Năm học mới, kỳ vọng mới!
Sáng nay (5-9), hơn 20 triệu học sinh các cấp học trên khắp cả nước hân hoan đến trường dự lễ khai giảng, chính thức bước vào năm học mới 2024-2025. Đây cũng là năm học Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 được triển khai ở tất cả các bậc học, với nhiều nhiệm vụ lớn đầy thách thức đặt ra cho toàn ngành giáo dục...
Đà Nẵng: Kỳ vọng một năm học ngập tràn hạnh phúc
Cùng với học sinh cả nước, hơn 290.300 học sinh trên toàn TP Đà Nẵng hân hoan bước vào năm học mới 2024-2025. Hòa trong không khí vui tươi, náo nức của ngày khai trường, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, phụ huynh, học sinh phấn khởi với khí thế mới, niềm tin mới, quyết tâm mới phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học đã đề ra.
Đi ngang các ngôi trường trên địa bàn thành phố trong ngày khai giảng, tất cả đều rực rỡ biểu ngữ, cờ hoa chào mừng Ngày Toàn dân đưa trẻ đến trường. Bắt đầu năm học mới, mỗi thầy, cô giáo lại tiếp tục xây đắp, chắp cánh cho bao ước mơ của những mầm xanh tương lai. Trong tâm thế sẵn sàng, các thầy, cô giáo kỳ vọng về một năm học hiệu quả, tốt đẹp và thành công.
Trong tâm thế đó, thầy trò trường THCS và THPT Nguyễn Khuyến (TP Đà Nẵng) hy vọng sẽ hoàn thành công tác giảng dạy, học tập an toàn và thành công. Chia sẻ về ước vọng năm học mới, cô Lê Thị Thu Hà - Phó Hiệu trưởng trường THCS và THPT Nguyễn Khuyến bày tỏ: “Để tạo điều kiện cho các học sinh phát triển toàn diện hơn về mọi mặt, tôi nghĩ ngoài vai trò của giáo viên, nhà trường thì vai trò của phụ huynh rất quan trọng trong việc đồng hành với con, phối hợp với nhà trường định hướng hỗ trợ giáo dục các em. Bên cạnh đó, việc trang bị cơ sở vật chất đảm bảo cho việc dạy và học hiện nay cũng cần được quan tâm hơn để các em có thể phát triển toàn diện”.
Sau kỳ nghỉ hè, nhiều em học sinh mong chờ đến ngày khai giảng, được đi học trở lại để gặp bạn bè, thầy cô. Trong tâm trạng phấn khởi, mong chờ một năm học mới thành công, em Nguyễn Thái Minh Phương - học sinh lớp 10, trường THPT Hòa Vang, TP Đà Nẵng, tâm sự: “Em hy vọng, năm học mới này chúng em sẽ học, tiếp thu được nhiều kiến thức mới, nhiều điều hay, mới; sẽ có những người bạn tốt và nhiều kỷ niệm đẹp ở mái trường Hòa Vang. Em cũng mong muốn được tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm để chúng em có những bài học thực tế, thiết thực phục vụ cho học tập và cuộc sống”.
Cùng với sự háo hức của các em học sinh, đông đảo phụ huynh và toàn xã hội kỳ vọng về một nền giáo dục phát triển. Đặc biệt hơn cả, rất nhiều quyết tâm đổi mới, sáng tạo của đội ngũ đảm nhận công việc, trọng trách “trồng người”.
Có con năm nay bước vào ngưỡng cửa lớp 1, chị Phạm Thị Hải Hòa (trú quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) mong mỏi: “Đến với trường lớp, thầy cô, ban bè mới, tôi hy vọng con mình được học tập, vui chơi trong môi trường an toàn và lành mạnh. Mong mỗi ngày đến trường của con là một ngày vui và hạnh phúc. Không cần phải chạy theo thành tích, áp lực học hành, tôi chỉ mong muốn con được học tập, vui chơi và có một tuổi thơ đúng nghĩa ở mái trường theo học”. Chị Hải Hòa cũng hy vọng, trong năm học mới này sẽ không còn tình trạng lạm thu, các hình thức “biến tướng” như kêu gọi ủng hộ, vận động tài trợ, giúp đỡ, đóng góp các khoản thu không hợp lệ được quán triệt, tạo môi trường học tập công bằng cho học sinh và đỡ áp lực về kinh phí cho phụ huynh.
Quảng Nam: Tiếp tục nâng cao chất lượng, đổi mới không ngừng
Với chủ đề “Kỷ cương trách nhiệm, đổi mới không ngừng, nâng cao chất lượng”, trong năm học 2024 – 2025, ngành Giáo dục tỉnh Quảng Nam tập trung triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm, trong đó điểm nhấn là phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục bảo đảm đủ số lượng, nâng cao về chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới GD - ĐT.
