Mỹ “ve vãn” Iran
(Cadn.com.vn) - Iran được cho là phải cam kết ngừng các hoạt động hạt nhân nhạy cảm ít nhất một thập kỷ để mở đường cho một thỏa thuận bước ngoặt.
Trong bước đi báo hiệu chủ trương cụ thể của Mỹ trên bàn đàm phán với Iran, Tổng thống Barack Obama ngày 3-3 tuyên bố, Tehran phải ngừng toàn bộ các hoạt động hạt nhân trong vòng ít nhất 10 năm để các bên đi đến một thỏa thuận lịch sử.
Trả lời phỏng vấn Reuters tại Nhà Trắng, ông Obama cho biết, theo thỏa thuận mà nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Pháp, Nga, Anh, Đức và Trung Quốc) đang đàm phán, Iran cần phải cam kết đóng băng có kiểm chứng các hoạt động liên quan chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước này ít nhất 10 năm.
Mỹ yêu cầu Iran phải tạm ngưng chương trình làm giàu hạt nhân ít nhất 10 năm, |
Ông chủ Nhà Trắng cho biết, mục tiêu cuối cùng của Mỹ trong đàm phán với Iran là ngăn chặn quốc gia Hồi giáo này chế tạo bom hạt nhân. “Một khi Iran cam kết ngừng các hoạt động hạt nhân 10 năm, Mỹ sẽ có những cách thức để kiểm chứng cam kết này”, ông nói. Tuy nhiên, Iran kiên quyết bác bỏ điều kiện mà Tổng thống Obama đưa ra, đồng thời coi đây là yêu sách “không thể chấp nhận được”.
Những tuyên bố bảo vệ mạnh mẽ của ông Obama về thỏa thuận có thể với Iran được đưa ra khi chính quyền của ông phải đối mặt với những lời chỉ trích về việc Nhà Trắng quá háo hức để hoàn tất một thỏa thuận, có nguy cơ cho phép Iran cuối cùng trở thành một nhà nước hạt nhân. Theo nhiều nguồn tin, trong vòng đàm phán mới nhất, Mỹ có những nhượng bộ theo đó cho phép Iran ngừng các hoạt động hạt nhân trong vòng 10 năm, sau đó nước này được phép nối lại chương trình gây tranh cãi này. Quan điểm này của Washington vấp phải phản ứng dữ dội của Israel và đẩy mối quan hệ hai quốc gia đồng minh vào ngõ cụt.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, vị chính trị gia có bài phát biểu trước Quốc hội Mỹ hôm 2-3, mạnh mẽ phản đối thỏa thuận hạt nhân Mỹ đề xuất với Iran, nói rằng, việc này sẽ “phá hủy vĩnh viễn” quan hệ Washington - Tel Aviv. Đáp lại, ông chủ Nhà Trắng mạnh mẽ chỉ trích lập trường của ông Netanyahu, nhấn mạnh có “bất đồng đáng kể” giữa các bên về việc làm như thế nào để đạt được mục tiêu chung về việc ngăn chặn vòm kẻ thù của Israel.
Tuy nhiên, trên thực tế, hiện có nhiều nghi vấn cho rằng, Mỹ và Iran cùng “đi đêm” với nhau, động thái Nhà Trắng bác bỏ hoàn toàn. Theo nhiều chuyên gia, bước đầu, Tehran có thể sẽ tuân thủ đóng băng chương trình hạt nhân nhưng dần dần sẽ được phép tăng các hoạt động mà có thể giúp Tehran sản xuất vũ khí hạt nhân trong những năm cuối cùng của thỏa thuận. Trước đây, Washington dứt khoát yêu cầu Tehran phải ngừng hẳn hoặc ngừng 20 năm các hoạt động hạt nhân.
Cuộc đàm phán giữa các cường quốc và Iran trong nỗ lực hạn chế khả năng hạt nhân của Tehran để đổi lấy việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt đạt đến giai đoạn quan trọng trước thời hạt chót ngày 30-6. Trong khi Mỹ đang “ve vãn” quốc gia Hồi giáo, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif nói rằng, thỏa thuận về chương trình hạt nhân của Iran có thể được hoàn tất trong tuần này nếu Washington và các nước phương Tây khác có đủ ý chí chính trị và thống nhất dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với Tehran.
Trên thực tế, Nhà Trắng cũng hối thúc Quốc hội Mỹ không áp đặt thêm lệnh trừng phạt chống Iran. Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Susan Rice khuyến cáo, việc áp đặt thêm các lệnh trừng phạt chống Iran chắc chắn sẽ phá hủy các cuộc đàm phán quốc tế nhọc nhằn với Tehran. “Quốc hội Mỹ đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc giúp hình thành các lệnh trừng phạt đối với Iran nhưng hiện nay họ không nên trở thành kẻ phá bĩnh”, bà nhấn mạnh.
Mỹ và Iran sẽ tiếp tục các cuộc đàm phán về vấn đề hạt nhân Iran trong tuần này, mang theo nhiều hy vọng về một sự đột phá quan trọng cho vấn đề gây đau đầu bấy lâu nay.
Khả Anh