Mỹ dọa trừng phạt ICC

Thứ tư, 12/09/2018 12:20

Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) tỏ ra rất mạnh mẽ khi tuyên bố sẽ quyết tâm tiếp tục công việc của họ mà không hề “nao núng” trước những cảnh báo “sặc mùi gây chiến” từ Mỹ.

Thế giới có thể sẽ lại chứng kiến một cuộc chiến mới, ở một góc độ mới khi Washington ngày 10-9 (giờ địa phương) đơn phương đe dọa sẽ đưa ra biện pháp trừng phạt đối với Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) nếu tòa án này đưa công dân Mỹ ra xét xử.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Cố vấn an ninh quốc gia Joh Bolton. Ảnh: Guardian

Từ vụ các binh sĩ Mỹ bị cáo buộc lạm dụng tù nhân

Mọi tranh cãi bắt đầu khi tòa án này hiện đang xem xét truy tố một số binh sĩ Mỹ bị tình nghi có hành vi lạm dụng những người bị bắt giữ ở Afghanistan.

Tuy nhiên, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Joh Bolton gọi hành động này của ICC là “bất hợp pháp” và tuyên bố nước Mỹ sẽ làm bất kỳ điều gì “để bảo vệ công dân của chúng tôi”. Ông Bolton từ lâu luôn chỉ trích ICC. Và trong phát biểu ngày 10-9, ông ưu tiên 2 vấn đề chính. Thứ nhất, là việc công tố viên Fatou Bensouda của ICC hồi năm 2017 đề nghị mở cuộc điều tra toàn diện về nghi án tội ác chiến tranh ở Afghanistan, trong đó có liên quan một số binh sĩ và quan chức tình báo Mỹ. Nói về vấn đề này, ông Bolton nhấn mạnh về cái “vô lý” ở đây là không một quốc gia thành viên ICC nào đưa ra đề nghị như vậy, và ngay cả Afghanistan cũng vậy. Thứ hai, theo ông, việc Palestine tìm cách đưa Israel ra trước ICC vì cáo buộc về lạm dụng nhân quyền ở Dải Gaza và bờ Tây sông Jordan - động thái mà Tel Aviv phủ nhận và cho là đã bị chính trị hóa.

Là một nhà ngoại giao kỳ cựu, ông John Bolton nổi tiếng là người hiếu chiến: ông từng nói rằng nếu tòa nhà LHQ ở New York “mất 10 tầng, cũng sẽ không có chút khác biệt nào”. Và ông đã chứng tỏ phong cách ngoại giao đứng trên cả ngoại giao củ cà rốt, và nói: “Tôi không thích củ cà rốt”. Với tư cách là cố vấn an ninh quốc gia, ông đã tích cực hơn cả tổng thống vào những thời điểm quyết định. Tuy nhiên, hôm 10-9, ông Bolton lần đầu tiên cho thấy quan điểm nhất trí với Tổng thống Donald Trump. Với tuyên bố đe dọa sẽ xử phạt các thẩm phán ICC, ông đang giúp củng cố chính sách “Nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Trump.

Lệnh cấm như thế nào?

Ông Bolton tuyên bố, Mỹ sẽ cấm các thẩm phán của ICC nhập cảnh vào nước này, đồng thời truy tố và phong tỏa tài khoản đối với những thẩm phán trên nếu ICC tiếp tục đeo bám các công dân Mỹ.  Bên cạnh đó, Washington cũng sẽ tăng cường đàm phán song phương để ngăn chặn các quốc gia giao nộp công dân Mỹ cho ICC.

Trong tuyên bố đưa ra ngày 11-9, ICC tỏ ra rất mạnh mẽ khi cho biết sẽ quyết tâm tiếp tục công việc của họ mà không hề “nao núng”. “ICC sẽ tiếp tục làm công việc của mình mà không hề nao núng. Điều này phù hợp với những nguyên tắc và tư tưởng phổ quát về thượng tôn pháp luật”, thông báo của ICC nêu rõ. Cùng ngày, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif chỉ trích việc Mỹ chống lại ICC. Trên mạng xã hội Twitter, Ngoại trưởng Zarif viết: “Mỹ đe dọa áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào ICC, thậm chí khởi kiện các thẩm phán của ICC tại các tòa án Mỹ... Sự thô lỗ của Mỹ dường như không có giới hạn”.

Mỹ là một trong số hơn 70 quốc gia không tham gia tòa án này. Khi ICC ra đời, Tổng thống Mỹ lúc đó là George W.Bush phản đối gay gắt và không tham gia. Khi Tổng thống Barack Obama lên nắm quyền, ông tìm cách tăng cường hợp tác với ICC nhưng vẫn chưa đi đến một ký kết chính thức. Đây là tòa án chuyên điều tra và trừng trị những người phạm tội ác diệt chủng, tội ác chống nhân loại, và tội ác chiến tranh. ICC can thiệp khi các quốc gia không thể hoặc không đưa những người phạm các tội ác này ra xét xử. ICC được thành lập theo hiệp ước của LHQ vào năm 2002 và đã được phê chuẩn 123 quốc gia ký phê chuẩn. Tuy nhiên, nhiều quốc gia cho đến nay vẫn từ chối tham gia. Một số nước Châu Phi thậm chí kêu gọi rút khỏi tòa án vì ICC đối xử không công bằng với người Châu Phi.

KHẢ ANH