Theo Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam, hiện nay toàn tỉnh có 725 trường công lập với 346.570 học sinh/11.012 lớp; 758 cơ sở giáo dục mầm non độc lập tư thục và 70 trường ngoài công lập với 30.567 học sinh/1.466 lớp. Bên cạnh đó, Quảng Nam còn có 1 Trung tâm Giáo dục thường xuyên, 22 Trung tâm học tập cộng đồng, 131 Trung tâm tin học - ngoại ngữ; 12 Trung tâm tư vấn du học; 25 Trung tâm giáo dục ngoài giờ chính khóa.
Đến nay, tổng số CB-GV-NV toàn ngành là 28.619 người. Trong đó có 9 tiến sĩ, 483 thạc sĩ; tỷ lệ giáo viên mầm non - phổ thông là viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập đạt chuẩn về trình độ đào tạo theo Luật Giáo dục năm 2019 là 94,8% (Mầm non: 98,6%; Tiểu học: 91,8%, THCS: 92,6%, THPT: 100%). Nhìn chung, hệ thống mạng lưới trường lớp, trung tâm được phân bố hợp lý; trường học được quan tâm đầu tư ngày càng khang trang; đội ngũ cơ bản đảm bảo về số lượng và chất lượng đáp ứng được nhu cầu học tập của nhân dân.
Quảng Nam là địa phương có 9 huyện miền núi, trong đó có 6 huyện miền núi cao. Tình trạng học sinh bỏ học tuy có giảm nhưng tỷ lệ vẫn còn cao, đi học thiếu chuyên cần còn xảy ra; vẫn còn tình trạng tảo hôn... Ông Võ Đăng Thuận – Trưởng phòng GD-ĐT huyện Nam Trà My cho biết, năm học 2024 - 2025, toàn huyện có khoảng 10.500 học sinh cả 3 cấp học, 373 lớp (tăng thêm 6 lớp so với năm học trước). Đến nay, phần lớn các trường học trên địa bàn đã được kiên cố hóa, còn khoảng 6 điểm trường lẻ xây tạm tường gỗ, mái tôn, nền xi-măng, tập trung ở xã Trà Vinh (giáp ranh Kon Tum), xã Trà Tập và xã Trà Dơn. Hầu hết các điểm trường lẻ này nằm ở các thôn bản xa, do giao thông cách trở không thể vận chuyển vật liệu xây dựng được. “Về đội ngũ cán bộ, giáo viên trong biên chế còn thiếu hơn 300 người, đã được bổ sung bằng giáo viên hợp đồng, cơ bản đáp ứng nhu cầu giảng dạy năm học mới. Thời gian qua, các địa phương đã kêu gọi nguồn lực xã hội hóa, xây trường, trao nhiều phần quà cho trẻ em nhân dịp năm học mới. Điều này đã tiếp thêm động lực cho các thầy trò vùng cao huyện Nam Trà My vượt khó gieo chữ trên núi”- ông Thuận chia sẻ.
Nhằm khắc phục những hạn chế, khó khăn trong năm học mới, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam Thái Viết Tường cho biết, trong năm học 2024-2025 này, Sở triển khai thực hiện Kết luận 91-KL/TW ngày 12-8-2024 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Đồng thời nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. Chỉ đạo triển khai thực hiện tốt Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đặc biệt với các lớp 5, lớp 9, lớp 12. Đặc biệt phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, bảo đảm đủ số lượng và nâng cao về chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới GD-ĐT…
Quảng Trị: Nhiều giáo viên tình nguyện luân chuyển, chia sẻ với vùng khó
Trong không khí náo nức đón chào năm học mới, tại Quảng Trị, Sở GD-ĐT tỉnh đã tổ chức gặp mặt giáo viên làm nhiệm vụ điều động luân phiên năm học 2024 – 2025. Năm học này, Sở GD–ĐT đã quyết định cho 19 giáo viên điều động luân phiên. Trong đó, 14 giáo viên có đơn tình nguyện; 4 giáo viên điều động luân phiên đến hạn trở về đơn vị cũ nhưng vẫn tình nguyện ở lại tiếp tục công tác. Tại buổi gặp mặt, Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Thị Hương hoan nghênh tinh thần tình nguyện của các giáo viên, tất cả vì học sinh vùng khó, vì sự nghiệp trồng người. Đến thời điểm này, Sở đã hoàn thành việc bố trí đội ngũ đầu năm học. Ngành GD-ĐT Quảng Trị cũng đã, đang tích cực triển khai các giải pháp huy động học sinh đến trường, đặc biệt ở các địa bàn miền núi, vùng khó khăn. Hiện Quảng Trị có 178.124 học sinh, trong đó học sinh các lớp đầu cấp là 41.880 học sinh.
Năm học mới đã chính thức bắt đầu, hứa hẹn những khởi nguồn cho những hy vọng mới, những thành công mới. Mỗi cán bộ, giáo viên, học sinh và phụ huynh trên khắp cả nước cùng nhau đặt niềm tin, sự kỳ vọng cũng như quyết tâm cao về năm học mới “Kỷ cương trách nhiệm, đổi mới không ngừng, nâng cao chất lượng”.
Thanh Hoa - Lê Hải - Bảo Hà