Mỹ giữa vòng vây Vùng Vịnh - Iran

Thứ bảy, 16/05/2015 08:28

(Cadn.com.vn) - Tổng thống Barack Obama khẳng định, việc Mỹ thắt chặt mối quan hệ an ninh với các nước Vùng Vịnh không nhằm mục đích bao vây Iran.

Sau Hội nghị Thượng đỉnh hiếm hoi giữa Mỹ và Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) hôm 14-5 (ngày 15-5, giờ Việt Nam) tại Trại David, Tổng thống Obama đưa ra “cam kết bọc thép” đối với các chính phủ Sunni và thậm chí đã nói về việc cho phép Lầu Năm Góc hành động nếu an ninh của các nước này bị đe dọa.

Tổng thống Obama tạm biệt lãnh đạo một số nước GCC sau hội nghị ở Trại David. Ảnh: AP

 Trong tuyên bố chung, Tổng thống Mỹ cũng tuyên bố tiếp tục dành “chiếc ô an ninh” cho các quốc gia GCC gồm Kuwait, Saudi Arabia, Qatar, Bahrain, Oman và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Ông gọi sự khởi đầu của một “kỷ nguyên hợp tác mới” kéo dài trong nhiều thập kỷ đang đến, bất chấp việc Saudi Arabia và những  nước GCC khác đang mất bình tĩnh khi Washington dần tiến đến một thỏa thuận hạt nhân quan trọng với Tehran, vốn được cho là sẽ mang về nhiều lợi ích cho Iran. Các chính phủ Arab Sunni đến Washington lần này nhằm tìm kiếm đảm bảo rằng, Mỹ sẽ ghép nỗ lực ngoại giao với một chiến lược rộng lớn hơn để đẩy lùi việc Iran đang dần mở rộng ảnh hưởng ở Trung Đông.

Tâm lý bất ổn, mâu thuẫn trong vấn đề Iran và việc nhiều nhà lãnh đạo hàng đầu của khu vực này không tham dự đã phủ bóng đen lên hội nghị GCC lần này. Ngoại trừ lãnh đạo Kuwait và Qatar, 4 nhà lãnh đạo còn lại của GCC đã không đến Trại David. Sự vắng mặt gây chú ý nhất là của Quốc vương Saudi Arabia. Ông quyết định không tham dự hội nghị vào phút chót và cử Thái tử Mohammed bin Nayef cùng Hoàng tử Mohammed bin Salman đại diện. Quốc vương Oman, người đóng vai trò trung gian giữa Mỹ và Iran, cũng vắng mặt. Bahrain - nơi Hải quân Mỹ đặt căn cứ Hạm đội 5 – cũng chỉ cử Thái tử tham dự hội nghị.

Đó là lý do tại sao tại hội nghị lần này, ông chủ Nhà Trắng đã đưa ra nhiều cam kết an ninh đối với các nước GCC. Ông cũng “xoa dịu” tâm lý lo ngại của các nước này khi khẳng định, “việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt quốc tế nhằm vào Iran sẽ không làm gia tăng nguy cơ Tehran gây bất ổn tại khu vực”. Nhưng cũng để ve vãn Tehran, ông chủ Nhà Trắng tuyên bố, cam kết an ninh với các nước Vùng Vịnh không nhằm duy trì bất kỳ sự đối đầu lâu dài nào với Iran hay thậm chí là cô lập Tehran.    

Mỹ và các cường quốc thế giới đang đặt nhiều hy vọng vào việc có thể đạt được một thỏa thuận hạt nhân chính thức với Iran vào cuối tháng 6 này, chấm dứt tranh cãi kéo dài hơn 13 năm qua. Washington từ lâu hỗ trợ quân sự cho các đối tác Vùng Vịnh, nổi tiếng nhất là cuộc xâm lược Iraq vào năm 1991 sau khi Baghdad giành quyền kiểm soát Kuwait. Tuy nhiên, cũng giống như đồng minh khác của Mỹ, Israel, người Arab lo sợ cái gọi là “thỏa thuận hạt nhân lịch sử” này nếu các bên đàm phán thành công. Họ lo ngại một khi được dỡ bỏ trừng phạt, Tehran sẽ có cơ hội tăng cường viện trợ cho các nhóm nổi dậy người Shiite trong khu vực và kích động xung đột leo thang tại Syria, Yemen, Iraq hay Lebanon.

Sự nhạy cảm của người Arab và Israel là một phần trong những thách thức mà ông Obama phải đối mặt khi cố gắng hoàn thành một thỏa thuận mà ông tin có thể ổn định một phần của thế giới bị vây quanh bởi chủ nghĩa khủng bố, xung đột giáo phái và nắm quyền yếu kém - và đó cũng sẽ đánh dấu thành tích chính sách đối ngoại quan trọng của ông sau 2 nhiệm kỳ cầm quyền ở Nhà Trắng. Trong nhiều tháng, Tổng thống Obama cố gắng tìm kiếm sự ủng hộ của các nước Arab cho thỏa thuận hạt nhân với Iran nhưng xem ra vô vọng.

Và giờ đây, thử thách lớn khác của Tổng thống Obama đến từ ngay trong lòng nước Mỹ. Quốc hội Mỹ hôm 15-5 thông qua dự luật yêu cầu Nhà Trắng phải trình Quốc hội xem xét thỏa thuận hạt nhân Iran. Kết quả bỏ phiếu cho thấy dự luật này được Hạ viện thông qua với tỷ lệ áp đảo 400 phiếu thuận và 25 phiếu chống, vốn được xem như một thất bại của Nhà Trắng.

Kết quả này cũng cho thấy, con đường phía trước của Tổng thống Obama thật lắm chông gai.

Khả Anh