Năm học mới, các huyện miền núi Nghệ An tiếp tục “khát” giáo viên tiếng Anh

Thứ bảy, 31/08/2024 11:00

Tình trạng thiếu giáo viên dạy Tiếng Anh, Tin học ở Nghệ An diễn ra trong nhiều năm nay, trong đó phổ biến nhất là các huyện miền núi như Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong... Để đảm bảo công tác dạy học, Phòng GD-ĐT các huyện phải bố trí giáo viên dạy liên trường. Hàng năm các địa phương đều tổ chức tuyển dụng giáo viên nhưng tỷ lệ nộp hồ sơ ít, không đủ chỉ tiêu đề ra.

Tình trạng thiếu GV ở nhiều địa phương ở Nghệ An khiến công tác dạy, học gặp nhiều khó khăn.
Tình trạng thiếu GV ở nhiều địa phương ở Nghệ An khiến công tác dạy, học gặp nhiều khó khăn.

Giải pháp trước mắt

Trước thềm năm học 2024 - 2025, toàn huyện Tương Dương có 36 trường tiểu học và THCS nhưng chỉ có 38 giáo viên (GV) Tiếng Anh. Trong số này, có 2 trường không có GV Tiếng Anh là Trường Tiểu học Tam Quang 1 và Trường Tiểu học Lưu Kiền. Còn lại mỗi trường chỉ có 1 đến 2 GV Tiếng Anh.

Theo chia sẻ của thầy Nguyễn Hồng Hoàn – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tam Quang 1, đây là năm thứ 2 nhà trường “trắng” GV dạy môn Tiếng Anh. Theo đó, GV Tiếng Anh của trường đều là GV được tăng cường từ Trường THCS Tam Quang và Trường Tiểu học Tam Quang 2. Tuy nhiên, vì phải thực hiện nhiệm vụ chuyên môn ở trường chính nên các GV này cũng chỉ đảm nhiệm được một số lớp của nhà trường mà thôi. Thực trạng này khiến nhà trường rất lo lắng, nhưng đây là khó khăn chung của toàn ngành nên không biết giải quyết thế nào. Để khắc phục tình trạng này, nhà trường ưu tiên dạy Tiếng Anh cho học sinh 2 khối 3 – 4 học theo Chương trình Giáo dục phổ thông mới. Còn học sinh khối 1 – 2 chưa học, học sinh khối 5 học theo chương trình tự chọn nên cũng chỉ 2 tiết/tuần.

Cũng theo thầy Hoàn, việc tăng cường GV về hỗ trợ các trường thiếu GV chỉ giải quyết được bài toán trước mắt, còn về lâu dài thì gây khó khăn cho cả GV và cả các nhà trường. Nhất là khi lịch học và lên lớp của 2 trường khác nhau, theo đó nhà trường phải tính toán rất kỹ khi sắp xếp thời khóa biểu cho GV và học sinh.

Là một trong những trường đảm nhận thêm trách nhiệm dạy tăng cường cho các trường tiểu học thiếu GV tiếng Anh trên địa bàn huyện, thầy Hoàng Liên Sơn – Hiệu trưởng Trường THCS Tam Quang cho biết, số lượng GV tiếng Anh tại trường hiện vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu thực tế của nhà trường (trường có 14 lớp và có 2 GV Tiếng Anh-PV). Do dạy vượt số tiết theo quy định nên GV được hỗ trợ thêm tiền tăng tiết, vậy nhưng nhiều GV vẫn không lấy làm mặn mà với công việc này.

Được biết, để đảm bảo công tác dạy học, huyện Tương Dương đã đề xuất với Sở Nội vụ xin tuyển dụng thêm 8 GV Tiếng Anh cho cả bậc tiểu học và THCS. Tuy nhiên, phương án này khó khả thi vì nhiều khả năng sẽ không có hồ sơ đăng ký.

