Mỹ bất ngờ tuyên bố “dừng cuộc chơi” ở Syria

Thứ sáu, 21/12/2018 09:12

Tổng thống Donald Trump, từng nổi tiếng với phát biểu rằng ông biết nhiều về nhóm cực đoan IS hơn các tướng lĩnh Mỹ. Và có vẻ bây giờ ông ấy muốn chứng minh điều đó.

Hôm 19-12, người phát ngôn Nhà Trắng Sarah Huckabee Sanders cho biết quân đội Mỹ đã bắt đầu trở về nước sau khi thực hiện nhiệm vụ chiến đấu chống IS tại Syria. Trong một tuyên bố, bà Sanders nêu rõ: "Chúng tôi đã chuyển sang giai đoạn tiếp theo của chiến dịch và bắt đầu đưa binh sĩ Mỹ trở về nước". Theo bà Sanders, chiến thắng tại Syria không phải là sự chấm dứt của liên quân chống IS do Mỹ dẫn đầu. Bà Sanders khẳng định Mỹ và các nước đồng minh vẫn sẽ tiếp tục hợp tác trong cuộc chiến chống IS.

Quyết định rút quân khỏi Syria của Tổng thống Mỹ Donald Trump được cho là một sai lầm chiến lược lớn. Ảnh: CNN
"Liệu Mỹ có muốn làm cảnh sát của Trung Đông khi chẳng thu được gì ngoài việc dâng hiến những sinh mạng quý giá và hàng nghìn tỷ USD để bảo vệ những người, mà trong hầu hết các trường hợp đều không cảm kích những gì mà chúng ta làm? Liệu chúng ta có muốn ở lại Trung Đông mãi mãi? Giờ cuối cùng đã đến lúc những người khác chiến đấu..." ông Trump viết trên Twitter.
 

Canh bạc lớn của ông Trump

Nhiều người cho rằng, tuyên bố rút quân khỏi Syria một cách đầy bất ngờ và nhanh chóng là canh bạc lớn của ông Trump.

Đây được cho là động thái kinh điển của vị lãnh đạo này sau khi ông tuyên bố Mỹ đã hoàn thành hiệu quả nhiệm vụ đánh bại IS tại Syria. Trên mạng xã hội Twitter, ông Trump viết: “Chúng tôi đã đánh bại IS tại Syria, lý do duy nhất khiến lực lượng Mỹ phải ở đây dưới thời của Trump”. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định, rõ ràng Tổng thống Mỹ công bố một quyết định bốc đồng, làm rung chuyển thế giới, cho thấy, ông chẳng hề cân nhắc, gây hoang mang cho các cố vấn hàng đầu và khiến Washington rơi vào hỗn loạn.

Đó là động thái dường như mâu thuẫn với mục tiêu trung tâm của chính sách Trung Đông của ông Trump, liên quan đến ảnh hưởng của Iran trong khu vực, vì việc Mỹ rút quân khỏi Syria có thể để lại khoảng trống và Tehran cũng như các quốc gia khác bên ngoài sẽ tranh thủ lấp đầy. Các nhà phê bình ông Trump tại Washington, đảng Cộng hòa, quân đội cũng như toàn thế giới mô tả động thái của ông là sai lầm chiến lược lớn có thể mở đường cho IS sống lại. “Đó là một sai lầm khủng khiếp và Tổng thống không hề thấy nó sẽ gây nguy hiểm như thế nào cho đất nước chúng ta", một quan chức chính quyền cấp cao nói với CNN.

Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa của bang Nam Carolina, Lindsey Graham, đồng minh thân cận của ông Trump, thổi bùng sự tức giận trước quyết định này trước Thượng viện vào tối 19-12. “Đây là vết bẩn trên danh dự của Mỹ. Tôi nghĩ rằng nó là thảm họa đối với an ninh quốc gia của chúng ta” ông Graham nói. Nhiều người nghi ngờ, tổng thống đang bị bao vây chính trị và pháp lý trong việc nỗ lực giành lấy một chiến thắng vào cuối năm, được thể hiện bằng việc thông qua dự luật tư pháp hình sự, và chuyển sự chú ý khỏi sự nhượng bộ trong các cuộc đấu tay đôi với Quốc hội về việc tài trợ cho bức tường biên giới của mình.

Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ vẫn bảo vệ quyết định của mình, nhấn mạnh nước này không muốn làm “cảnh sát của Trung Đông”. Ông Trump cũng đã công bố một đoạn băng vào tối 19-12, hoan nghênh quyết định đưa quân đội về nước. “Các chàng trai của chúng ta, những phụ nữ trẻ của chúng ta, tất cả họ sẽ quay trở về. Chúng ta đã chiến thắng, và đó là cách chúng ta muốn. Và đó là cách họ muốn”, tổng thống Mỹ nói. Không ai từng buộc tội tổng thống là thiếu nhất quán, nhưng quyết định lần này khiến ông Trump bị cáo buộc đạo đức giả, kể từ khi ông gán biệt danh “người sáng lập” IS cho cựu Tổng thống Barack Obama sau khi nhóm cực đoan này khai thác việc Mỹ rút khỏi Iraq năm 2011 để xây dựng sào huyệt ở Iraq và Syria.

Mở đường cho Nga?

Quyết định rút quân khỏi Syria của ông Trump giúp thực hiện một trong những mục tiêu của Tổng thống Nga Vladimir Putin, qua đó làm dấy lên những đồn đoán mới về động cơ của Trump khi mối quan hệ của ông với Moscow ngày càng được xem xét kỹ lưỡng.

