Mỹ - Cuba: Nửa thế kỷ từ kẻ thù thành bạn

Thứ ba, 21/07/2015 10:34

* Kỳ I: Khi Nhà Trắng vượt ngưỡng Quốc hội

(Cadn.com.vn) - Ngày 20-7 đánh dấu bước ngoặt lịch sử trong mối quan hệ giữa hai cựu thù Chiến tranh Lạnh - Mỹ và Cuba - khi cả hai cùng chính thức mở lại Đại sứ quán tại Washington và La Havana. Sự kiện này “giúp” người ta ngoái nhìn lại hơn 50 năm mối quan hệ cực kỳ khó chịu giữa Mỹ và Cuba, cùng những bất ngờ trên chặng đường từ kẻ thù thành bạn.

Dưới thời Tổng thống Barack Obama, ngành ngoại giao Mỹ trở nên rối rắm bởi sự rối loạn chức năng và siêu đảng phái ở Quốc hội, khiến mối quan hệ giữa Nhà Trắng và Đồi Capitol phức tạp hơn bao giờ hết.

Người dân Cuba vui mừng khi chính phủ cho phép mở lại Đại sứ quán Mỹ ở La Havana. Ảnh: AFP

Nhà Trắng nói “có”, Quốc hội nói “không”

Việc dồn hết tâm huyết cho hai kẻ thù Iran và Cuba khiến ông chủ Nhà Trắng đối mặt nhiều chỉ trích từ Quốc hội - hiện do đảng Cộng hòa kiểm soát.

Dù cả hai chính sách ngoại giao quan trọng này đã “đơm hoa kết quả” (P5+1 đã đạt thỏa thuận hạt nhân lịch sử với Iran và Cuba đã đồng ý mở lại đại sứ quán Mỹ ở La Havana), nhưng nhiều nghị sĩ vẫn cho rằng, ông Obama quá phí thời gian cho “những việc vô bổ” mà không dành tâm huyết bồi dưỡng những tình bạn lâu dài với các nước đồng minh. Trên bàn đàm phán với cả hai quốc gia cựu thù địch này – các nghị sĩ cáo buộc Mỹ đã có những “nhượng bộ đau đớn”. Những “nhượng bộ đau đớn” mà các nghị sĩ nói ở đây ám chỉ đề nghị dỡ bỏ lệnh cấm vận Cuba kéo dài hơn 50 năm của Tổng thống Obama.

“Không thể có quan hệ bình thường giữa Mỹ và Cuba khi vẫn còn tình trạng phong tỏa kinh tế, thương mại và tài chính, gây thiệt hại và thiếu thốn nghiêm trọng cho nhân dân Cuba”, ông Obama tuyên bố. Mới đây, ông chủ Nhà Trắng lại tiếp tục kêu gọi Quốc hội dỡ bỏ cấm vận Cuba. “Người Mỹ và người Cuba đã sẵn sàng để tiến về phía trước. Tôi tin, đây là thời điểm quan trọng để Quốc hội hành động”, ông nói. Trên thực tế, ông Obama từng nới lỏng một số quy định cấm đối với thương mại và du lịch từng tồn tại giữa hai nước, nhưng vẫn còn nhiều quy định chỉ có thể được gỡ bỏ thông qua Quốc hội.

Và giới phân tích cho rằng, nếu không bỏ lệnh cấm vận mà Mỹ áp đặt Cuba từ năm 1961 đến nay, mối quan hệ song phương không thể thật sự tan băng.

Phản ứng ở Đồi Capitol

Tuy nhiên, Quốc hội không có dấu hiệu cho thấy có ý định chấm dứt lệnh cấm vận. Một số các ứng cử viên Tổng thống của đảng Cộng hòa thẳng thừng phản đối sự thay đổi trong chính sách đối với Cuba.

Thượng nghị sĩ bang Texas Ted Cruz đã chỉ trích hành động mở lại Đại sứ quán của Tổng thống Obama. “Thật không thể chấp nhận. Đây là cái tát vào mặt các đồng minh thân cận khi Mỹ có một đại sứ quán ở La Havana trước Jerusalem”, ông Cruz, người đang tìm kiếm vị trí ứng viên tổng thống đề cử của đảng Cộng hòa cho năm 2016, cho biết.

Trong một tuyên bố, Thượng nghị sĩ bang Florida Marco Rubio khẳng định sẽ phản đối việc xác nhận đại sứ quán tại Cuba đến khi Chủ tịch Raul Castro có một số nhượng bộ lớn, trong đó “đảm bảo các quyền tự do chính trị lớn hơn cho nhân dân Cuba”. Và cựu Thống đốc bang Texas Rick Perry cho biết, một khi chính quyền La Havana không thay đổi, đề nghị “tái hôn” sẽ chỉ bất lợi cho Mỹ.

Nhưng ông Obama cũng có phe ủng hộ ở Đồi Capitol. Thượng nghị sĩ Tennessee Steve Cohen đưa ra tuyên bố rằng, Mỹ và Cuba làm việc cùng nhau là cách duy nhất để giải quyết các mối quan tâm về các hành động của La Havana. “Những quyết định này cũng sẽ giúp thúc đẩy nhân quyền và tự do trong một đất nước mà chúng ta không có ảnh hưởng trong thời gian quá lâu”, ông nói.

Có thể thấy, bất chấp rào cản Quốc hội, ông Obama đã thành công đáng kể. Mỹ - Cuba sẽ chính thức “tái hôn” vào ngày 20-7, ngày mà cả hai mở lại Đại sứ quán tại Washington và La Havana. Ngoại trưởng John Kerry cũng có mặt tại Cuba vào ngày trọng đại này. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một Ngoại trưởng Mỹ đến Cuba kể từ năm 1945, được đánh giá là “bước quan trọng trên con đường khôi phục lại quan hệ hoàn toàn bình thường giữa hai nước”.

Khả Anh