Mỹ không kích Iraq- lợi bất cập hại?
(Cadn.com.vn) - Chiến dịch không kích Iraq - lần đầu tiên kể từ khi Mỹ rút quân khỏi chiến trường này năm 2011- của Tổng thống Mỹ Barack Obama nhằm chống lại các cuộc không kích chống lại Nhà nước Hồi giáo (IS) ở miền bắc Iraq, đã diễn ra hơn 10 ngày.
Bên cạnh việc ngăn chặn nạn diệt chủng, mục đích các cuộc không kích là đánh bại IS tại Iraq. Ông Obama cho biết, các cuộc không kích có thể kéo dài trong nhiều tháng. Nhưng giới phân tích cho rằng, các cuộc không kích có thể giúp IS mạnh hơn và trở thành một mối đe dọa lớn hơn đối với phương Tây.
IS dọa "tắm máu" nước Mỹ
Ngày 19-8, IS - hiện đang chiếm đóng nhiều khu vực rộng lớn của Iraq - cảnh báo sẽ tấn công người Mỹ "ở bất cứ nơi nào" nếu các cuộc không kích đánh trúng các thành viên của nhóm này. Reuters dẫn đoạn băng của IS, trong đó có hình ảnh một người Mỹ bị chặt đầu vào thời điểm Washington còn chiếm đóng Iraq và những nạn nhân của các tay súng bắn tỉa, còn kèm theo 1 tuyên bố bằng tiếng Anh nói rằng: "Chúng ta sẽ nhấn chìm tất cả các ngươi trong biển máu".
IS và Al-Qaeda lâu nay vẫn tranh cãi về việc nên nhắm mục tiêu gần hay xa. Ngay cả trong mục tiêu cuối cùng là tìm cách lập vương quốc Hồi giáo (Caliphate), cả hai cũng nhận thức khác nhau về con đường tốt nhất để đạt được mục tiêu đó. Al-Qaeda cho rằng, để thiết lập Caliphate, trước tiên phải đẩy được Mỹ ra khỏi Trung Đông. Do đó, Washington luôn là mục tiêu trong các cuộc tấn công. Khác với Al-Qaeda, IS cho đến nay chỉ tập trung vào chiếm đất tại Iraq và Syria để thành lập Caliphate, và chưa có cuộc tấn công đáng kể nào vào các mục tiêu phương Tây.
Tuy nhiên, theo giới phân tích, các cuộc không kích kéo dài của Mỹ dọa thay đổi những tính toán của IS, biến nó trở thành "nguồn cảm hứng" cho các vụ tấn công khủng bố lấy từ IS chống lại phương Tây. Một điều đáng quan ngại là một số lượng lớn người phương Tây đã đến Trung Đông để gia nhập chiến đấu với IS ở Syria và Iraq. Nhưng, với việc Mỹ đang trực tiếp chiến đấu với IS ở Iraq, các chiến binh thánh chiến phương Tây có thể chuyển sang tấn công Mỹ hoặc các mục tiêu phương Tây ngay trong nước.
Các cuộc không kích của Mỹ có khả năng giúp ISIS mạnh hơn. Ảnh: Diplomat |
Tăng thêm sức mạnh
Bên cạnh việc gây ra mối đe dọa các cuộc tấn công khủng bố trong nước, các cuộc không kích kéo dài của Mỹ chống lại ISIS đe dọa sẽ tăng thêm sức mạnh cho nhóm này cả trong khu vực và tại Iraq.
Mặc dù phải vất vả chống đối sau khi Mỹ đem quân đến Afghanistan vào năm 2001, các chuyên gia chống khủng bố đều nhận định, Al-Qaeda là lực lượng gần hoàn toàn mới vào cuối năm 2002. Khi Nhà Trắng xâm lược Iraq vào năm 2003, hàng ngàn thanh niên Sunni trên khắp thế giới Arab gia nhập Al-Qaeda để bảo vệ cuộc thánh chiến truyền thống.
Cuộc không kích lần này không có khả năng tác động lớn như lần Mỹ xâm lược và chiếm đóng Iraq trước đây, song vẫn tạo ấn tượng trong tâm trí của nhiều người Sunni rằng, Mỹ đang cùng với người Shiite trong khu vực áp đảo người Sunni. Điều này giúp IS tự xưng là đội tiên phong chiến đấu để bảo vệ khu vực từ những kẻ ngoại đạo phương Tây. Trong một khu vực mà Mỹ hoàn toàn không được yêu thích, điều này có thể là một lợi ích rất lớn cho việc tuyển dụng của IS.
Cuộc không kích của Mỹ chống lại IS loại bỏ con đường ngắn nhất hướng tới việc loại trừ IS ở Iraq. Nếu các bộ lạc người Sunni nổi dậy chống lại IS, nhóm này có khả năng đấu tranh để duy trì vị thế trong nước.
Các cuộc không kích của Lầu Năm Góc mở rộng đến các khu vực của người Sunni. Mỹ hoàn toàn không thể phân biệt giữa các chiến binh IS và các tay súng chiến đấu người Sunni. Kết quả là, nhiều người Sunni bị thiệt mạng oan uổng trong các cuộc tấn công. Điều này khiến họ càng trở nên thù địch Mỹ hơn.
Nhưng nhiều nhà phân tích lại cho rằng, việc Mỹ không kích là hoàn toàn đúng thời điểm nhằm giúp chính quyền Iraq dần dần giành lại những khu vực bị IS chiếm đóng.
An Bình
(Theo Diplomat)