Mượn cớ khai thác đất san lấp để lấy đất sét?

Thứ ba, 06/02/2018 14:40

Thời gian vừa qua, nhiều người dân tại xã Đại Phong (H. Đại Lộc, Quảng Nam) phản ánh tình trạng Cty TNHH Quang Đại Việt (CTQĐV), trụ sở tại Q. Thanh Khê (TP Đà Nẵng) lợi dụng việc UBND tỉnh Quảng Nam cho phép khai thác đất san lấp tại thôn Thuận Mỹ, xã Đại Phong nhưng tổ chức khai thác đất sét ngoài khu vực được cấp phép và sâu hơn mức cấp phép từ 3 m đến 5m bán cho Cty Cổ phần Prime Đại Lộc (nhà máy gạch Prime) ở xã Đại Quang, Đại Lộc sản xuất gạch thu lợi hàng tỷ đồng...

Toàn cảnh mỏ đất san lấp mặt bằng nằm sát trục đường vào nhà máy cồn Đại Tân của CTQĐV (thôn Thuận Mỹ, xã Đại Phong).

Theo tìm hiểu, ngày 16-8-2017 ông Huỳnh Khánh Toàn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam ký giấy phép cho phép CTQĐV khai thác đất san lấp mặt bằng tại khu vực đồi núi nằm gần trục đường vào nhà máy cồn Đại Tân thuộc thôn Thuận Mỹ, xã Đại Phong. Quy định trong giấy phép, CTQĐV chỉ được khai thác đất sử dụng vào mục đích san lấp các công trình, như: làm đường, mặt bằng... Thế nhưng, khi tổ chức khai thác tại mỏ đất thôn Thuận Mỹ, ngoài việc khai thác số lượng đất đỏ pha lẫn đá để san lấp các công trình, khi đến tầng dưới là đất sét, dù không được phép khai thác CTQĐV vẫn sử dụng máy múc đất lên hàng chục chiếc xe ben có trọng tải từ 10 m3 trở lên, vận chuyển bán cho nhà máy gạch Prime với giá 150 ngàn đồng/1 m3. Để qua mắt chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng, CTQĐV khai thác đất sét đến đâu tổ chức san lấp, hoàn thổ đến đó. Ông N.Đ, trú Thuận Mỹ, Đại Phong cho biết: Việc khai thác đất diễn ra cả ngày, với tần suất cao cùng nhiều xe quá tải, quá khổ đã làm cho tuyến đường liên xã từ Đại Phong đi Đại Hồng bị hư hỏng và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho các phương tiện tham gia giao thông.

Đem sự việc trao đổi cùng lãnh đạo xã Đại Phong, chúng tôi được ông Phạm Sau - Chủ tịch UBND xã khẳng định: Làm gì có chuyện đó, họ đang thực hiện công việc san lấp các công trình xây dựng". Tương tự, ông Hồ Thanh Phương- Trưởng phòng Tài nguyên-Môi trường H. Đại Lộc trả lời: CTQĐV đang khai thác đất để san lấp các công trình... Tuy nhiên, khi PV đặt câu hỏi: Những công trình đang được san lấp có vị trí, địa chỉ tại đâu...? Ông Phương lại trả lời: Không nắm được địa điểm...

Theo ước tính của người dân địa phương, trong thời gian qua CTQĐV đã lợi dụng giấy phép khai thác đất san lấp mặt bằng để khai thác hàng chục ngàn mét khối đất sét bán cho nhà máy gạch Prime. Nhiều cán bộ trong ngành khoáng sản, nhận xét: Đây là hành vi  làm thất thoát nguồn tài nguyên của đất nước. Theo quy định của Luật Khoáng sản, đất sét là nguồn tài nguyên dưới lòng đất nên việc khai thác phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt của pháp luật. Cụ thể, phải có sự thăm dò, thẩm định của cơ quan trung ương... Trong khi đó, việc cấp phép đối với mỏ đất san lấp đơn giản hơn nhiều. Ngoài ra, một tổ chức, cá nhân nào khi được phép khai thác đất sét phải thực hiện nghĩa vụ đóng cho Nhà nước một khoản lớn thuế tài nguyên. Việc nấp dưới danh nghĩa khai thác đất san lấp để khai thác đất sét, CTQĐV đã làm thất thu cho ngân sách một nguồn kinh phí lớn. Bên cạnh đó, đơn vị thu mua cũng được hưởng một khoản lợi không nhỏ khi mua số đất sét này với giá thấp hơn giá thị trường và không thực hiện việc xuất hóa đơn mua hàng theo quy định...

Trước vấn đề dư luận quan tâm, UBND H. Đại Lộc đang tổ chức đoàn kiểm tra, nắm tình hình... báo cáo UBND tỉnh Quảng Nam có biện pháp xử lý. Theo chúng tôi, nguyên nhân dẫn đến sự việc trên có một phần trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc thực hiện chức năng giám sát việc khai thác đất của CTQĐV. Mong rằng, các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam sớm vào cuộc, điều tra làm rõ vụ việc để tránh tình trạng trốn thuế, làm thất thoát tài nguyên khoáng sản quốc gia.

M.T