Muôn kiểu trộm cắp điện (Kỳ cuối: Khó xử lý hình sự)

Thứ tư, 31/10/2018 10:29

Mỗi năm, số vụ vi phạm điện nói chung và nạn trộm cắp điện nói riêng tại TP Đà Nẵng có xu hướng gia tăng mạnh cả về số vụ và sản lượng điện thất thoát. Ông Trần Nguyễn Bảo An, Phó Giám đốc Cty Điện lực Đà Nẵng cho rằng, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc trộm cắp điện là do ham lợi, nhằm giảm bớt hoặc không phải trả tiền điện. Bên cạnh đó, một phần cũng do nhận thức và trình độ hiểu biết pháp luật của người dân còn hạn chế, không ý thức được việc trộm cắp điện là vi phạm pháp luật và rất nguy hiểm vì dễ dẫn đến chạm chập, điện giật, cháy nổ do phóng điện vào các vật liệu dễ cháy.

Lắp đặt công tơ điện tử cho khách hàng nhằm tránh thất thoát điện năng.

Ở một góc độ khác thì mức độ xử lý bồi thường, xử phạt các trường hợp vi phạm trộm cắp điện chưa đủ sức răn đe. Trước tình hình vi phạm sử dụng cũng như trộm cắp điện diễn ra tinh vi và phức tạp, Cty Điện lực Đà Nẵng đã tăng cường công tác kiểm tra giám sát mua bán điện và duy trì chế độ thưởng nóng đối với mỗi vụ phát hiện trộm cắp điện cho tập thể, cá nhân phát hiện, tố giác hành vi gian lận trong sử dụng điện. Bên cạnh đó, đơn vị phát hiện trộm cắp điện sẽ được thưởng điểm vào kết quả thi đua hàng tháng. Lực lượng kiểm tra viên được phân công theo dõi các khách hàng có sản lượng điện tiêu thụ lớn, các khách hàng có sản lượng ít biến động khi giao mùa. Cty cũng thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh, điều tra để sớm đưa ra các quyết định xử phạt kịp thời, đúng đối tượng, tạo sự công bằng trong sử dụng điện. Ông An cho biết thêm, đến thời điểm này, Cty Điện lực Đà Nẵng đã lắp đặt công tơ điện tử cho khoảng 99% khách hàng và sẽ bắt xong 100%  khách hàng vào cuối năm 2018. Điều đó sẽ giúp ngành điện kiểm tra tốt hơn việc sử dụng điện của khách hàng, giảm bớt vấn nạn trộm cắp điện xảy ra trên địa bàn TP Đà Nẵng.

Ông Ngô Phú Việt cũng thừa nhận và cung cấp thêm một số thủ đoạn của các đối tượng trộm cắp điện. Phổ biến nhất là mổ cáp và đấu trực tiếp trước công tơ; can thiệp vào hệ thống niêm chì bảo vệ đo đếm, đấu điện tại hộp bảo vệ hoặc tác động vào bên trong công tơ làm sai lệch hệ thống đo đếm; sử dụng nam châm… “Để khắc phục tình hình này, ngành điện đã ứng dụng công nghệ để phát hiện nhanh các vụ trộm, tránh thất thoát nguồn điện. Cụ thể là ngoài việc lắp đặt công tơ điện tử, Cty Điện lực Đà Nẵng khai thác triệt để các chương trình, phần mềm phục vụ kiểm tra. Khoanh vùng tổn thất từ xuất tuyến đến trạm biến áp chuyên dùng, trạm biến áp công cộng và đến từng khách hàng thuộc trạm biến áp đó. Ngoài ra, ngành điện còn tiếp nhận thông tin tố giác hành vi gian lận trong sử dụng điện từ quần chúng nhân dân, CBCNV…qua tổng đài CSKH 19001909”-ông Việt nói. Trong khi đó, ông Ngô Tấn Cư, Chủ tịch, Giám đốc Cty Điện lực Đà Nẵng cho rằng, thời gian đến, đơn vị tiếp tục chủ trì, phối hợp với Sở Công thương thực hiện tốt Quy chế phối hợp trong công tác kiểm tra sử dụng điện; phối hợp với các cơ quan chức năng trong công tác phát hiện, điều tra, xử lý các vụ vi phạm sử dụng điện. Tăng cường kiểm tra ngăn ngừa chống lấy cắp điện, kiểm tra sử dụng điện đối với khách hàng có sản lượng điện biến động, nghi ngờ; kiểm tra, phúc tra các TBA có biến động bất thường để góp phần giảm tổn thất điện năng của toàn đơn vị…

Vị trí câu móc trái phép. 

