúa gạo, đồ dùng sinh hoạt, hàng chục con gia súc bị chết ngạt. "Chính quyền đã huy động lực lượng công an, quân đội hỗ trợ người dân kê cao tài sản, sơ tán người già và trẻ nhỏ đến nơi an toàn trong đêm", lãnh đạo UBND xã Cẩm Duệ cho biết.
Ông Hà Văn Bình- Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên thông tin: "Thống kê bước đầu, toàn huyện có hơn 1.500 tấn lúa bị ngập ướt. Việc cấp bách nhất hiện nay là tập trung điều động lực lượng hỗ trợ người dân đưa lúa đi sấy khô ngay lập tức, không để lúa bị ẩm mốc, nảy mầm gây mất trắng. Ngoài ra, địa phương cũng đang tập trung chỉ đạo người dân dọn dẹp nhà cửa, đặc biệt là xử lý xác động vật chết để đảm bảo vệ sinh môi trường, tránh dịch bệnh bùng phát".
Tại xã Thạch Ngọc, huyện Thạch Hà, tình hình ngập lụt diễn biến hết sức phức tạp. Các thôn Tân Tiến và Đại Long là những khu vực bị nặng nhất. Báo cáo nhanh từ địa phương cho thấy, gần 100 hộ dân có bị ướt lúa đã thu hoạch, hơn 600 con gia cầm bị nước lũ cuốn trôi, gây tổn thất về kinh tế cho các hộ gia đình.
Mưa lớn khiến mực nước sông Ngàn Sâu dâng cao. Nhiều vùng hạ du của huyện Vũ Quang bị ngập sâu, đặc biệt là các xã: Đức Lĩnh, Đức Liên, Đức Giang, Đức Bồng... Một số khu vực ở xã Đức Lĩnh nước lũ dâng cao hơn 1m, nhiều tuyến đường bị cô lập hoàn toàn như ở thôn Cừa Lĩnh, Mỹ Ngọc, Yên Du.
Xã Kỳ Văn, huyện Kỳ Anh, mưa lớn khiến 150 hộ bị ngập sâu, cô lập, mực nước lũ từ 30 cm - 1m. Hiện, chính quyền địa phương và các lực lượng đang hỗ trợ bà con ứng cứu tài sản, di chuyển người đến nơi an toàn.
Công điện khẩn
Trước diễn biến thời tiết phức tạp, Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã ban hành công điện khẩn ứng phó mưa lũ, yêu cầu huy động lực lượng hỗ trợ thu hoạch lúa, kiểm tra vùng sạt lở, đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập, chủ động phòng tránh thiên tai.
Theo công điện, ngày 24 và 25- 5, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh xảy ra mưa rất to, gây ngập lụt tại một số địa phương, ảnh hưởng lớn đến diện tích lúa vụ xuân ngoài đồng chưa thu hoạch, cũng như công tác bảo quản lúa đã thu hoạch về nhà; đồng thời, tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất tại vùng núi và ngập úng ở khu vực vùng trũng thấp.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tại và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, các cấp ủy, chính quyền, địa phương từ tỉnh đến cơ sở, các đoàn công tác tập trung cao độ lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đánh giá và triển khai các biện pháp phòng, chống mưa lũ; tuyệt đối không để xảy ra sơ suất gây ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của người dân.
Huy động tối đa phương tiện, lực lượng để tập trung hỗ trợ nhân dân thu hoạch diện tích lúa vụ xuân còn ngoài đồng; tổ chức phơi, sấy, bảo quản số lượng lúa đã thu hoạch nhằm giảm thiểu thiệt hại cho người dân.
Khẩn trương kiểm tra, rà soát toàn bộ các khu vực có nguy cơ cao sạt lở đất, ngập lụt để kịp thời thông báo, hướng dẫn người dân chủ động phòng tránh, đảm bảo an toàn.
Tổ chức kiểm tra, rà soát và triển khai các phương án đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, hồ đập; nhất là các hồ chứa vừa và nhỏ đã xuống cấp, tiềm ẩn nhiều rủi ro, các công trình đang thi công, sửa chữa và các tuyến đê xung yếu; nhanh chóng hoàn thành công tác thi công, sửa chữa trước mùa mưa lũ.
X.S