Mỹ - Trung tiếp tục căng thẳng

Thứ bảy, 12/12/2020 10:40

Trung Quốc hôm 10-12 thông báo sẽ trừng phạt các quan chức Mỹ đã "cư xử tệ" về vấn đề Hồng Kông, đáp trả động thái trước đó của Washington.

Mỹ- Trung lại tiếp tục trừng phạt lẫn nhau.

Đáp trả của Bắc Kinh

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết nước này sẽ áp lệnh trừng phạt với "quan chức hành pháp, nghị sĩ quốc hội và nhân viên tổ chức phi chính phủ Mỹ có hoạt động không tốt trong các vấn đề liên quan đến Hồng Kông". Tuy nhiên người phát ngôn Trung Quốc không nói rõ những cá nhân nào bị trừng phạt hoặc khi nào biện pháp này sẽ được áp dụng. Bà Hoa thêm rằng thành viên gia đình của những người chịu lệnh trừng phạt cũng sẽ bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, chính phủ Trung Quốc còn quyết định hủy chế độ miễn visa đối với người sở hữu hộ chiếu ngoại giao Mỹ tới thăm Hồng Kông và Macau ngắn ngày.

Theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đây là động thái đáp trả rõ ràng nhất của Trung Quốc nhằm đáp trả việc Mỹ sử dụng các vấn đề liên quan Hồng Kông để can thiệp nghiêm trọng tới công việc nội bộ của nước này. Bà Hoa cũng kêu gọi Washington "ngừng lấn sâu vào con đường sai lầm và nguy hiểm".

Hôm 7-12, Mỹ thông báo trừng phạt tài chính và cấm đi lại với 14 quan chức Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc vì các hoạt động của họ liên quan đặc khu hành chính Hồng Kông, gồm vai trò trong vụ bãi nhiệm các nghị sĩ đối lập Hồng Kông vào tháng trước. "Những hành động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc tước đi năng lực của dân chúng Hồng Kông trong việc lựa chọn các đại biểu phù hợp với Tuyên bố chung Trung - Anh và Luật cơ bản. Những hành động này một lần nữa cho thấy Bắc Kinh hoàn toàn coi thường các cam kết quốc tế của họ theo Tuyên bố chung Trung - Anh", thông cáo báo chí của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cáo buộc vào ngày 7-12.

Hôm 5-12, theo thông báo đăng trên website Bộ Ngoại giao Mỹ, cơ quan này sẽ hạn chế thị thực đối với các quan chức và cá nhân thuộc Ban Công tác mặt trận thống nhất của Trung Quốc “liên quan hoạt động sử dụng bạo lực, đe dọa, đánh cắp và công bố thông tin cá nhân, gián điệp, phá hoại hay can thiệp chính trị nội bộ”. Cơ quan này bị cáo buộc tài trợ và ủng hộ các tổ chức ở hải ngoại để mở rộng tuyên truyền, cưỡng ép những người phản đối chính sách của Bắc Kinh, gồm giới học giả, doanh nhân, cộng đồng thiểu số...

Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Mỹ chấm dứt 5 chương trình trao đổi văn hóa, giáo dục với Trung Quốc vì không mang lại lợi ích cho hai bên. Các chương trình được thiết lập theo Đạo luật trao đổi văn hóa và giáo dục chung (MECEA) của Mỹ. Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, các chương trình bị hủy bỏ đều do chính phủ Trung Quốc tài trợ và vận hành như “công cụ tuyên truyền quyền lực mềm”.

Bà Hoa Xuân Oánh hôm 8-12 đã gọi động thái của Mỹ là "điên rồ, hèn hạ", kêu gọi nước này phải rút lại quyết định trừng phạt và tuyên bố sẽ đáp trả mạnh mẽ.

Ngoài ra, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng chỉ trích việc Mỹ trừng phạt ông Wan Kuok Koi, trùm băng đảng khét tiếng 14K Hội Tam hoàng, là hành động "ti tiện" và thừa cơ để "bôi nhọ Trung Quốc". Theo bà Hoa, ông Wan không phải là thành viên Hội nghị Hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc.

Trước đó, Bộ Tài chính Mỹ cho biết bộ này trừng phạt ông Wan, với biệt danh "Răng Gãy", và băng 14K Hội Tam Hoàng có liên quan đến buôn lậu ma túy, cờ bạc bất hợp pháp, gian lận, buôn người và các hoạt động tội phạm khác.

Mỹ đưa máy bay qua “vùng nhận diện phòng không” Trung Quốc

Ngày 11-12, trong hành trình bay từ Hàn Quốc qua eo biển Đài Loan, chiếc máy bay do thám Lockheed U-2A của Mỹ bay qua “vùng nhận diện phòng không” do Trung Quốc đơn phương công bố giữa lúc quan hệ hai bên căng thẳng sau các đòn trả đũa ngoại giao.

Hãng tin Sputnik và tờ Newsweek dẫn nguồn từ Tổ chức Sáng kiến tình hình chiến lược Biển Đông (SCSPI) cho biết chiếc máy bay Mỹ đi qua vùng nhận diện phòng không do Trung Quốc đơn phương tuyên bố ở biển Hoa Đông. Chiếc máy bay sau đó quay đầu tại điểm cách tỉnh Phúc Kiến của Trung Quốc 51 hải lý và cách Đài Loan 70 hải lý.

Trong khi đó, hãng tin UPI dẫn thông tin từ tổ chức theo dõi hàng không No Callsign tại Hàn Quốc cho biết chiếc Lockheed xuất phát từ căn cứ không quân Osan của Hàn Quốc hướng về phía Đài Loan sáng ngày 10-12, giờ địa phương. 5 tiếng sau đó, chiếc máy bay được xác định đã trở lại khu vực Hoàng Hải ở phía tây bán đảo Triều Tiên.

Đây là chuyến bay do thám áp sát eo biển Đài Loan nhất mà một chiếc máy bay của Mỹ từng thực hiện. Hồi tháng trước, tổ chức này cho biết Mỹ đã tăng gần gấp đôi số chuyến bay do thám gần Trung Quốc kể từ năm 2009, trung bình 1.500 chuyến bay mỗi năm ở khu vực Biển Đông. Tổ chức này cũng nói Washington ngụy trang máy bay do thám thành máy bay dân sự.

AN BÌNH