Nam Ô ngày ấy - bây giờ...

Thứ bảy, 31/12/2016 12:06

(Cadn.com.vn) - Có một thời, Nam Ô (thuộc P. Hòa Hiệp Nam, Q. Liên Chiểu, TP Đà Nẵng)-ngôi làng nhỏ nép mình dưới chân Hải Vân Quan, trước mặt là dặm dài biển cả, sau lưng được bọc bởi con đường thiên lý Bắc - Nam nức tiếng khắp cả nước bởi “đặc sản”-nghề pháo. Giờ đây, nó lại được biết đến nhiều hơn với sản phẩm trứ danh truyền thống: Nước mắm Nam Ô...

Ký ức làng pháo

Đã có một thời, nhắc đến pháo Nam Ô hầu như ai cũng biết. Cùng với các làng pháo Đồng Kỵ, Bình Đà, pháo Nam Ô có mặt hầu khắp mọi miền đất nước. Pháo gắn liền với cuộc mưu sinh của hàng ngàn người dân nơi đây. Các bậc cao niên trong làng hiện cũng không nhớ nổi nghề làm pháo này có tự bao giờ. Chỉ biết trước khi bị cấm, gia đình họ đã có vài thế hệ gắn bó với cái nghề đầy nguy hiểm này. Ông Nguyễn Biết, vốn là Phó Chủ nhiệm HTX làng pháo Nam Ô nói đùa rằng, nghề làm pháo là nghề “giỡn mặt tử thần”. Cũng chẳng sai chút nào. Bởi chỉ cần một chút sai sót hay bất cẩn, trong chớp mắt có thể cướp đi sinh mạng nhiều người. Chưa có con số thống kê cụ thể, nhưng tại Nam Ô, nhiều vụ tai nạn khủng khiếp, mà sau hơn 20 năm nhắc lại, người dân nơi đây vẫn không khỏi bàng hoàng. Dẫn chúng tôi đi một vòng quanh làng, gặp không ít nhân chứng, đúng hơn là nạn nhân của nghề pháo với chi chít thương tật trên người, hỏi chuyện quá khứ nhưng chẳng ai muốn nêu tên và gợi lại nỗi đau mình từng trải...

Những năm 1990, tại làng pháo Nam Ô, hầu như nhà nhà làm pháo, người người sản xuất pháo. Pháo đem lại cho người dân nơi đây nguồn thu nhập khá, nhưng cũng mang lại cho họ không ít đau thương, nước mắt. Biết là vậy, nhưng vì mưu sinh, họ không thể không làm. Bởi nghề làm pháo tàn khốc và cay đắng là vậy, nhưng nó cũng chính là cái nghề đem lại cuộc sống đủ đầy cho nhiều hộ gia đình, nhất là vào dịp Tết. Cuối năm 1994, Chỉ thị số 406 – TTg về việc cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo ra đời có thể xem là bước ngoặt với người dân làng Nam Ô. Hầu hết đều đồng tình ủng hộ, nhưng trong lòng vẫn nặng trĩu băn khoăn, lo lắng. “Thời điểm ấy, cuộc sống của người dân đều phụ thuộc vào cả nghề pháo, ngoài ra chẳng biết làm gì khác để kiếm sống. Ngặt nghèo hơn, tất cả vốn liếng tích góp được đều đã dồn vào làm pháo để bán trong dịp Tết, cũng là lúc chủ trương cấm pháo được thực hiện nên người dân hầu như trắng tay. Tết năm ấy, làng Nam Ô im bặt, đìu hiu”, ông Biết bùi ngùi.

Vợ chồng ông Trần Ngọc Vinh đang “tắm nắng” cho mẻ mắm để chuẩn bị
chắt lọc thành sản phẩm nước mắm Nam Ô trứ danh đáp ứng thị trường dịp Tết 2017.

Hồi sinh làng mắm...

