Mỹ lo sợ làn sóng Covid-19 thứ 2
Trong khi nước Mỹ vẫn đang gồng mình chống chọi với số ca mắc và tử vong do Covid-19 tăng mạnh mỗi ngày, đã có những lo sợ về làn sóng đại dịch thứ 2 với nguy cơ tàn phá khủng khiếp hơn nữa.
Các y tá làm việc tại Bệnh viện Providence Saint John, ở California, Mỹ và những người ủng hộ biểu tình đòi thiết bị bảo hộ tốt hơn. Ảnh: AFP |
LHQ cũng đã có những cảnh báo mới nhất về thảm họa này, cho rằng, thế giới đang đối mặt với “thảm họa nhân đạo”. Chuông báo động của LHQ đưa ra trong bối cảnh Covid-19 đã giết chết 177.000 người và lây nhiễm cho hơn 2,5 triệu người - cũng như gây thiệt hại to lớn cho kinh tế toàn cầu. Với hơn một nửa dân số thế giới đang phải ở trong nhà, các doanh nghiệp đóng cửa và hàng triệu việc làm bị mất, thế giới đang phải đối mặt với suy thoái kinh tế tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại suy thoái của những năm 1930. Thậm chí, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nhận định, đại dịch Covid-19 là rất nghiêm trọng, đủ để gọi là “Chiến tranh Thế giới thứ III”.
Hơn 2.800 ca tử vong trong 24 giờ qua
Theo số liệu thống kê mới nhất của trang mạng worldometers.info, tính đến sáng 22-4 (giờ Việt Nam), Mỹ ghi nhận tổng cộng 819.805 ca mắc Covid-19, trong đó có tổng cộng 45.318 ca tử vong, với 2.804 ca mới ghi nhận trong 24 giờ qua.
Trước tình hình này, Tổng thống Donald Trump tuyên bố tạm ngừng cho phép nhập cư vào Mỹ và biện pháp này sẽ có hiệu lực trong 60 ngày, sau đó sẽ được cân nhắc lại. Tổng thống Trump và chính quyền của ông sẽ xem xét các biện pháp bổ sung liên quan tới vấn đề nhập cư nhằm “bảo vệ người lao động Mỹ”. Phát biểu tại cuộc họp báo về đại dịch, Tổng thống Trump nói: “Khi chúng ta tiếp bước, chúng ta sẽ bảo vệ họ nhiều hơn. Việc tạm ngừng cho phép nhập cư mới cũng sẽ giữ được nguồn lực y tế quan trọng cho công dân Mỹ”. Ông Trump cho biết có thể ký sắc lệnh về nhập cư vào ngày 22-4 (giờ Mỹ).
Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, những nỗ lực của ông chủ Nhà Trắng sẽ không đủ để giúp kiểm soát tình hình nếu lệnh phong tỏa được nới lỏng tại các bang ở Mỹ. Thậm chí, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) Robert Redfield ngày 22-4 nhận định, đợt bùng phát thứ 2 của dịch bệnh tại nước này thậm chí còn gây hậu quả tàn phá nghiêm trọng hơn vì nó có thể sẽ trùng với thời điểm bắt đầu mùa cúm. Ông Robert Redfield - một trong những quan chức y tế hàng đầu của Mỹ - kêu gọi người dân chuẩn bị cho những tháng sắp tới và đi tiêm phòng cúm. Tờ Washington Post đăng tải bài phỏng vấn ông Redfield, trong đó Giám đốc CDC cảnh báo: “Nhiều khả năng đợt tấn công vào mùa Đông tới của virus SARS-CoV-2 thậm chí còn gây khó khăn hơn nhiều so với những gì chúng ta đã trải qua. Nếu hai căn bệnh này lên đến đỉnh điểm cùng một lúc, nó có thể thực sự, thực sự, thực gây khó khăn lớn cho các hệ thống y tế”.
Vẫn tranh cãi việc mở cửa trở lại
Cho dù số ca mắc mới cũng như số ca tử vong không ngừng gia tăng đáng lo ngại, giới chức Mỹ đang tính đến việc mở cửa trở lại.
