Mỹ Thuật Đông Dương - lần đầu tiên đến với công chúng Đà Nẵng
Không gian mỹ thuật của triển lãm được bố trí, sắp xếp thành 5 cụm chính, trong đó 4 cụm giới thiệu tác phẩm của các nhóm giảng viên - sinh viên theo những bộ môn chính: dessin (Nguyễn Nam Sơn, Tô Ngọc Vân, Lương Xuân Nhị), sơn dầu (Josept Inguimberty, Trịnh Hữu Ngọc), sơn mài (Alix Aymé, Phạm Hầu) và nhóm đa phương tiện gồm gỗ, lụa và sơn dầu (Trần Văn Cẩn, Nguyễn Tường Lân, Tôn Thất Đào, Hoàng Tích Chu). Cụm thứ 5 là ốc đảo ở giữa phòng, giới thiệu nhóm họa sĩ di cư sang Pháp nhưng vẫn thực hành từ xa với lụa, sơn dầu và điêu khắc (Lê Phổ, Vũ Cao Đàm, Jean Volang)...
Sự xuất hiện Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Đương của 100 năm trước được xem là một cột mốc quan trọng, là điểm khởi nguồn cho mỹ thuật hiện đại Việt Nam mang giá trị của "định vị nghệ thuật Việt trong dòng chảy lịch sử mỹ thuật khu vực và quốc tế". Ngôi trường đã sản sinh những tên tuổi lớn trong nền mỹ thuật Việt Nam như Nguyễn Nam Sơn, Nguyễn Phan Chánh, Tô Ngọc Vân, Lê Phổ, Trần Văn Cẩn…, đặc biệt thế hệ họa sĩ sau này với bộ tứ tài hoa Nghiêm -Liên - Sáng - Phái (Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái)… Mặc dầu trong 20 hoạt động, trường đã sử dụng giáo trình hội họa phương Tây nhưng tập thể thầy và trò của trường "trong thực tế đã sản xuất ra một phiên bản Đông phương hóa nghệ thuật Việt Nam, các đường nét căn bản mang tính chất Đông phương…" (Nora Taylor).
Ban tổ chức cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, hầu hết các sự kiện lớn của mỹ thuật Đông Dương lớn đều diễn ra tại 2 đầu cầu đất nước Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Vì thế, với sự chuẩn bị công phu, nghiêm túc, chuyên nghiệp đầy trách nhiệm của đội ngũ chuyên gia hàng đầu trong nước, Ban tổ chức hy vọng "Trong ngọc trắng ngà" lần đầu tiên được tổ chức tại Đà Nẵng sẽ là một sự kiện văn hóa nghệ thuật đặc biệt, hứa hẹn đem đến một làn gió mới tới cộng đồng yêu nghệ thuật Đà Nẵng.
Triển lãm kéo dài đến ngày 7-1-2024.
Hồ Sĩ Bình