Để vượt qua giai đoạn khó khăn này, người trong làng tự tìm cho mình đường đi riêng. Thanh niên trai tráng, người thì đi tìm việc ở các khu công nghiệp, người thì đi phụ hồ; còn người già, yếu sức lao động thì buôn gánh bán bưng, làm đủ nghề kiếm sống. Chỉ còn một ít hộ, lâu nay vẫn duy trì nghề làm nước mắm để sử dụng trong gia đình, thì nay đã mạnh dạn đầu tư cơ sở vật chất, dụng cụ để làm mắm quy mô hơn, xem đây là cơ hội để khôi phục lại nghề truyền thống của ông cha mình, vốn từng bị nghề làm pháo lấn át. Cùng với nỗ lực tự thân của người dân, các cấp chính quyền địa phương và thành phố cũng tích cực vào cuộc, đưa ra nhiều giải pháp căn cơ hơn như cho vay vốn, tìm đầu ra cho sản phẩm... để giúp người dân ổn định cuộc sống.

Đến Nam Ô vào những ngày giáp Tết, thời điểm chính vụ thu hoạch nước mắm, chúng tôi cảm nhận được không khí rộn ràng, tấp nập nơi đây. Nếu không tìm hiểu trước, chắc chẳng ai nghĩ ngôi làng nhỏ, nép mình bên con sóng yên ả vỗ về, người dân thân thiện mến khách này từng một thời rền vang tiếng pháo. Đó là những tiếng pháo buồn, tiếng pháo của sự chia ly, đau thương, mất mát... Còn sự rộn ràng, tấp nập ở thì hiện tại, đó là tín hiệu vui, chỉ sự ấm no, yên bình, hạnh phúc. Ông Trần Ngọc Vinh, Chủ tịch Hội Làng nghề nước mắm Nam Ô, Phó Chủ tịch HTX Sản xuất và chế biến hải sản Đông Hải nhớ lại: Để vực dậy thương hiệu, lấy lại được danh tiếng nước mắm Nam Ô như thời điểm hiện nay không phải chuyện đơn giản. “Cũng trầy vi tróc vảy, thậm chí có lúc tưởng chừng đi vào bế tắc, buông xuôi. Ngoài việc nhọc công, tốn sức mà thu nhập lại không cao, thì vấn đề đầu ra cho sản phẩm luôn là trăn trở, thách thức lớn nhất của người làm mắm”, ông Vinh nghiền ngẫm.

Thành phẩm “Nước mắm Nam Ô”.

“Đó là chưa kể đến sự tác động của các yếu tố khách quan bên ngoài”, theo ông Vinh. Ví như vụ ô nhiễm môi trường biển ở các tỉnh bắc miền Trung thời gian qua đã làm cho nguồn cá cạn kiệt, người dân “né” sử dụng các sản phẩm từ biển; hay gần đây nhất là việc Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng (Vinastas) công bố mập mờ nước mắm nhiễm asen giống như “một cú đá bồi” vào nghề nước mắm truyền thống, trong đó có Nam Ô điêu đứng, làng nghề hoang mang. “Sau hàng loạt sự cố xảy ra, đến nay mọi chuyện lại trở về với trạng thái ban đầu. Làng mắm, nghề mắm không những không bị triệt tiêu, mà còn có cơ hội phát triển mạnh thêm, nhất là khi nó đã tạo được niềm tin, chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng cả nước”, ông Vinh vui vẻ cho biết. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, bao vật đổi sao dời, làng mắm Nam Ô cũng có năm khốn đốn nhưng vẫn giữ được hương vị tuyệt vời của sản vật lừng danh. Ngày trước sản vật này dùng để tiến Vua, ngày nay người ta dùng làm quà biếu cho họ hàng, bạn hữu mỗi độ Tết đến xuân về. Và tiếng tăm của nước mắm Nam Ô nay còn vang xa hơn tiếng pháo thời dĩ vãng...

Doãn Hùng