Mỹ lần đầu tiên tạm dừng chuyển vũ khí cho Israel

Thứ ba, 07/05/2024 09:27
Theo truyền thông Mỹ, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tạm dừng vận chuyển một lô đạn dược cho Israel trong tuần trước. Đây là lần đầu tiên Mỹ dừng chuyển vũ khí cho Israel kể từ khi xung đột giữa quân đội nước này và Phong trào Hồi giáo Hamas nổ ra ngày 7-10-2023.
Trẻ em xếp hàng nhận lương thực viện trợ từ một tổ chức từ thiện ở Rafah ngày 3-5. Ảnh: Getty
Trẻ em xếp hàng nhận lương thực viện trợ từ một tổ chức từ thiện ở Rafah ngày 3-5. Ảnh: Getty

Theo trang tin Axios đưa tin ngày 5-5, Mỹ đã đột ngột dừng lô hàng đạn dược do Mỹ sản xuất dự kiến chuyển tới Israel vào tuần trước theo kế hoạch. Khi được hỏi về lô hàng bị tạm dừng, người phát ngôn của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ đã nhấn mạnh tới việc Washington hỗ trợ an ninh liên tục cho Israel. Theo đó, Mỹ đã hỗ trợ an ninh trị giá hàng tỷ USD cho Israel kể từ khi xảy ra xung đột Hamas-Israel leo thang và bổ sung viện trợ khẩn cấp lớn nhất từ trước đến nay cho Israel.

Đến nay, giới chức Mỹ vẫn khẳng định không có sự thay đổi trong chính sách đối với Israel. Tháng trước, Tổng thống Joe Biden đã ký một dự luật viện trợ nước ngoài, trong đó có 26 tỷ USD cho tình hình tại Dải Gaza, gồm 15 tỷ USD viện trợ quân sự cho Israel, 9 tỷ USD viện trợ nhân đạo cho người dân Gaza và 2,4 tỷ USD cho các hoạt động quân sự của Mỹ trong khu vực.

Việc vận chuyển vũ khí của Mỹ cho Israel gặp gián đoạn trong bối cảnh chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đang ngày càng chỉ trích cuộc chiến tại Dải Gaza. Trước đó, kể từ cuộc tập kích xuyên biên giới của Hamas vào Israel khiến khoảng 1.200 người thiệt mạng và 250 người khác bị bắt làm con tin, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã phát động một chiến dịch tấn công trên bộ, tuyên chiến với Hamas. Cuộc trả đũa kéo dài 7 tháng đã đẩy số người chết tại vùng đất này lên tới 35.000 người và khiến những người Palestine rơi vào một cuộc khủng hoảng nhân đạo trầm trọng.

Các quan chức Mỹ vẫn quan ngại việc Israel có thể tiến hành chiến dịch quân sự tại Rafah, nơi hơn một triệu người Palestine đang trú ẩn. Tổng thống Biden từng cảnh báo tấn công thành phố Rafah - nơi trú ẩn của hơn 1 triệu người tị nạn Palestine - sẽ là "lằn ranh đỏ" đối với Washington và công khai chỉ trích quân đội của ông Netanyahu ném bom bừa bãi vào Gaza. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đã trừng phạt những người Israel định cư ở Bờ Tây, trong khi Mỹ bỏ phiếu trắng trong cuộc bỏ phiếu của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc hồi tháng 3 cho phép thông qua biện pháp yêu cầu ngừng bắn ngay lập tức giữa Israel và Hamas.

Mỹ đang tham gia hàng loạt cuộc đàm phán liên quan việc ngừng bắn và thỏa thuận trao đổi con tin trong cuộc xung đột giữa Israel và Hamas. Cuối tuần qua, Israel và Hamas vẫn đổ lỗi cho nhau về những quan điểm cực đoan khiến các cuộc đối thoại về ngừng bắn bị đình trệ, dù vòng đàm phán mới nhất tại Cairo (Ai Cập) đã đem lại một số tín hiệu lạc quan.

Tuy nhiên, bất chấp sự thay đổi trong quan điểm, Mỹ vẫn duy trì dòng vũ khí và đạn dược đến Israel. Kể từ ngày 7-10-2023, Mỹ được cho là đã phê duyệt hơn 100 lần chuyển giao vũ khí cho Tel Aviv. Chi tiết của những lần chuyển giao vũ khí này thường không được công khai. Trong hơn 100 chuyến, chỉ có 2 chuyến giá trị vũ khí chuyển giao vượt quá 250 triệu USD. Tháng trước, Washington cũng đã thông qua nhưng gói hàng viện trợ lớn, bao gồm hơn 1.800 quả bom MK84, 500 quả bom MK82 và hơn 1.000 đạn có đường kính nhỏ.

Trong khi đó, quân đội Israel ngày 6-5 kêu gọi người Palestine ở phía Đông thành phố Rafah di chuyển đến "khu vực nhân đạo" gần đó. Đây dường như là dấu hiệu bắt đầu cuộc sơ tán lớn trước khi quân đội Israel mở cuộc tấn công trên bộ vào thành phố phía Nam Gaza. Tuyên bố của quân đội Israel cho hay sẽ sử dụng áp phích, tin nhắn văn bản, điện thoại và thông báo trên phương tiện truyền thông để yêu cầu người dân Palestine dần dần di tản khỏi các khu vực được chỉ định.

Thủ tướng Benjamin Netanyahu ngày 25-4 đã phê duyệt kế hoạch triển khai chiến dịch trên bộ ở Rafah nhưng chưa cho phép quân đội hành động. Rafah hiện là nơi ẩn náu cuối cùng của hơn 1,4 triệu người Palestine sau khi họ phải rời bỏ phía Bắc và trung tâm Dải Gaza do xung đột giữa Israel và Hamas leo thang trong 6 tháng qua. Cộng đồng quốc tế đã cảnh báo về những hệ lụy khôn lường của cuộc tấn công vào Rafah, kêu gọi Israel hành động trách nhiệm và tuân thủ luật pháp quốc tế.

AN BÌNH

OIC kêu gọi áp đặt trừng phạt Israel

Ngày 5-5, Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) đã kêu gọi 57 quốc gia thành viên áp đặt trừng phạt đối với Israel liên quan đến chiến dịch quân sự của nước này tại Dải Gaza. Theo nghị quyết được thông qua cùng ngày tại Hội nghị thượng đỉnh OIC diễn ra ở Gambia, tổ chức này kêu gọi các nước thành viên gây áp lực ngoại giao, chính trị, pháp lý và thực hiện bất kỳ biện pháp răn đe nào nhằm ngăn chặn hành động của Israel, trong đó có cả việc áp đặt các biện pháp trừng phạt cũng như ngăn chặn việc xuất khẩu vũ khí và đạn dược mà quân đội Israel sử dụng tại Gaza. Nghị quyết cũng kêu gọi một lệnh ngừng bắn ngay lập tức, lâu dài và vô điều kiện.