Một cuộc tranh cãi nảy lửa đang xảy ra về việc liệu đã đến lúc các thống đốc dỡ bỏ lệnh phong tỏa hay chưa, nhằm ngăn chặn sự lây lan của Covid-19. Điều này càng làm nổi bật mối bất hòa giữa chính quyền liên bang và Nhà Trắng, vốn được thúc đẩy bởi chính trị bùng nổ và chính trị đảng phái. Người biểu tình, với một số người có vũ trang, đã xuống đường ở một số bang trên khắp nước Mỹ trong tuần trước, kêu gọi các thống đốc dỡ bỏ phong tỏa bất chấp những lo ngại rằng có thể vẫn còn sớm để làm như vậy. Tổng thống Trump cũng lên Twitter ủng hộ người biểu tình, kêu gọi “giải phóng” nhiều bang, bao gồm Michigan và Virginia, tuyên bố, ông cảm thấy một số lệnh phong tỏa ở các bang là “quá khó khăn”. Thống đốc Washington Jay Inslee, phát biểu trên chương trình truyền hình “This Week” của ABC, nói rằng, các tuyên bố này của ông Trump đang khuyến khích “mọi người vi phạm luật pháp”. “Thật nguy hiểm vì nó có thể truyền cảm hứng cho mọi người bỏ qua những thứ thực sự có thể cứu sống họ”, ông Jay Inslee nói.
Tranh cãi bùng nổ chỉ vài ngày sau khi Nhà Trắng ban hành các hướng dẫn về việc mở cửa trở lại, trong đó có khuyến nghị cách tiếp cận 3 giai đoạn, vì chính quyền đã rất muốn đưa nền kinh tế của quốc gia trở lại đúng hướng. Thống đốc bang Ohio Mike DeWine, đảng Cộng hòa, đã tuyên bố sẽ mở cửa trở lại vào ngày 1-5. Trong một cuộc phỏng vấn trên chương trình “Gặp gỡ báo chí” của NBC, ông DeWine đã giải thích quyết định sẽ đưa Ohio trở thành một trong những bang sớm nhất “kết thúc đặt hàng tại nhà”. Trong khi đó, tại New York – nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất, với hơn 242.000 ca nhiễm và gần 20.000 người chết, Thống đốc Andrew Cuomo cho biết “cần phải cẩn trọng nếu không sẽ xảy ra điều tồi tệ nhất”.
Trong cuộc thăm dò mới nhất, gần 60% cử tri Mỹ nói rằng, họ lo việc nới lỏng các hạn chế sẽ gây nguy hiểm hơn.
Bang đầu tiên ở Mỹ khởi kiện Trung Quốc
Trong khi tình hình ở trong nước ngày càng tồi tệ, Mỹ gia tăng chiến lược đổ lỗi. Sau khi rút tiền tài trợ cho WHO, ngày 22-4, Missouri đã trở thành bang đầu tiên ở Mỹ đâm đơn kiện Trung Quốc về phản ứng của nước này đối với đại dịch, vốn có nguồn gốc từ Vũ Hán và từ đó đã làm lây nhiễm hơn 2,5 triệu người trên toàn thế giới.
Tổng chưởng lý Missouri, ông Eric Schmitt nêu rõ: “Đại dịch Covid-19 đã gây thiệt hại không thể khắc phục cho các quốc gia trên toàn cầu, gây ra tình trạng bệnh tật, tử vong, đình trệ kinh tế và sự đau khổ đối với người dân thế giới. Chính phủ Trung Quốc đã lừa gạt thế giới về mức độ nguy hiểm và tính truyền nhiễm của dịch Covid-19, và không làm gì để ngăn chặn sự lây lan của căn bệnh chết người này ngay từ giai đoạn đầu. Trung Quốc phải chịu trách nhiệm cho cách hành xử của mình”. Đơn kiện cáo buộc chính quyền Trung Quốc “lừa dối công chúng, không công bố thông tin quan trọng, bắt giữ người tố giác, phủ nhận thực tế lây truyền virus từ người sang người, tiêu hủy tài liệu nghiên cứu y tế, để cho hàng triệu người nhiễm virus... do đó dẫn đến đại dịch toàn cầu mà đáng ra có thể ngăn chặn được”.
Bên nguyên đơn cũng yêu cầu Trung Quốc phải bồi thường cho việc “phá hoại trật tự công cộng” cũng như “có những hành vi cực kỳ nguy hiểm” và “không thực hiện cam kết”, nhưng không nêu chính xác số tiền đòi bồi thường.
KHẢ ANH