Mỹ thông báo mức thuế đối ứng mới với 14 nước
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 7-7 tuyên bố ít nhất 14 quốc gia sẽ phải đối mặt với các mức thuế quan cao đối với hàng nhập khẩu vào nền kinh tế lớn nhất thế giới, bắt đầu từ 1-8.

Trong một loạt bài đăng trên mạng xã hội Truth Social, ông Trump đã chia sẻ ảnh chụp màn hình các mẫu thư gửi đến lãnh đạo các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Kazakhstan, Nam Phi, Lào và Myanmar để thông báo về mức thuế quan mới. Cuối ngày 7-7, nhà lãnh đạo Mỹ tiếp tục công bố một loạt 7 bức thư khác gửi đến lãnh đạo Bosnia & Herzegovina, Tunisia, Indonesia, Bangladesh, Serbia, Campuchia và Thái Lan.
Theo nội dung các bức thư mà Tổng thống Trump đăng tải, hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Kazakhstan và Tunisia sẽ phải chịu mức thuế 25%. Hàng hóa nhập khẩu từ Nam Phi và Bosnia & Herzegovina sẽ bị đánh thuế 30%, trong khi hàng hóa từ Indonesia sẽ chịu thuế 32%. Bangladesh và Serbia đều sẽ bị áp mức thuế 35%, còn Campuchia và Thái Lan là 36%. Hàng nhập khẩu từ Lào và Myanmar sẽ phải đối mặt với mức thuế 40%.
Các bức thư do ông Trump ký nhấn mạnh Mỹ "có thể" cân nhắc điều chỉnh các mức thuế mới nêu trên. Đây là những bức thư đầu tiên được gửi đi trước ngày 9-7, thời điểm các mức thuế quan "đối ứng" mà nhà lãnh đạo Mỹ từng công bố hồi đầu tháng 4 dự kiến sẽ quay trở lại mức cao hơn. Tất cả các bức thư đều nhấn mạnh các mức thuế chung này tách biệt với các mức thuế bổ sung theo ngành đối với các mặt hàng chiến lược. Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt cho biết sẽ có thêm nhiều bức thư được gửi đi trong những ngày tới.
Trong các bức thư, Tổng thống Trump nhấn mạnh mối quan ngại đặc biệt của ông về thâm hụt thương mại mà Mỹ phải chịu với các quốc gia này, tức là Mỹ nhập khẩu nhiều hàng hóa hơn so với lượng xuất khẩu. Ông cũng cho biết các mức thuế quan sẽ được áp dụng để đáp trả các chính sách mà ông cho là đang cản trở hàng hóa của Mỹ được bán ra nước ngoài. Tổng thống Trump cũng khuyến khích các nhà lãnh đạo nước ngoài triển khai sản xuất hàng hóa tại Mỹ để tránh thuế quan. Đáng chú ý, trong tất cả 14 lá thư, ông Trump đe dọa sẽ tăng thuế thậm chí còn cao hơn mức đã nêu nếu một quốc gia trả đũa Mỹ bằng mức thuế riêng của họ.
Theo kênh CNN, động thái thông báo về việc áp dụng các mức thuế quan mới cho thấy một sự gia tăng áp lực đáng kể đối với các đối tác thương mại của Mỹ. Tuy nhiên, cùng với đó, ông Trump cũng "hạ nhiệt" căng thẳng bằng việc ký một sắc lệnh hành pháp hoãn thời hạn áp thuế từ ngày 9-7 sang ngày 1-8, áp dụng cho tất cả các mức thuế quan "có đi có lại". Điều này mang lại một khoảng lặng quý giá cho các quốc gia bị ảnh hưởng để tìm kiếm giải pháp ngoại giao. Trả lời báo giới khi được hỏi liệu đã chắc về thời hạn áp thuế mới vào ngày 1-8 tới hay chưa, ông Trump đáp: "Tôi cho là chắc chắn, nhưng không hoàn toàn 100%. Nếu các đối tác gọi điện bày tỏ mong muốn làm theo cách khác, chúng tôi sẵn sàng cân nhắc".
Phản ứng từ các nước
Hàn Quốc cam kết sẽ sửa đổi các quy tắc, quy định để đáp ứng yêu cầu của Mỹ, đồng thời đẩy nhanh các cuộc đàm phán để đạt được một thỏa thuận có lợi cho cả hai bên.
Theo tờ Japan Times, Hàn Quốc cho biết họ sẽ sửa đổi các quy tắc và quy định để đáp ứng yêu cầu của Mỹ về việc hạ thấp các rào cản phi thuế quan sau khi Tổng thống Donald Trump gửi thư cho đồng minh châu Á này thông báo áp mức thuế 25% từ ngày 1-8. "Chúng tôi coi lá thư này là sự gia hạn thực tế cho thời gian ân hạn để áp dụng thuế quan đối ứng cho đến ngày 1-8", Bộ Công nghiệp Hàn Quốc cho biết trong một tuyên bố ngày 8-7, đồng thời cam kết sẽ đẩy nhanh các cuộc đàm phán để đạt được một thỏa thuận có lợi cho cả hai bên.
