Mưa xuân lất phất…

Thứ năm, 13/02/2025 10:55

Cà-phê sáng một mình nhìn ra bên ngoài màn mưa xuân lất phất cứ như ai đó dấm dúi lòng mình, thôi thì vội gì, cứ ngồi thêm lát nữa. Đáng ra, mọi năm chỗ này tôi ngồi sẽ có thêm một hai người bạn nữa nhưng giờ thì bạn cũng đã về khuất phía bên kia trời hư ảo.

Mưa xuân. (ảnh minh họa)
Mưa xuân. (ảnh minh họa)

Mưa xuân những giọt nước nhỏ li ti vừa rơi vừa bay theo lời một khúc ca phát ra từ góc quán hình như là "Yêu dấu tan theo" của Trịnh làm tôi nhớ quá ngày nào tóc em cười trong gió mà tôi thì vết buồn đã khắc vào tim chứ chẳng phải vào da nữa.

Khác mọi năm, miền Trung quê tôi nghe đâu chưa từng trời đất vào xuân mà rét mướt đến vậy. Tôi lại lan man suy nghĩ về những mùa xuân đất Bắc, những mùa xuân ngày xưa của mẹ qua những câu văn thật sự gây thương nhớ của nhà văn Vũ Bằng: "Mùa xuân của tôi - mùa xuân Bắc Việt, mùa xuân của Hà Nội - là mùa xuân có mưa riêu riêu, gió lành lạnh, có tiếng nhạn kêu trong đêm xanh, có tiếng trống chèo vọng lại từ những thôn xóm xa xa, có câu hát huê tình của cô gái đẹp như thơ mộng…" (Trích tùy bút "Tháng Giêng mơ về trăng non rét ngọt" trong "Thương nhớ mười hai" của Vũ Bằng).

Những câu văn của Vũ Bằng ta có thể cảm ở nhiều giác quan. Còn cơn mưa riêu riêu kia tôi đoán chắc nó là cơn mưa bụi lất phất thoáng qua cũng có thể lặng lẽ cũng có thể qua những âm thanh đặc trưng của một mùa khởi đầu tứ tiết.

Lại nhớ "Mưa xuân" được nhà thơ Nguyễn Bính sáng tác từ năm 1936, khi ấy nhà thơ mới vừa tròn 18 tuổi, kể về tâm tình của cô thôn nữ với mối tình đầu mang đủ cung bậc cảm xúc trong một đêm hội xuân. Ai bảo, 99 năm đã trôi qua, "Mưa xuân" vẫn như một cơn rung động của mối tình đầu.

Ngày trước mẹ tôi thường bảo, mùa xuân phải có mưa mới là điều tốt lành. Người Hà Nội hay người Quảng không biết tự bao giờ đã yêu mến những cơn mưa bụi ngày xuân với những giọt nước li ti len vào không khí mùa xuân một cách tự nhiên nhưng lại làm ta lâng lâng cảm xúc, cây cối thì bừng trỗi dậy, những chồi non tơ lâu nay vẫn im lìm trong vỏ bọc sần sùi của mùa đông giá.

Thế nhưng "trong gặp gỡ đã có mầm ly biệt". Xuân cứ đi rồi trở lại. Mỗi mùa xuân là một mùa khác, mỗi mùa qua là một tôi khác. Những mùa xuân đã đi qua tôi hay tôi đã đi qua những mùa xuân đấy nhỉ…, chẳng có câu trả lời nào khi ngoài kia vẫn những làn mưa xuân lất phất. Mưa của xuân xưa, mưa của xuân hiện tại và của bao mùa xuân nữa còn phía trước tôi… khi mình không còn trẻ nữa. Khi mọi điều diễn ra quanh mình cũng khác đi rất nhiều, khi mà bao nhiêu ngày yêu dấu cũng tan theo…

Về quê, tôi nhớ mãi cảm giác đi trên con đường bê- tông bên cánh đồng làng cũ, nơi có những thửa ruộng lúa non mới bén chân mơn mởn, xanh mướt. Phía hết tầm cánh đồng là khu vườn xưa của gia đình tôi ngày thơ ấu. Nơi ấy ba mẹ tôi mãi mãi ở lại với bao kỷ niệm thời chiến chinh đã đi qua, rồi cả những gian khó những ngày đất nước mới thống nhất cách đây cũng đã ½ thế kỷ.

Gió từ cánh đồng thổi lên mơn man mát rượi. Giêng hai quê nhà vẫn dịu dàng neo vào hồn người ngùi ngùi thương nhớ. Ôi mùa xuân thì vẫn đấy nhưng tuổi xuân của ta thì đã dần xa, xa mãi. Trong Đường thi, người nhận ra lẽ vô thường của đất trời và cuộc đời mà cảm khái thành thơ thời khắc mùa xuân có lẽ tác giả Mạnh Hạo Nhiên (689-740) với "Xuân Hiểu" (buổi sớm mùa xuân) với tôi là rất tài tình khi chỉ dùng có bốn câu thơ "Xuân miên bất giác hiểu/Xứ xứ văn đề điểu/ Dạ lai phong vũ thanh/Hoa lạc tri đa thiểu" (Một bản dịch: Giấc ngủ đêm xuân không biết trời đã sáng/ chỗ nào cũng nghe thấy tiếng chim kêu/ đêm qua gió mưa ào ào/ không biết bao nhiêu hoa đã rụng?).

Tạp bút: Võ Văn Trường