Để hiểu thêm về việc xử phạt các hành vi liên quan đến trộm cắp điện, người viết đã trực tiếp trao đổi với nhiều người am hiểu về vấn đề này nhưng ai cũng cho rằng, để giải quyết triệt để tình trạng trộm cắp điện, ngành Điện còn gặp nhiều khó khăn. Trong đó, nguyên nhân từ việc truy thu sản lượng điện bị mất trộm và xử phạt bằng tiền hiện nay. Theo đó, ngoài việc bồi thường thiệt hại cho bên bị vi phạm bằng giá trị sản lượng điện năng bị mất do hành vi trộm cắp điện gây ra, bên vi phạm bị xử phạt vi phạm hành chính. Theo Điều 12 Nghị định 134/2013/NĐ-CP của Chính phủ, mức phạt thấp nhất 2 triệu đồng, cao nhất 50 triệu đồng (đối với hành vi trộm cắp điện  với số lượng từ 18.000 kWh đến dưới 20.000 kWh) chưa đủ sức răn đe. Riêng đối với trường hợp trộm cắp từ 20.000 kWh có thể bị xử lý hình sự, nhưng việc thực hiện giám định tư pháp, xác định thời gian, số lượng điện năng bị mất còn nhiều vướng mắc.

Chánh Thanh tra Sở Công thương TP Đà Nẵng Nguyễn Pháp cho rằng, ngoài hình thức xử phạt hành chính, cá nhân, tổ chức vi phạm còn phải bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tịch thu tang vật, phương tiện dùng để vi phạm. Thậm chí gửi tên người vi phạm về chính quyền địa phương hoặc thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng để tăng hiệu ứng răn đe. Ông Pháp cũng nêu khó khăn lớn là trộm cắp điện cũng là hành vi trộm cắp tài sản, nhưng việc xử lý hình sự hành vi này còn nhiều bất cập do những quy định không thống nhất trong hệ thống văn bản pháp luật. Trường hợp trộm cắp điện từ 20 ngàn kWh trở lên, để xử lý về tội trộm cắp tài sản cũng gặp nhiều khó khăn, nhất là trong khâu giám định tư pháp, xác định thời gian, số lượng điện năng để truy cứu trách nhiệm hình sự. Ngoài ra, trường hợp không xác định được thời điểm trộm cắp điện, thời gian vi phạm theo quy định của Thông tư 27/2013/TT-BCT ngày 31-10-2013 về kiểm tra hoạt động điện lực và sử dụng điện, giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán điện, tính giá trị bồi thường thiệt hại là không quá 12 tháng. Như vậy, trường hợp trộm cắp điện trong thời gian 2 năm thì số ngày tính bồi thường tối đa cũng chỉ 12 tháng. Điều này dẫn đến nhiều thiệt hại cho ngành Điện khi mức truy thu không đúng với thực tế. Vấn đề đặt ra qua trao đổi với những người có trách nhiệm trong điện chính là ngoài việc tăng cường kiểm tra phát hiện và xử lý vi phạm hành vi trộm cắp điện thì điều quan trọng nhất vẫn là thông qua nhiều kênh thông tin cần tuyên truyền để khách hàng sử dụng điện hiểu và cùng đồng hành với ngành điện trong việc sử dụng an toàn, tiết kiệm và hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất những rủi ro do trộm cắp điện gây ra. Đây mới chính là điều quan trọng nhất.

PHƯƠNG KIẾM