Các cuộc đàm phán của Hàn Quốc với Mỹ đã bị cản trở bởi những bất ổn trong nước sau nỗ lực áp đặt thiết quân luật của cựu Tổng thống Yoon Suk Yeol. Chính quyền của Tổng thống mới nhậm chức Lee Jae Myung hiện đang phải chạy đua với thời gian khi Hàn Quốc cùng nhiều quốc gia phải đối mặt với áp lực từ Mỹ về ký kết các thỏa thuận. Mỹ và Hàn Quốc hiện có hiệp định thương mại tự do (FTA) và hiệp định này hầu như không áp thuế đối với hàng nhập khẩu từ Mỹ.
Về phía Nhật Bản, Thủ tướng Shigeru Ishiba cho biết Nhật Bản sẽ tiếp tục đàm phán với Mỹ nhằm tìm kiếm một thỏa thuận thương mại song phương có lợi cho cả hai nước. Ông Ishiba nhấn mạnh, việc Tổng thống Trump bất ngờ công bố mức thuế 25% áp lên Nhật Bản là "rất đáng tiếc". Thủ tướng Ishiba cho biết, các cuộc đàm phán thời gian qua vẫn chưa đạt được thỏa thuận mới vì "Nhật Bản không thể dễ dàng nhượng bộ". Trong cuộc họp với các bộ trưởng nội các sáng 8-7, ông Ishiba thông báo Tokyo đã nhận được đề xuất từ phía Mỹ về việc tiếp tục các cuộc thảo luận thương mại cho đến hạn chót mới là ngày 1-8.
Bà Wendy Cutler, phó chủ tịch Asia Society Policy Institute và là cựu phó trưởng đoàn đàm phán thương mại Mỹ, cho biết thật "đáng tiếc" khi Washington công bố mức thuế 25% với hai đồng minh thân cận ở châu Á và điều này gửi đi một "thông điệp lạnh lùng" đến các đối tác khác. Mặt khác, bà nhấn mạnh: "Dù tin tức này đáng thất vọng, nhưng không có nghĩa là mọi chuyện đã kết thúc. Chúng ta không thể loại trừ khả năng đạt đột phá trong đàm phán trước ngày 1-8, thời điểm mức thuế bổ sung sẽ có hiệu lực", bà Cutler nói.
Đối với Thái Lan, Bộ trưởng Tài chính Pichai Chunhavajira ngày 8-7 bày tỏ bất ngờ trước quyết định của Mỹ áp mức thuế quan 36% đối với hàng hóa Thái Lan, bất chấp những nỗ lực đàm phán vào phút chót giữa hai bên. Phát biểu trên kênh truyền hình Channel 3, Bộ trưởng Pichai cho biết một đề xuất thương mại sửa đổi từ phía Thái Lan vẫn chưa được phía Mỹ phản hồi. Tuy nhiên, ông bày tỏ lạc quan rằng mức thuế cao hiện tại sẽ được điều chỉnh giảm sau các cuộc trao đổi tiếp theo. "Tôi hy vọng các cuộc đàm phán sẽ được hoàn tất trước ngày 1-8", ông nói. Tuần trước, Bộ trưởng Pichai cũng đã dẫn đầu một phái đoàn tới Mỹ để đàm phán. Kết thúc chuyến đi, ông Pichai Chunhavajira cho biết nước này vẫn chưa hoàn tất đàm phán với Mỹ về thuế đối ứng, song đã có được những thông tin giá trị để định hướng soạn thảo đề xuất sửa đổi. Trưởng đoàn đàm phán Thái Lan khẳng định lập trường kiên định của Bangkok là thỏa thuận cuối cùng phải thực tế, bền vững và đôi bên cùng có lợi.
Phản hồi về thư thông báo thuế của Mỹ, Văn phòng Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đã đặt câu hỏi về số liệu thương mại của phía Mỹ và cho biết đang chờ thêm thông tin trước khi có thể tiếp tục đàm phán. Theo Văn phòng Tổng thống Nam Phi, mức thuế đối ứng 30% "không phản ánh chính xác các dữ liệu thương mại hiện có". Nam Phi "sẽ tiếp tục các nỗ lực ngoại giao hướng tới một mối quan hệ thương mại cân bằng và cùng có lợi hơn với Mỹ". Thông cáo cho biết thêm, Tổng thống Ramaphosa đã chỉ thị đoàn đàm phán của nước này nhanh chóng trao đổi với Mỹ dựa trên Thỏa thuận Khung mà Nam Phi đã đệ trình vào ngày 20-5.
Trong khi đó, phản ứng có phần gay gắt hơn, phát biểu tại hội nghị các nước BRICS diễn ra ở Rio de Janeiro ngày 7-7, Tổng thống Brazil Lula da Silva cho rằng thế giới cần tìm cách để các mối quan hệ thương mại không bị phụ thuộc vào đồng USD.
AN BÌNH