Khó khăn hơn huyện Tương Dương, bước vào năm học mới 2024-2025, toàn huyện Kỳ Sơn thiếu hơn 82 GV dạy tiếng Anh và Tin học ở 47 trường, gồm 57 GV bậc tiểu học, 25 GV THCS. Trước thực trạng thiếu GV trầm trọng này, Phòng GD-ĐT huyện Kỳ Sơn đã bố trí GV dạy liên trường. Theo đó, mỗi GV được giao dạy ở 2 trường trong một địa bàn. Được biết, hàng năm, huyện Kỳ Sơn đều tổ chức tuyển dụng GV, tuy nhiên, tỷ lệ người địa phương hoặc nơi khác đến nộp hồ sơ ít, không đủ so với chỉ tiêu đề ra. Đã khan hiếm GV môn Tiếng Anh, Tin học, vậy mà hàng năm Kỳ Sơn đều có người xin chuyển công tác đi nơi khác nên lại càng khó khăn hơn. 5 năm qua, có khoảng 7 GV Tiếng Anh và Tin học xin chuyển vị trí công tác ra khỏi địa bàn huyện. Hầu hết GV hiện đang công tác tại Kỳ Sơn đều là người địa phương hoặc lập gia đình ở lại.

Cũng như Kỳ Sơn và Tương Dương, năm học mới 2024-2025, huyện Quế Phong thiếu 6 GV Tiếng Anh ở bậc tiểu học, 4 GV Tiếng Anh ở bậc THCS. Để giải quyết bài toán thiếu GV đứng lớp, huyện đã tổ chức phương án GV dạy liên trường và hợp đồng một số GV bên ngoài vào giảng dạy.

Đã thiếu lại còn khó tuyển dụng

Sở dĩ các huyện miền núi Nghệ An như Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong… thiếu GV Tiếng Anh vì sinh viên có hộ khẩu tại các vùng miền núi tốt nghiệp khoa Sư phạm Ngoại ngữ không nhiều, chủ yếu trông chờ vào nguồn tuyển từ miền xuôi. Trong khi đó, các sinh viên vừa tốt nghiệp ở miền xuôi thường không mặn mà lên công tác ở miền núi. Cộng thêm đó, nhiều trường hợp đã vào biên chế một thời gian thì tìm cách xin thuyên chuyển về xuôi, dẫn đến tình trạng thừa thiếu GV cục bộ.

Năm học mới 2024 - 2025, để đảm bảo có đủ GV đứng lớp theo quy định, UBND tỉnh Nghệ An đề nghị Bộ Nội vụ bổ sung 6.501 biên chế. Theo đó, biên chế cho bậc mầm non là 1.688 người, bậc tiểu học là 2.692 người, bậc THCS là 1.795 người và bậc THPT là 326 người(trong đó có 220 biên chế hưởng lương từ nguồn thu). Đến thời điểm hiện nay, so với định mức biên chế về GV/lớp, học sinh/lớp theo quy định của Bộ GD-ĐT thì số lượng biên chế giáo dục của tỉnh Nghệ An đang còn thiếu 6.721 biên chế.

Hiện các địa phương tỉnh Nghệ An đang tổ chức tuyển dụng GV. Trong khi các huyện miền xuôi, đô thị, số lượng ứng viên rất đông, thì tại một số huyện miền núi lại không đủ chỉ tiêu tuyển dụng.

Trước đó, trong hai năm học 2022 – 2023 và 2023 – 2024, toàn tỉnh Nghệ An đã tuyển dụng thêm 5.056 GV. Tuy nhiên, việc tuyển dụng GV gặp nhiều khó khăn vì một số huyện còn biên chế nhưng phải thực hiện tinh giản biên chế viên chức theo lộ trình (giảm 10% trong giai đoạn 2022 – 2026) nên không thể tuyển thêm. Việc này khiến nhiều địa phương gặp khó khăn trong việc cân đối giữa thực hiện chỉ tiêu tinh giản biên chế và giải quyết vấn đề thiếu GV.

Dương Hóa