Phó Chủ tịch thứ nhất Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Nga Dmitry Novikov cho rằng, việc Mỹ rút quân khỏi Syria sẽ giúp ổn định tình hình trong khu vực. Trả lời phỏng vấn hãng Sputnik, ông Novikov nhấn mạnh: “Khu vực này đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, nhờ có sự hiện diện của Nga ở Syria. Trong khi đó, vai trò của Mỹ về cơ bản hoàn toàn khác. Nếu Mỹ tuân thủ các cam kết liên quan đến việc rút quân, điều này sẽ giúp ổn định tình hình Syria”. Trước đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova tuyên bố sự hiện diện bất hợp pháp của Mỹ tại Syria đang trở thành rào cản nguy hiểm trên con đường giải quyết cuộc khủng hoảng tại quốc gia Trung Đông này.

Đại diện Ủy ban Quốc phòng và An ninh thuộc Thượng viện Nga, ông Frantz Klintsevich, cho rằng, Washington không đạt được mục tiêu ở Syria, trong đó có việc lật đổ chính quyền hợp pháp đương nhiệm. Trong trường hợp Mỹ thực sự quyết định rút toàn bộ binh lính khỏi lãnh thổ Syria, điều này không có nghĩa họ đã hoàn thành sứ mệnh tại đó. Có chăng, họ đã thất bại trong việc thay thế chính quyền Syria thông qua việc lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad. Đối với IS, ban đầu Mỹ không cố gắng để tiêu diệt lực lượng khủng bố này, mà tiếp tục chơi trò chơi với chúng”.

Trong một chiến thắng khác đối với Moscow, chính quyền Washington hôm 19-12 tuyên bố với Quốc hội, họ đang dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với hai Cty Nga. Nhưng phản ánh tính hai mặt kỳ lạ của chính sách của Mỹ đối với Nga, Washington lại tuyên bố trừng phạt 15 thành viên của cơ quan tình báo GRU của Nga và 4 thực thể liên quan đến việc can thiệp bầu cử, một vụ ám sát ở Anh và các "hoạt động vi phạm" khác.

Những hệ lụy

Lầu Năm Góc và các trợ lý chính sách đối ngoại của ông Trump đã cảnh báo, cuộc chiến ngăn chặn sự hồi sinh của IS chưa kết thúc. Thứ trưởng Quốc phòng Anh Tobias Ellwood cũng phản đối những tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc IS đã bị loại bỏ hoàn toàn khỏi Syria.

Hôm 11-12, đặc phái viên của tổng thống Mỹ trong liên minh toàn cầu chống IS, Brett McGurk, đưa ra một lập luận mâu thuẫn với lý lẽ của ông Trump hôm 19-12. "Nếu chúng ta đã rút ra được bài học trong nhiều năm qua, việc đánh bại một nhóm như IS có nghĩa là bạn không thể đánh bại không gian vật lý của chúng và sau đó rời đi; bạn phải đảm bảo rằng các lực lượng an ninh nội bộ đã sẵn sàng để đảm bảo rằng những lợi ích đó là bền bỉ", ông McGurk nói.

Hôm 19-12, một thành viên Ủy ban Đàm phán Syria (SNC) - tổ chức đối lập chống chính quyền Syria, ông Hadi al-Bahra cho rằng việc Mỹ rút quân khỏi Syria sẽ khiến cuộc chiến chống IS thêm phức tạp, tạo ra thêm nhiều sức ép đối với Nga và thổ Nhĩ Kỳ. Trả lời phỏng vấn Sputnik, ông Bahra nói: “Động thái này sẽ khiến cuộc chiến chống IS thêm phức tạp bởi không ai có thể tuyên bố rằng cuộc chiến này đã kết thúc. Một số hang ổ vẫn còn tồn tại và khu vực vẫn chưa đủ ổn định để đảm bảo IS cũng như các tổ chức khủng bố khác không quay trở lại. Điều này sẽ tạo thêm áp lực đối với Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, những nước phải hoàn thành những gì Mỹ chưa làm được”.

Một hệ quả đặc trưng khác của tuyên bố rút quân hôm 19-12 là sự hỗn loạn, tương tự như việc ông Trump sử dụng lệnh hành pháp của mình để ban hành lệnh cấm đi lại đối với công dân của một số quốc gia chủ yếu là Hồi giáo - khiến các quan chức trong đội ngũ của ông phải vật lộn để giải quyết những hệ lụy. Một quan chức chính quyền cấp cao khi được hỏi không thể nói có bao nhiêu quân đã rời khỏi Syria hoặc khi nào số quân này sẽ quay trở lại Mỹ.

Động thái một mình đưa ra quyết định của ông Trump cũng khiến các bạn bè của Mỹ ở phương Tây, những người đã đưa binh sĩ đến chiến đấu cùng Mỹ tại Syria, bất mãn. Hai nguồn tin ngoại giao từ các quốc gia ở Trung Đông nói với CNN rằng họ đã không được hỏi ý kiến hoặc thông báo hay nhận được tin tức về việc rút quân. Đây là một "sự bất ngờ hoàn toàn".

Một số người cố gắng giải thích quyết định của ông Trump. Lệnh rút quân khỏi Syria được đưa ra sau cuộc gọi hôm 14-12 giữa ông Trump và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Việc Mỹ rời khỏi khu vực có khả năng mang lại lợi thế cho Thổ Nhĩ Kỳ trong việc gây sức ép với người Kurd ở Syria và ngăn chặn họ ủng hộ nhóm phiến quân người Kurd PKK, vốn bị Ankara coi là một tổ chức khủng bố.

AN BÌNH