Mỹ, Hà Lan đạt thỏa thuận chặn xuất khẩu chip sang Trung Quốc

Thứ tư, 01/02/2023 12:42
Theo trang tin Politico.eu, Mỹ đã đạt được thỏa thuận với Hà Lan và Nhật Bản nhằm áp đặt các hạn chế mới đối với việc xuất khẩu công nghệ vi mạch tiên tiến sang Trung Quốc.
ASML là công ty quan trọng nhất chịu ảnh hưởng theo các hạn chế của Hà Lan.
ASML là công ty quan trọng nhất chịu ảnh hưởng theo các hạn chế của Hà Lan.

Nỗ lực của Mỹ

Thỏa thuận này được đưa ra ba tháng sau khi Washington áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đơn phương, cấm các công ty Mỹ bán chip và thiết bị sản xuất chip cao cấp cho các công công nghệ Trung Quốc. Chính sách mới của Nhà Trắng nhằm ngăn chặn Bắc Kinh sử dụng chất bán dẫn tiên tiến cho siêu máy tính cùng các ứng dụng liên quan trí tuệ nhân tạo, vũ khí hạt nhân và vũ khí siêu thanh.

Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã đàm phán với các nước đồng minh trong hai năm nhưng vấp phải sự phản đối vì họ lo lắng động thái hạn chế xuất khẩu như vậy sẽ hưởng đối hãng công cụ sản xuất chip của những nước này, đặc biệt là ASML (Hà Lan), Tokyo Electron và Nikon Corp. của Nhật Bản. Applied Materials, Lam Research và KLA, các công ty đang thống trị lĩnh vực công cụ sản xuất chip của Mỹ phàn nàn chính sách kiểm soát xuất khẩu hồi tháng 10 áp đặt các hạn chế đối với những doanh nghiệp này. Vào thời điểm đó, Thứ trưởng phụ trách An ninh và công nghiệp của Bộ Thương mại Mỹ Alan Estevez nói rằng chính sách hạn chế xuất khẩu công nghệ chip sang Trung Quốc sẽ chứng minh cho các đồng minh thấy Mỹ "có thể tham gia cuộc chơi" và sẵn sàng đưa ra những quyết định cứng rắn. Estevez và Tarun Chhabra, Giám đốc cấp cao phụ trách an ninh quốc gia và công nghệ của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ đã đến thăm Tokyo và The Hague gần đây để thuyết phục các đồng minh phối hợp với Mỹ.

Hà Lan là nước đóng vai trò quan trọng trong chiến lược của Mỹ nhằm cắt đứt nguồn cung cấp vi mạch cho Trung Quốc. Nhật Bản đã phát tín hiệu ủng hộ trước khi tham gia cùng với Mỹ, nhưng Hà Lan trước đây đã có quan điểm thận trọng hơn, cho rằng việc hạn chế bán hàng cho Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận và chiến lược dài hạn của tập đoàn khổng lồ Hà Lan ASML, một trong số ít công ty trên thế giới có thể sản xuất máy in cần thiết để sản xuất chất bán dẫn cao cấp, vốn đang là tâm điểm trong cuộc chiến công nghệ ngày càng leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc.

Theo ba quan chức trực tiếp tham gia vào các cuộc thảo luận, Mỹ đã dành nhiều tháng để thuyết phục Hà Lan về sự cần thiết phải có một đường lối chính trị mạnh mẽ đối với Trung Quốc. Washington đã lôi kéo quốc gia Bắc Âu này bằng cách mời Hà Lan đăng cai tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh về Dân chủ năm nay, một sự kiện thường niên do Nhà Trắng khởi xướng nhằm thúc đẩy các giá trị dân chủ trên toàn thế giới.

Politico dẫn nguồn tin từ những người liên quan đến vấn đề này cho biết Chính phủ Hà Lan hiện sẽ làm việc về các chi tiết pháp lý cụ thể để thực hiện thỏa thuận, nhưng bất kỳ lệnh cấm xuất khẩu nào cũng có thể mất vài tháng để có hiệu lực. Thỏa thuận mới dự kiến sẽ ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa Hà Lan và các nước khác thuộc EU, vì nó sẽ tạo ra một chế độ kiểm soát xuất khẩu song song giữa Mỹ, Hà Lan và các nước khác, thách thức quan điểm chung của EU đối với Trung Quốc.

Thắng lợi lớn với Washington

Việc đạt được thỏa thuận đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong nỗ lực của Mỹ nhằm hợp tác với các đồng minh để cản trở tham vọng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc. Thỏa thuận trên được coi là một thắng lợi lớn với Washington trong nỗ lực ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc với tư cách là một siêu cường công nghệ.
Nhật Bản và Hà Lan là nơi đặt trụ sở của các nhà cung cấp thiết bị sản xuất chất bán dẫn chính. Trong khi đó, Mỹ là nơi đặt trụ sở các nhà sản xuất thiết bị chip lớn nhất. Các nhà phân tích cho biết nếu không tiếp cận được sản phẩm của những công ty Mỹ như Applied Materials, Lam Research hay KLA, các công ty Trung Quốc sẽ gần như không thể xây dựng dây chuyền sản xuất có khả năng sản xuất chip tiên tiến.

Fiona Lim - chiến lược gia ngoại hối tại Malayan Banking Berhard ở Singapore - nhận định, việc Nhật Bản, Hà Lan gia nhập liên minh hạn chế xuất khẩu công nghệ sản xuất chip sang Trung Quốc khiến cho bước leo thang tiếp theo trong cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung có sức nặng hơn một chút và có thể khiến đồng Nhân dân tệ yếu hơn trong thời gian tới.

AN BÌNH